Bình Dương chú trọng phát triển vận tải đường thủy

Cập nhật: 14-08-2018 | 07:34:42

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc thực hiện quy hoạch này góp phần giảm áp lực cho vận tải đường bộ, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa...

Tiềm năng lớn

Bình Dương tuy không có sân bay, cảng biển, vận tải đường sông lại bị độ tĩnh không của cầu hạn chế việc vận chuyển bằng container, sà lan, các cảng sông chỉ có thể tiếp nhận được tàu trọng tải không quá 2.000 tấn… nhưng tỉnh lại có nhiều lợi thế khác như: Giáp TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai - 2 địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, luôn đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là 2 địa phương có cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế khác trong nước và khu vực. Nơi đây còn tập trung nhiều khu công nghiệp hiện đại quy mô lớn, có khả năng sản xuất khối lượng lớn hàng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Khu liên hợp kho cảng container trên sông Sài Gòn, do Tổng Công ty Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Ảnh: DUY CHÍ

Thực tế cho thấy, cùng với tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ trong những năm qua, nhu cầu vận tải hàng hóa trong tỉnh tăng cao. Theo tính toán, cứ mỗi 3 phút lại có một container rời Bình Dương để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Với lưu lượng lớn như thế, có thể thấy vận tải đường bộ đã quá tải đối với Bình Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh tốc độc đô thị hóa nhanh, dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra ở các cửa ngõ chính của tỉnh, cụ thể như tại cầu vượt Bình Phước (quốc lộ 13), ngã 3 Tân Vạn (đường Mỹ Phước- Tân Vạn)…

Vận tải đường thủy phát triển không chỉ góp phần giảm tải sức ép cho đường bộ, giải phóng hàng hóa cho nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh mà còn giải quyết nhiều vấn đề khác của Bình Dương. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, vấn đề phát triển hệ thống đường thủy nội địa luôn là mối quan tâm hàng đầu của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Trong một phiên họp của UBND tỉnh mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận hiện nay vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đã dần quá tải. Chính vì thế, tỉnh cần nhắm đến việc giải phóng hàng hóa bằng các phương tiện vận tải thủy. “Dù nằm giữa hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nhưng những năm qua vận tải đường thủy của Bình Dương không phát triển như mong muốn là một điều hết sức đáng tiếc”, ông Liêm trăn trở.

Lối đã mở

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7-2018, các thành viên UBND tỉnh đã nhất trí thông qua Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh được quy hoạch và phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia và bảo đảm tính kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển; đáp ứng nhu cầu và góp phần giảm bớt áp lực trong vận tải đường bộ thông qua khối lượng hàng hóa, hành khách trong từng thời kỳ; thúc đẩy phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh.

Quy hoạch chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2020, xây dựng hệ thống cảng, bến thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với khối lượng vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng hóa và hơn 3 triệu hành khách vào năm 2020; giai đoạn 2021-2025, xây dựng hệ thống cảng, bến thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với khối lượng vận chuyển hơn 1,7 triệu tấn hàng hóa và hơn 6 triệu hành khách vào năm 2025; giai đoạn 2026-2030, hoàn thiện hệ thống cảng, bến thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hơn 2,3 triệu tấn hàng hóa và hơn 8 triệu hành khách vào năm 2030… Như vậy, có thể thấy Bình Dương đã quy hoạch chi tiết các cảng hàng hóa, bến hàng hóa, bến tàu khách, bến chuyên dùng, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh.

Một thông tin tích cực khác chính là việc Bộ Giao thông- Vận tải quyết định nâng cao tĩnh không cầu sắt Bình Lợi. Được biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc được triển khai từ năm 2015. Dự án này gồm 2 hạng mục chính là xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền và nạo vét luồng sông Sài Gòn. Theo ông Đinh Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, đến tháng 9-2018 hạng mục xây mới cầu Bình Lợi sẽ được hoàn thành, tàu đường sắt sẽ được điều chỉnh qua chạy trên cầu mới này. Sau đó, đơn vị thi công sẽ tiến hành tháo dỡ toàn bộ cầu đường sắt cũ để nâng tĩnh không thông thuyền cho luồng. Đến tháng 11-2018 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành. Đây là thông tin vui đối với Bình Dương nói chung và các doanh nghiệp Bình Dương nói riêng. Bởi lẽ, tĩnh không cầu Bình Lợi quá thấp đã khiến cho việc phát triển vận tải đường thủy của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Như vậy, chỉ cần đạt được thỏa thuận và tiến hành tháo dỡ cầu sắt Phú Long nối liền giữa TX.Thuận An và Quận 12, TP.Hồ Chí Minh, vận tải đường thủy của Bình Dương sẽ được “mở lối” thực sự. Khi đó, các cảng đường sông có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn như An Sơn, An Tây, Thanh An... trên sông Sài Gòn sẽ nhộn nhịp và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bình Dương.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=473
Quay lên trên