Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: TTXVN)
Để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại phiên trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ngày 16/3.
Tập trung tạo vùng xanh an toàn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay nguyên nhân của việc ùn ứ hàng hóa trong thời gian qua là do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid.” Ngoài ra, quan trọng hơn, hàng hóa nông sản của Việt Nam bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, nhiều sản phẩm sản xuất không theo quy hoạch cũng như không đạt được tiêu chuẩn dẫn đến bị ùn tắc.
Vì vậy, về phía Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ có chỉ đạo thống nhất quan điểm trao đổi với Bộ đối tác Trung Quốc để xây dựng một quy trình thông quan.
Trước hết, thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hóa. Bên cạnh đó, thống nhất quy trình để giao nhận hàng hóa ở biên giới được thuận lợi. Đồng thời, làm việc với các tỉnh có cửa khẩu hỗ trợ đối với các chủ hàng, các phương tiện vận tải.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có thông tin thường xuyên đối với vùng trồng, vùng nuôi ở những địa phương có sản phẩm để có sự hợp tác tốt trong việc giảm sức ép trong vấn đề đưa hàng lên cửa khẩu khi ách tắc.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử, chỉ đạo các thương vụ ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước mở rộng các thị trường,” ông Diên cho hay.
Cho rằng chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, do vậy với chức năng nhiệm vụ được giao, theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng phương án quy hoạch lại vùng trồng vùng nuôi, cũng như sản xuất bám sát tín hiệu của thị trường.
Đặc biệt, ông Diên nhấn mạnh nội dung “người sản xuất ngay từ lúc bắt đầu sản xuất phải trả lời được ba câu hỏi: Sản xuất cái gì, để bán ở đâu và cho ai,” bởi vẫn cách làm cũ, tức là có gì làm đấy, có gì bán nấy sẽ dẫn tới bị động.
Từ phân tích đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu có những chỉ đạo để quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và phải bám sát nhu cầu của thị trường, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường.
Theo ông, gần đây Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm để chính các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (do Bộ Công Thương quản lý) hướng dẫn về cách làm, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương. Đây cũng là cách để chúng ta chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là câu chuyện dài hơi. Vì vậy, trước mắt là phải nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Sản xuất phải theo tín hiệu thị trường
Trước bài toán về xuất khẩu chính ngạch, giải quyết ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần dứt khoát trong việc tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và tín hiệu của thị trường.
Ông cũng thông tin thêm, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu đã được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ từ đầu tuần.
“Nếu như chiến lược này và Đề án xuất khẩu qua biên giới cũng được thông qua, việc tiếp theo là các bộ, ngành, địa phương phối hợp với nhau để khuyến cáo, giúp đỡ hỗ trợ về vùng trồng. Riêng đối với doanh nghiệp và người sản xuất phải thực hiên theo tín hiệu thị trường sẽ xuất hàng hóa sẽ không còn cảnh ùn ứ nữa,” Bộ trưởng kỳ vọng.
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, thị trường nội địa là rộng lớn, song thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ phải chinh phục. Trong khi đó, trước đây hoạt động thương mại xuất khẩu chính ngạch rất ít, nhưng tiểu ngạch lại nhiều. Hơn nữa, tiêu chuẩn hàng hóa và Trung Quốc cũng ngày càng khắt khe hơn, đạt tiêu chuẩn của khu vực, của khối của RCEP.
Chính vì vậy, ông Diên đề nghị hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này cũng phải thay đổi để thích ứng.
Liên quan đến câu chuyện “được mùa mất giá” của sản phẩm nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, một số sản phẩm làm chưa đạt chuẩn, không có hợp đồng thật sự.
Ông cho biết, Bộ Công Thương đã khuyến cáo về lâu dài và căn cơ, cần phải thay đổi cách sản xuất, quy hoạch vùng trồng, phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn cấp sản phẩm, giúp xuất khẩu được bền vững.../.
Theo TTXVN