Được tổ chức khá bài bản, quần áo thi đấu cho đến di chuyển không khác gì các đội bóng hiện đang thi đấu tại các giải vô địch quốc gia; bóng đá phong trào ở Bình Dương đang phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, tính chuyên nghiệp đang được các đội bóng phủi trên địa bàn tỉnh ngày một để ý đến nhiều hơn.
Một trận đấu bóng đá phủi thường gặp vào dịp cuối tuần ở Bình Dương. Ảnh: THANH VIỆT
Trước kia, các đội bóng đá phủi ở Bình Dương đa số hoạt động tự phát, người chơi thường tự gom nhau lại thành một đội, hoặc chia hai ra thi đấu sau khi gặp và quen biết trên những sân như Phú Thuận, Phú Mỹ hay Bình Hòa. Lúc này, khái niệm đó đã không còn trong suy nghĩ của những dân chơi phủi hàng đầu của Bình Dương. Thay vào đó, mỗi đội bóng đều có một ông bầu nhất định, đứng ra tài trợ lo cho đội từ quần áo thi đấu, đồng phục di chuyển. Thậm chí những đội bóng có tiềm lực tài chính tốt, những cầu thủtham dự đội còn được các ông bầu của mình trả tiền sau những trận bóng đá phủi. Những gương mặt chất lượng, có thương hiệu cũng kiếm sống được khá ổn định từchính đam mê và năng khiếu của mình. Dù rằng đây cũng chỉ là những trận đấu phủi, nó khác hoàn toàn những đội bóng chuyên nghiệp khác khi cầu thủcó lương thưởng cố định.
Có thể kể ra những cái tên quen thuộc nổi tiếng của giới phủi Bình Dương như Hoàng Gia, Bida 268, QQ Đông Nhì hay Cựu cầu thủ Bình Dương & những người bạn… Ở các đội bóng này, đều có một ông bầu khá chịu chơi và chịu chi về tài chính cũng như mức độ đầu tư cho đội bóng của mình. Những ông bầu như bầu Quỳnh của QQ Đông Nhì, Cường rác của Bida 268… đều khá nổi tiếng. Theo đó, những thành viên của các đội này sau mỗi trận đấu tùy theo tính chất và giải đấu tham dự, đều được nhận tiền bồi dưỡng từ 200 đến 500.000 đồng. Nếu là ngôi sao, có thương hiệu, mỗi tháng một cầu thủphủi hoàn toàn có khả năng nhận được nguồn thu nhập từ8 đến 10 triệu đồng. Việc các cựu ngôi sao V-League hay hạng nhất sau khi giải nghệ xuất hiện ở các đội bóng này là chuyện hết sức bình thường. Những cái tên từng một thời chinh chiến ở sân chơi chuyên nghiệp như Trí Trọng, Trương Văn Hải, Nguyễn Tuấn… sau khi giả từ sân cỏ, hiện đang đầu quân cho các đội bóng phủi nổi tiếng ở Bình Dương.
Không chỉ đơn giản là nơi giúp cho người chơi thỏa mãn đam mê, những đội bóng phủi còn là gia đình thứ2 của các thành viên tham dự. Bởi ngoài việc được ra sân thi đấu, những đội bóng còn giúp đỡ nhau khá nhiều trong cuộc sống. Khi một thành viên trong đội bị chấn thương nặng, hay gia đình của cầu thủ gặp điều gì không may. Những người còn lại của ít lòng nhiều sẽ đóng góp để giúp cho đồng đội chia sẻ bớt một phần gánh nặng. Hay như trong tháng nếu trong đội có thành viên nào có ngày sinh nhật, đồng đội sẽ lại tổ chức cho thành viên đó có cả gia đình tham dự.
Không chỉ đơn giản là bóng đá, bóng đá phủi Bình Dương đang làm được khá nhiều việc, kết nối những người có đam mê thành một khối và hoạt động có quy mô, bài bản và khá chuyên nghiệp. Một ngày không xa, chính từ những sân chơi như thế này, biết đâu sẽ phát hiện ra một vài tài năng cho đội 1 Bình Dương như cách mà tiền vệ Tô Văn Vũ đã nỗ lực, phấn đấu đi lên từ các trận bóng đá phủi.
HẢI NGUYỄN