Sau 19 năm tái lập tỉnh (1.1.1997 - 1.1.2016), sự phát triển của Bình Dương không chỉ là nhiềm tự hào của người dân địa phương mà còn là sự khâm phục của người dân trong cả nước. Để Bình Dương phát triển như hôm nay, các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực quyết tâm xây dựng Bình Dương trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Vận động và phát triển toàn diện
Vào những ngày đầu chia tách tỉnh, Bình Dương có nguồn lực kinh tế hạn chế và là tỉnh thuần nông. Sau 19 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, đến nay nhìn lại thành quả mà tỉnh nhà đạt được nhiều người đều hết sức ngỡ ngàng.
Đến nay, kinh tế - xã hội của Bình Dương khởi sắc và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Trên địa bàn tỉnh, nhà văn hóa - thể thao, rạp chiếu phim tư nhân cao cấp, dịch vụ y tế, khám chữa bệnh chất lượng cao như Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế đạt chuẩn Singapore, Bệnh viện Columbia Asia đạt chuẩn Đông Nam Á... phát triển đồng độ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực cấp thoát nước, giao thông - vận tải, cấp điện, nhà ở… cũng phát triển mạnh.
Sau 19 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương phát triển năng động bậc nhất của cả nước. Trong ảnh: Một góc đô thị Thủ Dầu Một hiện nay. Ảnh: XUÂN THI
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng phát triển mạnh theo hướng vừa nâng cao chất lượng, vừa mở rộng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn. Dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng phát triển vào chiều sâu. Công tác bảo vệ môi trường cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm sâu sát, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của tỉnh nhà…
Kinh tế đột phá
Nếu như năm 1997, Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50% - 26,8% - 22,8%. Tuy công nghiệp chiếm tỷ trọng 50% trong cơ cấu kinh tế nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng; trong khi đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu USD, thu ngân sách chỉ mới 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn… Nhưng đến nay, Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 217.211 tỷ đồng, tăng gần 68 lần so với năm 1997; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 125.747 tỷ đồng, tăng trên 41 lần; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,976 tỷ USD, tăng 57,7 lần; xuất nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng với thặng dư thương mại trên 3,7 tỷ USD; thu ngân sách ước thực hiện đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 44 lần. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60% - dịch vụ 37,3% - nông nghiệp 2,7%.
Trong những cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, sở ngành và địa phương bàn về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy từng chia sẻ, kế thừa những giá trị tốt đẹp của các nhà lãnh đạo đi trước, Đảng bộ tỉnh hôm nay đang nỗ lực đưa “con rồng Bình Dương” vươn vai lớn mạnh. Là người đi sau nhận trách nhiệm sẽ hết sức cố gắng và luôn cầu thị nhằm tạo ra những chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, hiệu quả trong hành động của từng cấp, từng ngành và của từng người dân; phấn đấu đạt được mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 có môi trường đô thị văn minh, thiên nhiên trong lành, đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức, một thành phố thân thiện, an lành và nghĩa tình. |
Bên cạnh đó, những vấn đề sống còn của Bình Dương như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư phát triển, nâng cao đời sống người dân… luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm sâu sát. Lãnh đạo tỉnh luôn dành thời gian để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, gặp gỡ những người nghèo, hỗ trợ khó khăn cho từng đối tượng chính sách vào những dịp lễ tết; đồng thời trực tiếp đến thăm, làm việc và đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiệp hội ngành hàng... Trên cơ sở đó, Bình Dương đã thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về hỗ trợ tiền thuê đất, miễn, giảm, giãn, gia hạn, hoàn thuế, hỗ trợ tiền lương... giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn tỉnh đi vào ổn định và phát triển.
Với tinh thần “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư - trải thảm đỏ chào đón nhân tài ” đã thể hiện sự nỗ lực mạnh mẽ và năng động, sáng tạo của Bình Dương trên lĩnh vực thu hút nhân tài, đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 9.500 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600 ha. Tính đến ngày 15-12- 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.573 dự án vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,3 tỷ USD. Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mốc 20 tỷ USD.
Hạ tầng phát triển đồng bộ
Gắn liền với phát triển công nghiệp, Bình Dương cũng đã đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo sự cân bằng trong phát triển bền vững của nền kinh tế tỉnh nhà. Đỉnh cao của tiến trình này là việc xây dựng Thành phố mới Bình Dương. Đến nay, nhịp sống của thành phố mới bắt đầu sôi động với các công trình quy mô, hiện đại như Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm hội nghị Lucky Square, khu công viên, khu phố thương mại... đã hình thành và đi vào hoạt động. Nơi đây được định hình là một trung tâm đô thị hiện đại, năng động, bền vững với đầy đủ loại hình dịch vụ có khả năng phục vụ cho khoảng trên 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp đô thị cũng được tỉnh Bình Dương thực hiện đúng lộ trình. Trong đó, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị luôn được tỉnh chú trọng, từ đó hình thành nhiều công trình kiến trúc đa dạng, góp phần tạo lập bản sắc, nâng cao kiến trúc, cảnh quan đô thị... nhằm đưa tỉnh nhà trở thành thành phố văn minh, hiện đại trong thời gian tới.
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương đạt 73,1 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 4 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Đến nay, Bình Dương có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 541 trường học; tỷ lệ trường công lập được lầu hóa đạt 63,26%; 13 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia là 55,9%. Địa phương có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế huyện, 17 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế và 2.087 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập...
TRÚC HUỲNH