Bước tiến mới từ quá trình sản xuất sạch hơn tại Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng

Cập nhật: 22-12-2021 | 10:58:35

Sau quy trình của nhóm đánh giá sản xuất sạch hơn (SXSH), tương ứng với các điểm chưa phù hợp, Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng (TP.Dĩ An), triển khai các giải pháp khắc phục tương ứng để hỗ trợ cho quá trình sản xuất được thuận tiện và khắc phục các điểm chưa phù hợp hạn chế của công ty.


Sản xuất tại Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng (TP.Dĩ An)

Bước tiến mới

Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng là tiền thân của Công ty Cổ phần Giày Duy Hưng, chuyên sản xuất và gia công giày thể thao xuất khẩu. Số lượng công nhân khoảng 6.000 người.

Bên cạnh việc cải tiến chất lượng sản phẩm đẹp đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng, công ty cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường và tiết kiệm năng lượng, mục tiêu là tạo được thương hiệu xanh cho công ty, giảm chi phí năng lượng đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh. Công ty rất quyết tâm giảm chi phí năng lượng để giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Đỗ Tấn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng (KCN Sóng Thần I, TP.Dĩ An), cho biết công ty có công suất khoảng 5 triệu đôi giày/ năm với 3.500 công nhân, sản phẩm chủ yếu là giày thể thao xuất khẩu. Để thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu, công ty nỗ lực trong việc cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu, giảm chi phí giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Công ty cũng ý thức rõ việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành giày da về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp (DN) rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm... Do đó, DN đang và sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Sau khi được hỗ trợ đánh giá hiện trạng tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng, xác định được các phát thải của công ty, đồng thời nhận dạng và đề xuất các giải pháp SXSH để công ty có thể áp dụng hoặc nghiên cứu áp dụng để hướng tới giảm thiểu phát thải và cải thiện quá trình sản xuất. Hiện nay, công ty chú trọng đầu tư cải tiến công nghệ hoặc các ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất và sử dụng năng lượng.

Ông Đỗ Tấn Tài cho biết việc thay đổi máy móc, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để tiết giảm các chi phí là tất yếu và DN nào cũng muốn thực hiện, song việc hỗ trợ của ngành công thương giúp công ty nhận dạng được nên bắt đầu từ quy trình nào. Công ty đã quyết tâm cải tiến sau chương trình hỗ trợ của ngành công thương, và kết quả đem lại những hiệu quả thiết thực. Chính sự hỗ trợ của ngành công thương đã đem đến cho công ty những bước tiến trong sản xuất. Bước vào giai đoạn mới, với nhiều yêu cầu khắt khe từ khách hàng tiêu dùng, công ty kỳ vọng mô hình SXSH sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để công ty tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Phát triển bền vững

TS. Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia về SXSH, cho biết SXSH được hiểu như một tiếp cận giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên, nhiên liệu và năng lượng có hiệu quả hơn. Quá trình áp dụng sản xuất sạch là thực hiện các giải pháp cải tiến một cách có hệ thống, đầy đủ và liên tục với mục tiêu bảo đảm các quy trình sản xuất diễn ra tối ưu nhất. Việc triển khai chương trình SXSH là hệ thống hóa lại các quy trình ISO, 5S… tổng hợp các giải pháp quản lý và công nghệ để lượng nguyên, nhiên liệu vào sản phẩm với tỷ lệ cao hơn trong phạm vi khả thi kinh tế, qua đó giảm thiểu được các phát thải và tổn thất ra môi trường.

Để thực hiện SXSH không nhất thiết phải thay đổi thiết bị hay công nghệ ngay, mà có thể bắt đầu với việc tăng cường quản lý sản xuất, kiểm soát quá trình sản xuất đúng theo yêu cầu công nghệ, thay đổi nguyên liệu, cải tiến thiết bị hiện có. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến tuần hoàn, tận thu, tái sử dụng chất thải, hay cải tiến sản phẩm cũng là các giải pháp SXSH. Như vậy, không phải giải pháp SXSH nào cũng cần chi phí.

TS. Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh áp dụng SXSH đòi hỏi có sự phối hợp của tất cả các bộ phận của DN và các chuyên gia SXSH. Do đó, sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của ban lãnh đạo công ty sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình. Sự phối hợp của nhóm cũng khuyến cáo áp dụng SXSH lần lượt theo các bước khởi động, phân tích các công đoạn sản xuất, đề ra các giải pháp, chọn lựa, thực hiện các giải pháp SXSH và duy trì thực hiện.

Cụ thể, đối với Công ty Đông Hưng, nhóm SXSH cho biết công ty đã triển khai nhóm thực hiện SXSH bao gồm đại diện ban lãnh đạo và trưởng các phòng ban và nhóm triển khai phụ trách. Các thành viên trong nhóm phải họp định kỳ, trao đổi cởi mở, có tính sáng tạo, được phép xem xét, đánh giá lại quy trình công nghệ hiện tại và có đủ năng lực áp dụng triển khai các ý tưởng SXSH có tính khả thi. Nhóm SXSH sẽ bắt đầu quá trình đánh giá bằng việc thu thập các thông tin sản xuất cơ bản của DN để mọi thành viên trong nhóm có thể đưa ra ý kiến, cùng phân tích chọn lọc thông tin cần thiết. Việc tiến hành đánh giá SXSH cần yêu cầu có thông tin nền, dựa trên một số tài liệu, hồ sơ, báo cáo của DN hiện có.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, cho biết việc hỗ trợ DN áp dụng SXSH, tiết kiệm năng lượng đã được triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả tích cực. Ngành công thương cũng hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đánh giá quy trình sản xuất... góp phần cải thiện các điều kiện sản xuất, bảo đảm môi trường. Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hiện Sở Công thương còn khuyến khích các DN lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện.

TS. Nguyễn Văn Thanh cho biết việc thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu dùng là một hành động bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững, là xu hướng tất yếu trong tương lai. Với chủ trương phát triển công nghiệp bền vững của Bình Dương, hiện nay về cơ bản đã có những tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững trong thời gian tới.

Trong khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu SXSH, nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý tới các ảnh hưởng do quá trình quản lý mặt bằng sản xuất đến hiệu quả sản xuất. Nhóm tiếp cận đánh giá SXSH ở nhà máy được bắt đầu bằng việc thăm phân xưởng sản xuất và đưa ra các giải pháp quản lý nội vi tốt. Nhóm đưa ra các giải pháp SXSH về quản lý nội vi đã được xác định là có thể thực hiện trong thời gian ngắn, chi phí đầu tư thấp, dễ dàng thực hiện với điều kiện hiện có của nhà máy. Áp dụng các giải pháp này sẽ là khởi đầu tốt cho các cố gắng SXSH của nhà máy, khuyến khích nhà quản lý cũng như các cán bộ cố gắng hơn nữa khi tiến hành đánh giá SXSH.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên