Giao thông thông minh góp phần bảo đảm an toàn, kiểm soát ùn tắc

Cập nhật: 10-09-2018 | 08:03:39

 Dù chỉ là một phần nhỏ trong Đề án giao thông thông minh, nhưng việc thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông cùng với hệ thống biển báo điện tử tại một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ kịp thời thông tin tình hình, mật độ giao thông. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có phương án điều tiết, kiểm soát, can thiệp sớm; các phương tiện giao thông biết được lộ trình phía trước nhằm phòng tránh ùn tắc. Ông Nguyễn Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông Sở Giao thông - Vận tải cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. Ông Thuận cho biết thêm:

Chiếu sáng công cộng vừa mang lại vẻ mỹ quan cũng vừa góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Việc thay thế đèn chiếu sáng giao thông công cộng từ đèn cao áp công suất lớn, tiêu hao năng lượng, thời gian khởi động lâu (10 phút), lượng phát thải cao sang đèn led có độ sáng tốt hơn, dịu hơn, công suất chỉ bằng 50% công suất đèn cao áp nhưng tuổi thọ kéo dài (từ 50.000 - 100.000 giờ), chi phí vận hành thấp, thân thiện môi trường đang được các đô thị thông minh, hiện đại trên thế giới áp dụng. Đối với Bình Dương, hiện tại hệ thống chiếu sáng công cộng ở Thành phố mới Bình Dương đã được Tổng Công ty Becamex IDC chuyển đổi sang đèn led rất hiện đại. TP.Thủ Dầu Một cũng đang thí điểm triển khai tại 3 tuyến đường chính là Nguyễn Văn Tiết, Cách Mạng Tháng Tám và quốc lộ 13.

Một số giao lộ trên địa bàn tỉnh có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe sẽ được tỉnh lắp đặt camera giám sát giao thông, bảng hướng dẫn điện tử cùng hệ thống quản lý thông minh. Ảnh: DUY CHÍ

Đề án thay đổi đèn cao áp chiếu sáng công cộng sang đèn led tiết kiệm điện có quy mô áp dụng cho các tuyến đường trên địa bàn tỉnh với số lượng thay thế 26,8 triệu bóng đèn, tổng kinh phí 373 tỷ đồng, trong đó 2 địa phương đi đầu thí điểm là TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An. UBND tỉnh cũng đã có văn bản thống nhất ý kiến giao UBND TX.Dĩ An dùng nguồn vốn sự nghiệp, làm chủ đầu tư thay thế đèn cao áp chiếu sáng trên các tuyến đường do thị xã quản lý bằng đèn led. Từ kết quả của TX.Dĩ An, tỉnh sẽ rút kinh nghiệm để triển khai ra các địa phương, các tuyến đường còn lại.

- Việc quản lý, giám sát, kiểm soát giao thông, giải quyết ùn tắc bằng công nghệ hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Dù chỉ là một phần nhỏ trong đề án giao thông thông minh nhưng việc triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông cùng các bảng điện tử đặt trước các giao lộ, tuyến đường có mật độ giao thông cao sẽ góp phần giải quyết bức xúc về ùn tắc, tai nạn giao thông khu vực phía Nam của tỉnh, mang lại nhiều thông tin thiết thực. Giải pháp này giúp các cơ quan chức năng có phương án, giải pháp quản lý, điều tiết, can thiệp kịp thời; người tham gia giao thông biết được đoạn đường phía trước, khu vực xung quanh như thế nào, cũng như thông tin thời tiết trong ngày để chủ động phòng tránh, góp phẩn bảo vệ sức khỏe, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Xin ông cho biết cụ thể hơn việc triển khai lắp đặt, hiệu quả của Đề án thay đổi đèn cao áp chiếu sáng công cộng sang đèn led tiết kiệm điện?

- Trước mắt, Sở Giao thông- Vận tải sẽ triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông cùng với hệ thống biển báo tại 3 tuyến đường chính có lưu lượng, mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra ùn tắc là quốc lộ 13, đường ĐT743 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Hiện tại, 26,7km đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được đầu tư. Dọc tuyến này có 18 giao điểm lớn, trong số đó sở sẽ chọn và lắp đặt 5 biển báo điện tử phía trước 5 giao điểm có tỷ lệ ùn tắc cao là ngã tư Bình Thắng (TX.Dĩ An), ngã tư Thủ Khoa Huân (TX.Thuận An), ngã ba Điện Biên Phủ (đường Tạo lực 1, TP.Thủ Dầu Một), ngã ba Huỳnh Văn Lũy và ngã tư Phạm Ngọc Thạch (TP.Thủ Dầu Một), nhằm thông báo tình hình, mật độ giao thông, thông tin hướng dẫn để các phương tiện trên đường nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh ùn tắc.

