Bình Dương: Tìm giải pháp ổn định giá thuê nhà trọ, điện, nước

Cập nhật: 16-11-2012 | 00:00:00

Vừa qua, Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức khảo sát tình hình nhà trọ công nhân ở 11 khu nhà trọ (KNT). Kết quả khảo sát cho thấy, giá nhà trọ, điện, nước liên tục tăng trong khi lương không tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động (CNLĐ).

  Đời sống của CNLĐ đang gặp khó khăn do giá nhà trọ, điện, nước tăng

 Giá nhà trọ lại tăng

Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với đại diện các LĐLĐ TX.Thuận An, Dĩ An, huyện Tân Uyên và Công đoàn các KCN Bến Cát đến khảo sát thực tế tại 11 KNT với 323 phòng. Kết quả thực tế cho thấy, về giá nhà trọ chỉ một hộ nhà trọ không tăng giá với mức thuê 400.000 đồng/tháng. Còn lại 10 KNT đã điều chỉnh tăng giá 2 lần tính từ tháng 10-2011 đến nay, với mức giá bình quân 600.000 đồng/tháng và cao nhất là 750.000 đồng/tháng đối với phòng 12 - 15m2. Lý do tăng giá được lý giải là do đa phần các chủ nhà trọ vay vốn ngân hàng để xây, sửa nhà trọ. Do đó, giá cho thuê phải tăng theo lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng cũng tăng cao và chủ nhà trọ phải làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước… Còn về việc tăng giá điện thì các chủ nhà trọ cho rằng: do điện năng hao hụt nhiều từ đồng hồ tổng đến phòng trọ nên chủ nhà trọ (CTN) phải tăng giá để bù đắp hao hụt.

Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, giữa năm 2011, Công đoàn các KCN tỉnh có cuộc khảo sát trong 500 CNLĐ ở các KCN về tình hình đời sống, thu nhập và mong muốn của họ. Qua kết quả khảo sát, có 67,3% CNLĐ cho rằng mức thu nhập hiện tại là quá thấp và thấp; 29,5% cho là mức trung bình; chỉ có 3,5% đánh giá là mức thu nhập đủ sống. Sau khi trừ các khoản chi phí như nhà trọ, nuôi con, ăn uống… 76,6% số CNLĐ không còn tiền để tiết kiệm, 11,9% còn lại dưới 500.000 đồng và chỉ có 0,2% là tích lũy trên 1 triệu đồng/tháng.

Lối ra…

Để quản lý giá nhà trọ không hề đơn giản bởi Nhà nước chưa có quy định khung giá trần cho thuê phòng trọ, vì vậy ngành chức năng không có căn cứ để xử phạt. Một trong những giải pháp được xem là hữu hiệu là vận động các CNT làm cam kết không tăng giá để chia sẻ khó khăn với CNLĐ. Còn giải pháp dài hạn là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của CNLĐ. Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: trong tổng số nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thì có trên 50% nhà phục vụ cho CNLĐ. Nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì trong thời gian tới giá nhà trọ sẽ giảm, không xảy ra tình trạng người ở trọ bị ép giá như hiện nay.

Còn về giá điện, nước thì bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, để quản lý giá nhà trọ, điện, nước, Phòng Kinh tế phối hợp các ngành chức năng có liên quan lập kế hoạch kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn. Đến nay đã kiểm tra 120 hộ; kết quả đã xử phạt 7 hộ vi phạm kinh doanh giá điện quá mức quy định, với tổng số tiền phạt là 21 triệu đồng.

Còn tại TX.Dĩ An, Đoàn liên ngành cũng đã tổ chức kiểm tra giá điện ở 30 hộ kinh doanh nhà trọ. Kết quả đã xử phạt 14 hộ vi phạm, do thu tiền điện cao hơn mức 2.500 đồng/Kwh.

Ông Nguyễn Tầm Dương cho biết thêm: Để giải quyết bài toán về giá, LĐLĐ tỉnh đề xuất 4 giải pháp, trước tiên là giá thuê phòng trọ và thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng nhà trọ cần được chính quyền địa phương kiểm tra, quản lý chặt chẽ và niêm yết công khai từ ấp, khu phố đến xã, phường, thị trấn; về phía ngân hàng có chính sách ưu đãi vốn vay cho các hộ kinh doanh nhà trọ; cơ quan thuế có chính sách miễn giảm thuế kinh doanh nhà trọ; để người ở trọ được hưởng đúng giá quy định thì đề nghị công ty điện lực gắn đồng hồ trực tiếp đến từng phòng trọ CNLĐ ở.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=251
Quay lên trên