Bình Dương: Phát huy tốt các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng

Cập nhật: 05-09-2019 | 08:09:14

 Những năm qua, triển khai thực hiện chương trình đột phá của Tỉnh ủy, Bình Dương đã huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Kết quả cho thấy, tỉnh đã thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

 Những năm qua, Bình Dương đã huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Những năm qua, tỉnh đã tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách Nhà nước, các khoản tiết kiệm, các nguồn huy động hợp pháp khác... bổ sung cân đối để tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Hàng năm, tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, xây dựng nguồn vốn đầu tư công tăng cao hơn so với vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Trung ương quyết định.

Kết quả cho thấy, trong 4 năm (2016-2019), ngân sách địa phương đã cân đối và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công là 25.500 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được duyệt. Riêng năm 2019, qua rà soát, tỉnh đã tiếp tục điều chỉnh nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 tăng thêm 12.269 tỷ đồng so với kế hoạch được duyệt. Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 289 công trình đầu tư từ vốn ngân sách hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 245.311 tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm, trong đó vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là 122.022 tỷ đồng.

Nhằm bảo đảm nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh, tỉnh đã ưu tiên cho các công trình trọng điểm quan trọng theo Chương trình 23-CTr/TU của Tỉnh ủy, với tổng vốn bố trí là 15.822 tỷ 672 triệu đồng. Tỉnh đã giải ngân được 10.361 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch bố trí vốn. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng là 1.570 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2020 tỉnh tiếp tục cấp vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thêm khoảng 1.900 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã bố trí và cấp bổ sung vốn điều lệ cho các quỹ liên quan là 600 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết triển khai thực hiện chương trình đột phá của Tỉnh ủy, Bình Dương đã đạt được những kết quả rõ nét. Nổi bật, việc huy động, bố trí và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách được tỉnh thực hiện bảo đảm tập trung, hiệu quả. Tuy chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội nhưng nguồn lực từ ngân sách được tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo lực, góp phần thúc đẩy, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của tỉnh.

Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thời gian qua tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện, xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực hạ tầng y tế, giáo dục và môi trường. Kết quả, tỉnh đã huy động được 5 đề án liên kết thuộc lĩnh vực y tế và 44 cơ sở y tế tư nhân, 12 công trình trường học ngoài công lập. Trong lĩnh vực phát triển nhà ở, hiện nay tỉnh có 381 dự án nhà ở với tổng diện tích đất 5.933 ha, đạt 67,3% kế hoạch chương trình phát triển nhà ở của tỉnh.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), từ năm 2016 đến nay tỉnh đã thu hút hơn 8 tỷ USD, vượt 22,6% so với kế hoạch (7 tỷ USD) đề ra trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung đến nay, tỉnh đã thu hút trên trên 34,250 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ghi nhận cho thấy, thực hiện chương trình đột phá của Tỉnh ủy, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tỉnh luôn là địa phương có năng lực cạnh tranh đứng đầu cả nước về cơ sở hạ tầng. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư có chọn lọc, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh nhà...

Ông Trúc cho biết thêm, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi cho các nguồn lực khác cùng với ngân sách tỉnh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhanh các dự án giao thông. Trước hết là các dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa và khai thông các điểm nghẽn về giao thông kết nối vùng và quốc gia như dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, hoàn thành thông suốt đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các đường ĐT746, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

 Về phát triển đô thị, ngay từ khi Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc nâng loại đối với 5 đô thị thuộc tỉnh, 2 đô thị thuộc cấp huyện, gồm đô thị Thủ Dầu Một đạt loại I (năm 2017), TX.Thuận An và TX.Dĩ An đạt loại III (năm 2017), TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên đạt loại III (năm 2018); 2 đô thị được công nhận đạt loại V (năm 2017) gồm Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) và đã được công nhận thị trấn. Đặc biệt, Đề án Thành phố thông minh được đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư phát triển sát với xu thế hiện nay của thế giới; tạo sự liên kết, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế sâu rộng hơn, tạo tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chất lượng lao động, môi trường làm việc nhằm đáp ứng cho yêu cầu mới của tỉnh.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1771
Quay lên trên