Đối với quốc lộ 13, tới đây sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng lên 8 làn xe, những nơi quan trọng sẽ lên 10 làn xe. Phần dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đã có hệ thống camera, nên phần còn lại nằm ngoài dự án sẽ được tỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát giao thông. Riêng đường ĐT743 chuẩn bị triển khai nâng cấp mở rộng và cũng đã có hệ thống camera giám sát giao thông như tại 2 tuyến đường nói trên.

Tất cả hệ thống camera giám sát, biển báo điện tử của các tuyến đường nói trên sẽ được tập trung về 2 trung tâm chính đặt tại Công an tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải để phối hợp quản lý, điều phối. Cụ thể, Công an tỉnh chịu trách nhiệm về xử lý, điều tiết giao thông, giải quyết ùn tắc. Khi mật độ giao thông cao, có thể xảy ra ùn tắc cần có sự can thiệp, điều tiết của cảnh sát giao thông thì Công an tỉnh sẽ yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, xử lý ùn tắc; hình ảnh, dữ liệu trên camera giám sát giao thông cũng góp phần quan trọng trong việc xử lý tai nạn, phối hợp phân luồng để phòng tránh ùn tắc.

Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm phân luồng giao thông, cập nhật thông tin hướng dẫn giao thông, kiểm soát tải trọng, kiểm soát phương tiện lưu thông trên đường. Nếu đơn vị phát hiện phương tiện vi phạm như quá tải trọng, không bảo đảm an toàn giao thông... thiết bị trên đường sẽ báo tải trọng phương tiện, mức tải trọng hiện hữu, camera sẽ chụp hình phương tiện, cung cấp thông tin đăng kiểm phương tiện để lực lượng thanh tra giao thông có cơ sở xử lý hoặc thông báo đến các trạm BOT từ chối cấp vé qua trạm... Sở Giao thông - Vận tải cũng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thông qua hệ thống đài FM để thường xuyên thông báo qua kênh giao thông về tình hình thời tiết, mật độ phương tiện, tình hình kẹt xe, ùn tắc giao thông nếu có để đưa ra định hướng, hướng dẫn phương tiện để tránh ùn tắc, kẹt xe từ xa. Cùng với đó, sở thực hiện các phần mềm ứng dụng, APP để người sử dụng điện thoại thông minh dễ dàng truy cập, ứng dụng khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.

Một yêu cầu quan trọng khác mà chúng tôi phải tiên lượng, dự báo trước là khi xảy ra mất điện, mất điện cục bộ thì toàn bộ hệ thống vẫn bảo đảm hoạt động bình thường. Đây là yêu cầu rất quan trọng trong vận hành hoạt động của hệ thống quản lý thông minh.

Cũng như Đề án thay đổi đèn chiếu sáng công cộng, thực hiện Đề án lắp đặt camera giám sát giao thông, giao thông thông minh, Sở Giao thông - Vận tải sẽ rút kinh nghiệm thực tiễn từ việc triển khai thí điểm để tiếp tục nhân rộng ra các tuyến đường còn lại trên địa bàn tỉnh. Đối với các tuyến đường BOT do doanh nghiệp quản lý, vận hành, các doanh nghiệp sẽ chịu tránh nhiệm đầu tư hệ thống tương tự như các tuyến đường khác và kết nối vào hệ thống quản lý chung.

- Xin cảm ơn ông!

Đèn tín hiệu giao thông tại 7 giao lộ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một vẫn hoạt động nếu xảy ra cúp điện

7 giao lộ thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một gồm 5 giao lộ do 2 doanh nghiệp BOT quản lý là Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Cường, cùng 2 giao lộ do UBND TP.Thủ Dầu Một quản lý sẽ được lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng cho đèn tín hiệu giao thông với tổng kinh phí 1 tỷ đồng vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Các thiết bị trên hoạt động hoàn toàn tự động nhằm duy trì liên tục tín hiệu đèn giao thông, kể cả trong trường hợp bị mất điện hoặc mất điện cục bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, phòng tránh ùn tắc, tai nạn giao thông khi xảy ra mất điện, đèn tín hiệu giao thông ngưng hoạt động.

 

DUY CHÍ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=502
Quay lên trên