Các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi)

Cập nhật: 26-01-2019 | 11:14:17

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã được thông qua ngày 20-6-2017. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Chúng tôi xin giới thiệu một số tội trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) là những hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, xâm phạm chế độ XHCN; đe dọa sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Các tội xâm phạm ANQG có tính nguy hại cao, được đặt lên hàng đầu trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015, với nhiều hình phạt nghiêm khắc nhất. Người thực hiện các tội xâm phạm ANQG là những người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, bao gồm: Công dân Việt Nam; người nước ngoài; người không quốc tịch. Hành vi của loại tội phạm này là bằng việc thực hiện các hành vi bạo loạn, hoạt động khủng bố, phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết; tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá rối an ninh, chống phá trại giam, trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài… nhằm chống chính quyền nhân dân. Những người thực hiện các tội phạm đều với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân, đây là dấu hiệu bắt buộc đối với loại tội phạm này.

Sau đây chúng tôi giới thiệu 2 tội trong nhóm tội xâm phạm ANQG là Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và Tội phá rối an ninh.

1. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)

Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được hiểu là hành vi hoạt động nhằm thành lập tổ chức hoặc tham gia các tổ chức với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Người có hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS). Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trực tiếp xâm hại đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đối tượng tác động của tội phạm này là chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tùy theo tính chất, quy mô của tội phạm, những người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ở một cấp, một địa phương nào đó, song mục tiêu cuối cùng của chúng là lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế - xã hội.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được thực hiện bằng một trong các hành vi sau đây:

- Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi thực hiện hoạt động này gồm nhiều dạng khác nhau và có thể do nhiều loại người thực hiện, trong đó có thể là hành vi của người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục. Hoạt động thành lập có thể là những hành vi để tiến tới thành lập, chuẩn bị cho việc thành lập hoặc là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hoạt động thành lập tổ chức có thể được thực hiện dưới các hình thức như khởi xướng và thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; không khởi xướng việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng trực tiếp đứng ra thành lập tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức…; bàn bạc, thảo luận về việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phân công nhiệm vụ, tiến hành những hoạt động cần thiết để thành lập tổ chức; soạn thảo cương lĩnh, điều lệ hoặc vạch ra phương hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể của tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; ủng hộ vật chất, tinh thần cho việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

- Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của người gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khi tổ chức đã được thành lập. Thể hiện cụ thể của hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân rất đa dạng, phong phú như nhận lời tham gia dưới hình thức thỏa thuận miệng; nhận lời tham gia bằng văn bản như viết đơn, cam đoan xin gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân… Nếu do bị lừa dối, không nhận thức được tính chất và mục đích của tổ chức là lật đổ chính quyền nhân dân thì không bị coi là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Tội phạm không cần có hậu quả xảy ra. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi để thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, không phụ thuộc vào việc tổ chức đã hình thành hay chưa hoặc từ khi nhận lời, đăng ký… tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khác tội phản bội Tổ quốc ở chỗ: Tội phản bội Tổ quốc có dấu hiệu câu kết với nước ngoài, còn tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không có dấu hiệu câu kết với nước ngoài. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cho thấy, người phạm tội có xu hướng móc nối với nước ngoài nhằm nhận sự giúp đỡ về vật chất, phi vật chất của nước ngoài để thực hiện mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Cần phân biệt hai trường hợp: Nếu người phạm tội chưa liên hệ hoặc đã liên hệ được với nước ngoài nhưng chưa nhận được sự thỏa thuận giúp đỡ, tài trợ nào đã bị phát hiện, thì truy cứu TNHS về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nếu đã liên hệ, bàn bạc với nước ngoài, nhận sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị truy cứu TNHS về tội phản bội Tổ quốc.

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện những hành vi phạm tội đó.

Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi thành lập hay tham gia tổ chức nhưng người thực hiện hành vi không có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này.

Hình phạt quy định đối với tội phạm này rất nghiêm khắc với 3 khung. Khung 1, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, hoặc người đắc lực hoặc gây hậu quả nghiệm trọng. Khung 2, phạt tù từ 5 năm đến 12 năm áp dụng đối với người phạm tội là người đồng phạm khác. Khung 3, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này. Ngoài ra, người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. (còn tiếp)

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11- 2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=823
Quay lên trên