“Bùng nổ” cơ hội phát triển thương mại điện tử

Cập nhật: 17-12-2022 | 10:23:27

Hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Doanh nghiệp (DN) đã chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động… đã và đang là những cơ hội để TMĐT “bùng nổ”.


Các sở, ngành, DN thảo luận phương thức đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tại Hội nghị kết nối cung cầu EXPO 2022

Liên tục bứt phá

Theo đánh giá của ông Phạm Thanh Dũng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) TMĐT hiện đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của mỗi DN. Các DN ý thức cao trong việc tiếp cận, triển khai các xu hướng của TMĐT cũng như lợi ích mang lại cho DN. Hơn ai hết các DN đã ý thức được TMĐT là xu hướng và giải pháp cho các DN hiện nay để tồn tại và phát triển. Đây không còn là mục tiêu dài hạn, mà đã là vấn đề cấp bách cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Bà Bùi Thị Đoan Phượng, chủ cơ sở lạp xưởng Cô giáo Phượng (huyện Bàu Bàng), cho biết: “Chúng tôi nỗ lực bán hàng đa kênh để sản phẩm được bày bán trên nhiều nền tảng khác nhau, cả offline lẫn online. Điều này sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, từ đó bán được hàng nhiều hơn. Hơn thế, những đánh giá, phản hồi của khách hàng cũng có thể tiếp cận được nhiều hơn, điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của cơ sở chúng tôi, nhất là đối với cơ sở sản xuất thực phẩm. Hiện lạp xưởng Cô giáo Phượng được quảng bá trên các kênh Facebook, Zalo, Tiktok… để tăng cường tương tác với khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada…”.

Với phương châm “Khách hàng là thượng đế”, DN thích ứng nhanh với bán hàng đa kênh bởi họ ý thức đây là việc cần thiết đối với DN khi mà người tiêu dùng đã có sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng. Họ thích mua sắm trên các kênh TMĐT hơn vì sự tiện lợi mà nó mang lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh, cho biết có thể thấy, người tiêu dùng rất có tiếng nói trong nền kinh tế số hiện nay. Nhất là khi thị trường Việt Nam có nhiều sự cạnh tranh lẫn nhau, DN nào cũng muốn mang đến dịch vụ tốt nhất, làm hài lòng khách hàng. TMĐT không còn là mục tiêu dài hạn nữa, mà đã trở thành vấn đề cấp bách các DN cần hướng đến. Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự cạnh tranh giữa các DN càng tăng cao, các DN khi tham gia vào thị trường TMĐT sẽ có được nhiều lợi ích. “Thời gian vừa qua, chúng tôi tăng cường chạy quảng cáo trên các trang mạng, thiết kế website bài bản để quảng bá nhãn hiệu giày Prowin của chúng tôi đến với người tiêu dùng. Đến nay, chúng tôi đã đầu tư thêm các công cụ để quay trực tiếp quy trình sản xuất tại nhà máy của một đôi giày, góp phần phản ánh thực, sâu hơn giá trị, chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn quét mã code để ra những thông số cụ thể của giày Prowin, tránh việc làm giả mạo, hàng gian, hàng giả mang thương hiệu của chúng tôi”, ông Vũ khẳng định những bước tiến mới với thị trường TMĐT.

Đối với các ông lớn trong ngành bán lẻ, “chiến dịch” TMĐT đang được chuẩn bị bài bản và có kế hoạch lớn để bùng nổ. Trao đổi với chúng tôi, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam, cho biết: “Những thay đổi của người tiêu dùng buộc ngành bán lẻ phải thay đổi để đáp ứng và phát triển, đó mới là vấn đề quan trọng. AEON Việt Nam sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và đa dạng phương thức bán hàng để chuẩn bị cho bước phát triển trong tương lai. AEON Việt Nam cũng tập trung phát triển các sản phẩm nhãn hàng riêng, mang đặc trưng của AEON, kênh TMĐT cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2023”. Theo ông Furusawa, ở thời điểm hiện tại tỷ trọng doanh thu từ các kênh bán hàng trực tuyến của AEON Việt Nam có thể chưa cao nhưng đây sẽ là sự chuẩn bị cho bước tăng trưởng dài hạn của DN này. Việc chuẩn bị kỹ càng bởi kinh doanh TMĐT không đơn giản chỉ là tạo ra gian hàng, đưa sản phẩm lên thì tự khắc có người mua. Chúng ta phải ứng dụng công nghệ cùng với những chiến lược bài bản về quảng bá, bố trí hàng hóa, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm chất lượng…

Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cùng với xây dựng, quy hoạch, phát triển hạ tầng viễn thông và internet tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển TMĐT, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch TMĐT. Cùng với đó, sở cũng chỉ đạo các DN viễn thông triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; phát triển các dịch vụ trong hoạt động TMĐT, như: Thanh toán điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... nhằm xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh.

Ông Phạm Thanh Dũng cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn sâu về TMĐT, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao hoạt động về TMĐT tại các cơ quan, đơn vị; hỗ trợ xây dựng giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các DN, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng TMĐT, tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên internet. Công tác tuyên truyền, vận động DN sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa được chú trọng. Qua đó, giúp các đơn vị bảo vệvànâng cao uy tín của sản phẩm, khẳng định vị thế và giá tri ̣thương hiệu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

TIỂU MY - VĂN PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=169
Quay lên trên