Bình Dương khai thác lợi thế từ các nền kinh tế APEC- Bài 5:

Cập nhật: 04-11-2017 | 05:53:14

Bài 5: Điểm tựa vươn xa

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã tận dụng tối đa các nguồn lực từ APEC để đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh sang các nền kinh tế thành viên và đã thành công lớn.

Tận dụng tốt cơ hội

Bà Trần Thị Mỹ Vân, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (TX.Thuận An) cho biết, song song với việc phục vụ thị trường nội địa, hiện sản phẩm của Acecook đang xuất khẩu đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tận dụng những lợi thế từ APEC, Acecook Việt Nam đã có định hướng chuyển xuất khẩu sang các thị trường nội khối trong tương lai gần. Dẫu biết sẽ rất khó khăn trên thị trường này, nhưng Acecook vẫn đặt mục tiêu có mặt tại thị trường các thành viên APEC.

Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai là một trong những công ty tại Bình Dương đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các thành viên APEC. Ảnh: XUÂN THI

5 năm trước, Công ty Xuất nhập khẩu UniExport (huyện Bắc Tân Uyên), chuyên về sản phẩm gỗ ép, đá năng lượng sạch giảm phát thải ra môi trường đã quyết định mở rộng chinh phục thị trường APEC. Đến nay, ngoài thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, công ty đã xuất khẩu sản phẩm đi hầu hết các thành viên trong khối. Năm 2016, tổng doanh số của công ty đạt 60 triệu USD, trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 90%, còn lại là thị trường Mỹ, Malaysia... Mục tiêu của UniExport trong vòng 2 năm tới là đạt doanh số trên 100 triệu USD. Để làm được điều đó, công ty sẽ gia tăng sự hiện diện ở thị trường APEC. “Ngoài việc các sản phẩm xuất sang đây được ưu đãi thuế, công ty còn muốn tận dụng lợi thế về chi phí logistics và tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các quốc gia thành viên, tiến tới thành lập các công ty chi nhánh trong khối APEC”, ông Nguyễn Đức Hậu, Giám đốc điều hành UniExport nói.

Từ những năm trước, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đã chủ động tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại tại một số thành viên APEC để tìm cách chiếm lĩnh thị trường này, trong đó có Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát) và Công ty Cổ phần Nghệ Năng (TX. Thuận An). Với công nghệ hiện đại, hàng hóa có sức cạnh tranh không thua kém các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản mà giá cả lại cạnh tranh, Sáng Ban Mai lẫn Nghệ Năng đều giành được những hợp đồng lớn và nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng tại thị trường này. Sáng Ban Mai là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công máy phát điện công suất 2.500 KVA theo tiêu chuẩn châu Âu, có giá rẻ hơn 30% so với hàng ngoại nhập. Sau khi lắp đặt, vận hành thành công máy phát điện 2.500 KVA tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, công ty tiếp tục thắng thầu lắp đặt máy phát điện công suất lớn cho nhiều doanh nghiệp, trung tâm hành chính lớn trong cả nước. Ngoài ra, công ty cũng liên tục tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài, quyết tâm thực hiện tham vọng xuất khẩu máy phát điện ra các thành viên APEC.

Không ít thử thách

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế là xu hướng phát triển tất yếu và ngày càng được mở rộng với các cơ chế đa phương và khu vực. Trải qua quá trình 25 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Sau gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác của diễn đàn này. APEC đã và đang mang lại cho các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

APEC không chỉ là thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước, mà các thành viên trong khối còn là những đối tác quan trọng của các doanh nghiệp nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và đặc biệt là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phụ tùng nhằm phục vụ tích cực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng trong nước. Các cam kết quan trọng về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ APEC có tác động tích cực và trực tiếp lên các hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp với các đối tác là thành viên APEC. Đặc biệt, APEC còn tập trung hợp tác xây dựng năng lực thông qua các dự án trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật (Ecotech), tạo thuận lợi cho đi lại của doanh nhân (thẻ ABTC), hợp tác về y tế, giáo dục, thành lập Quỹ học bổng APEC. Đây là điều kiện tuyệt vời để các doanh nghiệp Bình Dương nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội đầu tư sang các quốc gia nội khối.

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội mà tiến trình hợp tác APEC mang lại, về quan hệ song phương, các doanh nghiệp Bình Dương cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Các thành viên trong APEC, ngoài việc hợp tác tích cực còn có sự cạnh tranh khá gay gắt trong quan hệ thương mại và đầu tư. Việt Nam có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển so với nhiều thành viên trong khối nên không thể tránh khỏi những gian nan thử thách khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước. Thực tế cho thấy, đa số các doanh nghiệp tại Bình Dương hiện nay quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn hạn chế, phương thức quản lý còn nhiều thiếu sót, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động...

Có thể nói, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, việc hàng hóa trong nước lan tỏa ra các vùng miền, quốc gia trong APEC không phải là chuyện xa vời, mà giờ đây cái chính là doanh nghiệp trong nước có cơ hội thể hiện bản lĩnh của mình trên thương trường APEC. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia hợp tác APEC nói riêng, đặc biệt là năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC thì ngoài những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành, định hướng những sáng kiến phát triển trong khuôn khổ các hội nghị APEC, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi ích và tăng cường kết nối với các đối tác APEC. Chỉ có như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng mở rộng đầu tư sang các quốc gia thành viên. (còn tiếp)

Chủ đề quốc gia Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Qua đó, APEC sẽ thúc đẩy khởi nghiệp và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. APEC 2017 sẽ thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số, cụ thể là thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ tiếp cận và tham gia mạnh mẽ, toàn diện hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc tăng cường kết nối các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh như hậu cần, vận chuyển, tài chính, thương mại điện tử… Môi trường kinh doanh trong APEC và những chính sách hỗ trợ phát triển sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ngoài ra, các DNNVV được khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để đáp ứng theo những yêu cầu mới trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa. Qua đó, hệ sinh thái bền vững và thân thiện cho khởi sự và DNNVV đổi mới sáng tạo sẽ được hình thành và phát triển.

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết
Tags
APEC

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1172
Quay lên trên