Trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020:

Bình Dương sẽ phát triển toàn diện và bền vững

Cập nhật: 17-09-2014 | 08:03:19

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, Bình Dương sẽ trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Trở thành trung tâm công nghiệp lớn

Theo đó, thành phố Bình Dương là đô thị văn minh, hiện đại, một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Đây cũng là đô thị có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh. Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020 dân số của Bình Dương là 2,5 triệu người, đến năm 2025 là 3 triệu người; trong đó đó tỷ lệ dân số đô thị chiếm từ 80 - 83,3%.

Về kinh tế, năm 2020 cơ cấu kinh tế của thành phố Bình Dương tiếp tục là công nghiệp-dịch vụ - nông nghiệp. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 134 triệu đồng (tương đương 6.170 USD/ người), đến năm 2025 đạt 264 triệu đồng/người (tương đương 12.000 USD/người). Đối với hạ tầng công nghiệp, đến năm 2020 dự kiến Bình Dương có 35 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 13.764,8 ha; thu hút và lấp đầy 16 KCN ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một; đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh sơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN ở phía bắc…

Đô thị Bình Dương sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Trong ảnh: Một góc TP.Thủ Dầu Một hiện hữu.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020 Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là nơi chú trọng phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu… Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị; phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hiệu quả; hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ, khuyến khích hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thành phố Bình Dương phát triển công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực công nghiệp; thu hút lao động có chất lượng cao; hạn chế tối đa ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông…

Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ

Theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư để đưa Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020 thì hạ tầng giao thông có 12 dự án, hạ tầng công nghiệp có 2 dự án, hạ tầng dịch vụ thương mại có 1 dự án, nông nghiệp có 4 dự án, nhà ở xã hội có 3 dự án, giáo dục có 2 dự án, y tế có 2 dự án… Một số dự án lớn như: Đường cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các tuyến giao thông Vành đai III, Vành đai IV qua địa bàn tỉnh, tuyến Metro từ Thành phố mới Bình Dương đi Suối Tiên đấu nối với tuyến Metro Suối Tiên - TP.HCM, các công trình dịch vụ tài chính thương mại thuộc khu đô thị mới Bình Dương, các khu nông nghiệp công nghệ cao…

 

Theo UBND tỉnh, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương sẽ tập trung xây dựng đô thị thật sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, sẽ tăng cường phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, kết hợp giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn, trung tâm xã, phường; phát triển khu vực ngoại vi mới, các khu dân cư đô thị; đồng thời phát triển các đô thị gắn chặt với phát triển kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường sắt, bưu chính viễn thông, năng lượng mới và kết cấu hạ tầng ở mức độ hiện đại. Cùng với đó, từng bước phấn đấu trở thành các đô thị xanh, hiện đại, văn minh, kiểu mẫu mang sắc thái Bình Dương. Làm được điều này, từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, công nghiệp, dịch vụ thương mại, các dự án nhà ở xã hội, giáo dục, y tế… theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư mà Thủ tướng đã phê duyệt.

UBND tỉnh cho biết, quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh, để Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, giao thông phải đi trước một bước, tạo đà thúc đẩy sự phát triển. Phát triển hệ thống giao thông là mũi đột phá quan trọng nhất của Bình Dương từ nay đến năm 2020. Theo đó, phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng Đông Nam bộ sẽ được tỉnh ưu tiên hàng đầu từ nay đến năm 2020 và năm 2025. Bình Dương cũng bảo đảm phát triển mạng lưới giao thông liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Xoài, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho… với các trung tâm đô thị Bình Dương là Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo các trục hướng tâm và xuyên tâm…

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh sẽ chiếm tỷ lệ chưa tới 10%, phần vốn còn lại là huy động đầu tư từ xã hội. Giải pháp của tỉnh là sẽ huy động mọi nguồn lực trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Phương án này rất khả thi, bởi trong thời gian qua phương án đã phát huy hiệu quả, đưa Bình Dương phát triển và đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội rất quan trọng.

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên