Bình Dương, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản

Cập nhật: 10-12-2015 | 08:46:33

Dựa trên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, trong những năm qua Bình Dương tiếp tục là đích đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến Bình Dương không chỉ để làm ăn đơn thuần, mà còn tập trung vào những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường và các dự án đô thị, dịch vụ chất lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương.


Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thời gian gần đây các DN Nhật Bản còn đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Bình Dương.
Trong ảnh: Khách hàng đến mua sắm tại Trung tâm mua sắm AEON Bình Dương Canary do DN Nhật Bản đầu tư. Ảnh: XUÂN THI

Dẫn đầu dòng vốn FDI

Trong những năm gần đây, Bình Dương có sự chuẩn bị chu đáo về cơ chế chính sách lẫn hạ tầng khu công nghiệp để mời gọi DN nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng đến đầu tư. Sự nỗ lực này cộng với những lợi thế sẵn có của địa phương đã tạo nên sự hài lòng và an tâm để DN Nhật Bản tăng cường đầu tư tại đây.

Theo số liệu mới nhất của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương hiện đang là địa phương thu hút vốn Nhật Bản đứng thứ hai cả nước, sau Thanh Hóa. Đây là một con số ít nhiều gây bất ngờ nhưng lại phản ánh được khả năng thu hút đầu tư của Bình Dương trong những năm gần đây. Ông Yamamoto Kazuhito, Trưởng khối công nghiệp 3 của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết trong những năm qua, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Bình Dương liên tục tăng. Nếu như trước đây DN Nhật Bản khi đến Việt Nam làm ăn thường chỉ quan tâm đến các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, thì nay nhà đầu tư Nhật Bản đang ngày càng muốn làm ăn ở Bình Dương. Đến nay, theo thống kê của khối, đã có 114 DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương, đưa tỉnh này vươn lên dẫn đầu cả nước về số lượng nhà đầu tư Nhật Bản.

Cũng theo ông Yamamoto Kazuhito, DN Nhật đến Bình Dương không chỉ gia tăng về số lượng mà còn nâng cao về quy mô đầu tư. Trong tổng số 2.567 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22 tỷ USD tại Bình Dương hiện nay, Nhật Bản có 236 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 9,2% về số lượng dự án và gần 23% về vốn FDI tại Bình Dương. Nhìn chung, các dự án đầu tư của Nhật Bản đều áp dụng công nghệ hiện đại, sản xuất ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Qua những phân tích mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bình quân mỗi dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương có vốn hơn 21 triệu USD. Đây là con số bình quân cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào tỉnh hiện nay. Như vậy, nếu xét về tổng vốn đầu tư lẫn vốn bình quân dự án, DN Nhật Bản đều dẫn đầu trong các quốc gia đầu tư vào tỉnh. Điều này cho thấy những nỗ lực thu hút đầu tư, chuẩn bị hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, chuẩn bị quỹ đất sạch… của tỉnh Bình Dương đã mang lại hiệu quả tích cực.

Điều đáng ghi nhận là DN Nhật Bản đầu tư rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực như linh kiện điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất sắt thép, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ…; trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn. Điển hình như Công ty TNHH Maruchi Sun Steel đầu tư 420 triệu USD để sản xuất sắt thép; Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đầu tư 240 triệu USD để sản xuất điện tử; Công ty TNHH Maruzen Foods Việt Nam đầu tư hơn 100 triệu USD để sản xuất thực phẩm…

Thắt chặt thâm giao, nâng cao uy tín

Nhớ lại mối lương duyên đến với Bình Dương đầu tư dự án, ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Tập đoàn Tokyu, cho biết tháng 6-2011, ông đã đến thăm Bình Dương. Trước môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh cũng như tiềm năng của Thành phố mới Bình Dương, Tập đoàn Tokyu đã quyết định đầu tư vào đây. Đầu tháng 3-2012, dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) chính thức được khởi công xây dựng tại Thành phố mới Bình Dương. Khu đô thị Tokyu Bình Dương được xây dựng trên diện tích gần 71,5 ha, gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng; tổng vốn đầu tư của dự án là 1,2 tỷ USD. Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại Bình Dương và là dự án có vốn FDI lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này.

Trong số các dự án của Nhật Bản, Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary (TX.Thuận An) với vốn đầu tư 95 triệu USD của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), đã khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2014, cũng gây ấn tượng mạnh. Aeon trở thành địa điểm lý tưởng về mua sắm, vui chơi giải trí được nhiều người dân Bình Dương và các vùng lân cận tìm đến. Lãnh đạo Tập đoàn Aeon cho biết họ thật sự bất ngờ trước việc trung tâm thu hút rất đông lượng khách đến mua sắm, giải trí, ăn uống. Nhờ đó mà dự án này đã đạt doanh thu vượt xa dự kiến ban đầu.

Môi trường đầu tư hấp dẫn của Bình Dương không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mới, mà các DN Nhật Bản đã đầu tư trước đó cũng muốn gắn bó lâu dài tại đây. Trên thực tế, nhiều DN Nhật Bản hoạt động ổn định trên địa bàn cũng đã đăng ký tăng vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như Công ty Cổ phần Sun Steel, chuyên sản xuất các sản phẩm thép và inox có công suất 2,25 triệu tấn/năm, tại phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, công ty đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 420 triệu USD để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mới đây, Công ty Ắc quy GS cũng tăng vốn thêm 9 triệu USD để đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất…

Rõ ràng, với nhiều điều kiện thuận lợi, Bình Dương đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản. Sự chọn lựa đầu tư vào tỉnh Bình Dương của các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ thể hiện mối quan hệ thâm giao, bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Bình Dương với DN Nhật Bản nói riêng, mà còn nói lên uy tín, thương hiệu của tỉnh Bình Dương trong cộng đồng DN Nhật Bản. Chính vì thế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thu hút đầu tư đánh giá, trong thời gian tới dòng chảy vốn FDI Nhật Bản sẽ còn tiếp tục tăng tốc vào Bình Dương. Đây là nguồn lực trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.

Đến nay các DN Nhật Bản đã đầu tư vào 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thanh Hóa là tỉnh thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD; riêng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD. Bình Dương đứng thứ 2 với 236 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD.

DN Nhật Bản được đánh giá là đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Điều thuận lợi là tháng 7-2013, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Trong khi đó năm 2015, Nhật Bản cam kết tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược này, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam; khuyến khích DN Nhật Bản tham gia dự án Đại học Việt - Nhật...

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1764
Quay lên trên