Các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh: Điểm sáng mới về thu hút đầu tư

Cập nhật: 15-03-2019 | 07:39:54

Có thể thấy, chủ trương thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả. Các khu, cụm công nghiệp này giờ đây đã trở thành đòn bẩy mới cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

 Đất lửa vươn mình

Những ngày tháng 3 nắng nóng này, chúng tôi có dịp về lại huyện Bàu Bàng. Thật khó ngờ, 5 năm trước, Bàu Bàng chỉ là vùng đất thuần nông, cách xa tỉnh lỵ, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp. Sự chuyển mình mạnh mẽ của một vùng nông thôn rộng lớn đến từ quyết định thành lập huyện Bàu Bàng, kèm theo đó là Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng với diện tích 2.200 ha.

 Một góc KCN Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: K.VINH

KCN - đô thị Bàu Bàng ra đời được xem là sự khẳng định tất yếu trong xu hướng phát triển của vùng kinh tế năng động và đầy tiềm năng này. Đến nay, KCN này đã lấp đầy 95% diện tích đất công nghiệp, thu hút 95 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký lên đến 1,2 tỷ USD. Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết trước đây, đa số người dân trong huyện sống bằng thu nhập từ cây cao su, cùng với đó là kết hợp với chăn nuôi để tăng thu nhập. Khi KCN - đô thị Bàu Bàng được hình thành, hạ tầng cơ sở nơi đây được đầu tư đồng bộ, hiện đại, công nghiệp phát triển, nhiều gia đình đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi sang kinh doanh dịch vụ, buôn bán.

Cách đó không xa, KCN Quốc tế Acendas Protrade (PITP) được thành lập năm 2007, trên cơ sở hợp tác giữa Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) với Công ty Ascendas (Singapore). Từ tháng 12-2016, Protrade đã mua lại toàn bộ cổ phần từ Ascendas và đã phát triển dự án trở thành một trong những KCN có cơ sở hạ tầng chất lượng và uy tín của tỉnh Bình Dương. Dự án có diện tích 500 ha, nằm trong tổng diện tích hơn 1.350 ha của Khu phức hợp Công nghiệp và Dịch vụ An Tây, TX.Bến Cát.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế Protrade, chủ đầu tư và phát triển PITP, cho biết do chủ trương xây dựng KCN kết hợp đô thị nên việc chọn lọc nhà đầu tư được Protrade làm hết sức kỹ càng, theo hướng dự án phải bảo đảm các yếu tố môi trường, ưu tiên các dự án hàm lượng công nghệ cao. “Việc khắt khe trong lựa chọn nhà đầu tư phần nào ảnh hưởng đến tốc độ lấp đầy của dự án, song chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy hoạch, không đánh đổi vấn đề môi trường”, ông Lộc chia sẻ.

Đến nay, 75% trong tổng diện tích 500ha của PITP đã được đầu tư hạ tầng hoàn thiện với hệ thống điện, viễn thông, cấp nước, nhà máy xử lý nước thải... luôn sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Hiện PITP đã thu hút được 65 nhà đầu tư, trong đó 95% là nhà đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD. Điều đáng mừng là hầu hết các dự án đầu tư vào đây có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Không ngừng phát triển

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Kim Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình (TBIP), phấn khởi cho biết từ năm 2014 đến nay, TBIP đã cho thuê được 191,97 ha, chiếm 78,5% diện tích đất thương phẩm của KCN này, với 61 dự án. Tổng vốn đầu tư vào KCN Tân Bình gồm 1.164 tỷ đồng của các doanh nghiệp trong nước và 104,08 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2018, KCN Tân Bình có 17 dự án đi vào hoạt động sản xuất, 19 dự án triển khai xây dựng nhà máy. Như vậy, tính từ năm 2014 đến nay, KCN này có 26 dự án đã đưa vào hoạt động sản xuất (trong đó có 19 dự án trong nước và 7 dự án nước ngoài); các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng 19 dự án (trong đó có 7 dự án trong nước và 12 dự án nước ngoài), 16 dự án chưa xây dựng. Các dự án này đã thu hút 2.500 lao động trong và ngoài địa phương đến làm việc. Năm 2018, tổng doanh thu của KCN Tân Bình đạt 151,634 tỷ đồng, vượt 3,77% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 80,09 tỷ đồng, vượt 10,68 % kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ đạt 50,05%; nộp ngân sách 83,7 tỷ đồng...

Có thể nói, việc hình thành các KCN PITP, Việt Hương 2, Tân Bình, Bàu Bàng hay các cụm công nghiệp Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… tại những địa phương phía bắc của tỉnh đã tạo quỹ đất sạch lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư đến làm ăn. Các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút hơn 400 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây, như Tập đoàn Kumho Asiana, Công ty Giấy Kraft Vina, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation…

Sau thành công của các KCN phía nam của tỉnh, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, một mặt để tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương còn khó khăn, mặt khác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo cho người dân nơi đây. Thực hiện chủ trương này, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng Công ty Becamex IDC đã xây dựng hạ tầng các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 tại huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát). Tiếp nối thành công, Becamex IDC tạo điểm nhấn mới là KCN Bàu Bàng và sắp tới là KCN công nghệ cao đầu tiên của Bình Dương, góp phần tạo nên diện mạo mới cho một vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh.

Trong dòng chảy dịch chuyển dòng vốn đầu tư về phía bắc của tỉnh, có thể kể đến sự có mặt của các KCN Việt Hương 2, PITP, Tân Bình… Đây đều là những “địa chỉ đỏ” cách mạng và là vùng chiến sự diễn ra ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với những địa danh đậm dấu chân xưa, lưu danh sử sách như Tam giác sắt, Phước Thành…

Sự phát triển thần tốc và bền vững của các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh không chỉ tạo đòn bẩy vững chắc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị của tỉnh, mà còn minh chứng cho sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thế hệ. Về lâu dài, đây hứa hẹn trở thành những khu, cụm công nghiệp tiên phong, là hạt nhân và tiền đề kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của Bình Dương.

 Sẽ có thêm KCN công nghệ cao Lai Hưng

 Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, hiện tỉnh đã giao Becamex IDC quy hoạch KCN Lai Hưng có diện tích 600 ha, tại huyện Bàu Bàng để thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ vào đầu tư. Qua đó hình thành nên một KCN dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh, từ đó thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển. KCN này cũng sẽ thu hút nhiều lao động tri thức, có tay nghề, góp phần hình thành được một cộng đồng doanh nghiệp thông minh, tương tác, phối hợp được với nhau để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

KCN công nghệ cao Lai Hưng có vị trí khá thuận lợi khi nằm liền kề với 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh là quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ngoài ra, tuyến nhánh của đường Hồ Chí Minh cũng đi qua KCN này, tạo ra sự kết nối dễ dàng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Bình Dương sẽ phát triển thêm 11 KCN, nâng tổng số KCN trên địa bàn lên 39, với tổng diện tích hơn 15.570 ha.

MINH KHÁNH

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=810
Quay lên trên