Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động với hình thức và nội dung ngày càng đổi mới nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động (NLĐ). Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, xung quanh vấn đề này.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh phối hợp cơ quan chức năng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về môi trường cho công nhân. Ảnh: PX 15
- Việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động (NLĐ) góp phần làm chuyển biến về nhận thức của chính NLĐ trong việc chấp hành pháp luật. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Để tiếp tục thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2017, mới đây UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người SDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021.
Đề án được thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của NLĐ và người SDLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Về phía LĐLĐ tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc tăng cường nhận thức pháp luật cho NLĐ và người SDLĐ là rất cần thiết bởi vì đặc thù của tỉnh Bình Dương là tỉnh công nghiệp, NLĐ hiện nay lên tới hơn 1 triệu người trong tổng số trên 2 triệu dân trong toàn tỉnh, trong khi về trình độ văn hóa, nhận thức của NLĐ cũng như điều kiện thời gian và chất lượng cuộc sống cũng còn một số khó khăn nhất định. Vì lẽ đó, LĐLĐ tỉnh coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
- Tiến độ của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến NLĐ và người SDLĐ tại Bình Dương đến nay như thế nào? Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn mới 2017-2021 khi thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người SDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 như thế nào, thưa ông?
- Đến năm 2017, Bình Dương đạt khoảng 75% NLĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quan hệ lao động với nhiều hình thức khác nhau. Mục tiêu của giai đoạn 2017-2021 sẽ phấn đấu có trên 90% NLĐ hàng năm đều được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động.
Bên cạnh việc tuyên truyền đến NLĐ, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền cho cả người SDLĐ, qua đó giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
- Để tăng tính hiệu quả cho công tác tuyên truyền, nội dung và hình thức tuyên truyền sẽ được thay đổi như thế nào cho phù hợp với đối tượng tuyên truyền?
- Về mặt nội dung, trong thời gian tới chúng tôi tập trung tuyên truyền đến NLĐ và người SDLĐ các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản của bộ, ngành Trung ương có liên quan. Tập trung nhất vẫn là các nội dung liên quan đến hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quan hệ lao động.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, huấn luyện đào tạo những kỹ năng, kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên và thành lập các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ liên kết, qua đó tạo dựng một đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp ngày càng hoạt động hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật lao động đến NLĐ.
- Ông có thể chia sẻ một số hoạt động cụ thể đã, đang và sẽ được triển khai đến NLĐ và người SDLĐ trong thời gian tới, đặc biệt là các hoạt động chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 năm nay?
- Để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động đến NLĐ, về phía LĐLĐ thời gian qua cũng như thời gian tới sẽ thực hiện tốt một số hoạt động sau:
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền bằng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp đến NLĐ thông qua đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Thứ hai, tập trung duy trì và phát triển hệ thống loa phát thanh tuyên truyền tại doanh nghiệp, phát triển hệ thống bản tin cấp công đoàn cơ sở, cung cấp biểu mẫu, tờ rơi, banner, áp phích trực quan sinh động.
Thứ ba, phát triển mạnh hệ thống báo chí, các kênh thông tin, tuyên truyền pháp luật lao động của công đoàn như nâng cao chất lượng tin, bài của Tạp chí Lao động Bình Dương, bắt đầu ra mắt và đi vào hoạt động Tạp chí Lao động điện tử Bình Dương, đồng thời phát huy hiệu quả các chương trình “Lao động và Công đoàn” trên sóng truyền hình Bình Dương, “Đồng hành cùng công nhân” trên Đài FM Bình Dương, nâng cao chất lượng các trang website của các cấp công đoàn, mở thêm các hình thức tuyên truyền trên hệ thống internet, mạng xã hội….
- Xin cảm ơn ông!
TÂM TRANG (thực hiện)