Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học (TH). Ngoài chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ thị giám đốc các sở GD-ĐT tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh (HS) nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá HS TH để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới ở bậc học TH.
Học sinh trường Tiểu học Dĩ An trong giờ học Ảnh: N.THANH
Phụ huynh vui mừng
Bộ GD-ĐT cho rằng hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp TH vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với HS và cha mẹ HS, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành. Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS; khuyến khích tổ chức cho HS để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Khi biết được chỉ thị mới của Bộ GD-ĐT, nhiều phụ huynh ở Bình Dương đã tỏ ra vui mừng và hoàn toàn ủng hộ với quyết định của bộ. Chị Nguyễn Hải Anh, phụ huynh HS Trần Phương Linh, lớp 2 trường TH Lê Quý Đôn, TX.Dĩ An, cho biết khi xem chương trình thời sự, nghe được thông tin này, gia đình rất vui với chỉ thị mới của Bộ GD-ĐT.
Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết việc dạy thêm, học thêm tạo ra thu nhập cho nhà giáo, đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, cũng từ vấn đề này đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội nên Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị mới về dạy thêm, học thêm nhằm hạn chế những tiêu cực. Mong rằng, với chỉ thị mới của bộ, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện và tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội. |
Anh Huỳnh Bá Thịnh, phụ huynh cháu Huỳnh Bá Tân, HS lớp 3 trường TH Bình Hòa, TX.Thuận An, cũng vui mừng cho biết gia đình thương con vì cả ngày cháu học ở trường, tối về nhà lại làm bài tập cô giáo giao. Thực sự con học như vậy là quá nhiều so với độ tuổi của cháu. Tôi rất hoan nghênh chỉ thị của Bộ GD-ĐT và mong sẽ sớm đưa vào triển khai, thực hiện.
Giáo viên hưởng ứng
Chỉ thị của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: Không tổ chức thi HS giỏi đối với HS TH; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao HS từ lớp dưới lên lớp trên, từ TH lên THCS. Không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6.
Trước chỉ thị mới của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên tỏ ra đồng tình và hưởng ứng. Cô Võ Thị Thanh Trúc, giáo viên lớp 2, trường TH Đông Hòa, TX.Dĩ An, cho rằng bản thân là giáo viên dạy TH, cô hoàn toàn ủng hộ chủ trương của bộ, nhất là việc không tổ chức những kỳ thi HS giỏi. Vì những kỳ thi này đã tạo áp lực cho cả giáo viên và HS, giáo viên phải dành nhiều thời gian bồi dưỡng các đội tuyển nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đại trà, HS phải luyện thi nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của các cháu.
Cô Đặng Thị Chung, giáo viên lớp 2 trường TH Bình Hòa cũng có ý kiến: HS lớp 1, 2, 3 không cần giao bài tập và cũng không cần thi HS giỏi. Nhưng sang lớp 4, 5 mà không có bài tập thì sợ các em HS lơ là trong việc học tập vì kiến thức các khối lớp này rất nặng. Giờ vừa không chấm điểm, vừa không giao bài tập, vừa không thi HS giỏi thì giáo viên cũng sẽ nhàn hơn nhưng tôi e ngại sẽ nảy sinh tình trạng cào bằng, không có tính phấn đấu và tận tâm, tận lực trong đội ngũ giáo viên, thiệt thòi cho những giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề”.
Theo Bộ GD-ĐT, trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT và UBND các địa phương đã ban hành nhiều quy định và triển khai những giải pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp TH vẫn tồn tại đã gây áp lực với HS và cha mẹ HS, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành.
NGỌC THANH