Thuốc lá đối với người lớn đã vô cùng độc hại và nguy hiểm, thế nên hình ảnh cậu nhóc người Indonesia, Ardi Rizal, 2 tuổi, miệng liên tục “nghi ngút” ngồi trên chiếc xe đồ chơi sẽ khiến không ít người phải "choáng".
Sức khỏe bị phá hủy
Vừa ngồi chơi trên chiếc xe đạp nhựa vừa rít một hơi thuốc thật sâu, rồi từ từ nhả khói ra với vẻ mặt bình thản đến... phớt đời, cậu nhóc 2 tuổi có khuôn mặt béo phị và làn da đen đúa trông chẳng khác nào bác tài xế xe tải trong giờ phút nghỉ ngơi vậy! Ardi Rizal nổi bật hẳn so với đám trẻ con đang chơi cùng mình, sự nổi bật khiến người lớn phải giật mình.
Rizal với thói quen rất tệ hại.
Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh kia là một sự thực còn phức tạp hơn nhiều. Mới 2 tuổi thôi, nhưng sức khỏe của cậu bé tội nghiệp này đang dần dần bị phá hủy bởi thói quen hút trung bình 40 điếu thuốc lá một ngày. Và hiển nhiên, đứa trẻ đi còn chưa vững này khó mà được người lớn cho phép chơi cùng đám trẻ con khác. Họ coi tình trạng của Rizal là một tấm gương xấu sẽ phản chiếu rất nhanh đến lũ trẻ.
Chính quyền sở tại đã nhiều lần ra mức thưởng là một chiếc xe hơi cho gia đình Rizal nếu cậu bé bỏ được thuốc, thế nhưng bố mẹ Rizal đành bất lực vì mỗi lần bị “cấm thuốc” là cậu bé lại nổi cáu như điên như dại.
Diana, 26 tuổi – mẹ của cậu bé này cho biết: “Nó hoàn toàn bị nghiện mất rồi. Nếu không có thuốc, nó trở nên cáu giận và luôn miệng la hét, đập đầu liên hồi vào tường. Nó bảo tôi rằng nó cảm thấy chóng mặt, buồn nôn”.
Bố mẹ cậu bé đặc biệt này mỗi ngày tốn hơn 5 USD để mua loại thuốc duy nhất mà Rizal yêu thích, được bán tại Musi Banyuasin, phía nam tỉnh Sumatra, Indonesia. Dù vậy, bố của cậu bé – anh Mohammed, 30 tuổi lại không tỏ ra lo lắng nhiều trước cậu quý tử.
Vấn đề không của riêng Rizal
“Thói nghiện ngập” của cậu nhóc 2 tuổi này có lẽ được xem là “điển hình tiêu biểu” nhất trong một xu hướng đáng lo ngại tại Indonesia. Số liệu từ Cơ quan thống kê Trung ương chỉ ra rằng, 25% trẻ em nước này (từ 3 đến 15 tuổi) đã từng hút thuốc (bị động hoặc chủ động). Trong số này, 3,2% chủ động hút như bé Rizal. Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 9 tuổi hút thuốc tăng từ 0,4% năm 2001 đến 2,8% năm 2004.
Hồi tháng 3, đoạn video một cậu bé 4 tuổi người Indonesia hút thuốc và nhả khói “nghệ thuật” xuất hiện trên YouTube đang gây xôn xao dư luận trước khi bị buộc phải gỡ xuống.
Các nhà hoạt động bảo vệ trẻ em đã lên tiếng về sự tàn phá sức khỏe của trẻ thông qua việc hút thuốc lá bị động, về áp lực ngày càng tăng cho họ ở một đất nước mà một phần ba dân số hút thuốc và thuốc lá có thể mua lẻ chỉ với vài xu. Seto Mulyadi - Chủ tịch ủy ban bảo vệ trẻ em đổ lỗi cho quảng cáo, cho các bậc phụ huynh nghiện thuốc. Ông này đề nghị một đạo luật bảo vệ trẻ em và người hút thuốc bị động, cần được ra đời ngay lập tức. Luật sức khỏe thông qua năm 2009 đã chính thức coi hút thuốc là một dạng nghiện.
Một liên minh chống thuốc lá đang được xúc tiến để hạn chế chặt chẽ hơn việc hút thuốc lá nơi công cộng, quảng cáo, cũng như cảnh báo sức khỏe trên mỗi bao thuốc. Và dĩ nhiên, các công ty sản xuất thuốc lá cũng không thể ngồi một chỗ mà đợi người ta làm khó mình. Vì thế, luật và quy định về vấn đề này mới chỉ dừng lại ở mức độ...tranh luận!
Benny Wahyudi - một quan chức của Bộ Công nghiệp tiết lộ, chính phủ đã khởi động kế hoạch hạn chế số lượng người hút thuốc, bao gồm việc giảm sản lượng thuốc lá xuống 240 tỷ bao trong năm nay so với con số 245 tỷ bao năm 2009.
Trở lại câu chuyện của bé Rizal, người ta đổ lỗi cho bố mẹ cậu trước tiên. Một đứa trẻ mới bắt đầu tự bước đi trên đôi chân mình, bắt đầu học nhận thức thì không thể chủ động tìm đến thuốc lá hay bất kỳ chất kích thích nào khác, mà do chúng đã bị người lớn đầu độc từng ngày từng giờ, có khi ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Dần dần, thuốc lá trở thành món ăn trong thực đơn của chúng lúc nào không hay. Như Rizal, hiếm khi người ta thấy trên môi cậu bé thiếu một điếu thuốc.
Theo PNM