Các trường nghề khó tuyển sinh: Nguyên nhân vì sao?

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Kỳ I: Tuyển sinh căng thẳng

Công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo và đã đạt được những mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Tuy nhiên, có một nghịch lý hiện nay, một số trường nghề công lập được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khang trang nhưng lại đang phải đối mặt với khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, nhiều trường trung cấp (TC) chuyên nghiệp dân lập vẫn thu hút đông học sinh (HS), sinh viên. Vậy nguyên nhân do đâu?

Đìu hiu ở các trường nghề

Có thể nói trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường nghề được xây mới khá khang trang bảo đảm cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của HS, sinh viên trong nhà trường. Chỉ trong năm 2010, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư cho trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Việt Nam - Singapore, trường TC Nghề các huyện Tân Uyên và Thủ Dầu Một, Trung tâm Dạy nghề huyện Dầu Tiếng, huyện Bến Cát với kinh phí là 10 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm 2010, tỉnh cũng đã bổ sung 10 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực dạy nghề thực hiện Đề án dạy cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Thế nhưng nhiều trường đang phải đối mặt với khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi thị trường đang thiếu rất nhiều những lao động có tay nghề.

  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, từ trái qua) về thăm trường Cao đẳng Nghề Việt Nam- SingaporeCụ thể, trường TC Nghề Thủ Dầu Một là trường công lập được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề TX.TDM từ tháng 9-2009, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động của trung tâm dạy nghề trước đây như: dạy nghề cho HS phổ thông, dạy nghề sơ cấp và hiện nay mở thêm dạy nghề trình độ TC. Mặc dù cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư khá khang trang, gồm 6 phòng học lý thuyết, 10 phòng thực hành và thư viện với đầy đủ trang thiết bị dạy nghề... nhưng cũng như nhiều trường dạy nghề khác, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Theo chỉ tiêu hàng năm, nhà trường tuyển bình quân 200 HS/năm nhưng năm học 2010-2011 vừa qua mới chỉ mở được 4 lớp TC các nghề: Điện công nghiệp, lắp ráp - sửa chữa máy tính, quản trị doanh nghiệp và kế toán doanh nghiệp với 104 HS đăng ký, đến nay chỉ còn hơn 80 HS theo học. Hầu hết đối tượng HS vào học TC nghề tại trường là con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em vừa mới tốt nghiệp THCS, năng lực học tập hạn chế nên không vào được lớp 10, theo nguyện vọng của gia đình muốn các em vừa học nghề vừa học văn hóa cấp 3, các em phải học cả ngày nên một số HS không theo nổi đã bỏ học.

Tương tự, công tác tuyển sinh của trường TC Nghề Dĩ An cũng không có gì khả quan, tình trạng thiếu HS vẫn đang tiếp diễn. Ngay trong mùa tuyển sinh năm học 2010-2011, từ cuối tháng 5-2010, trường đã thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh cho năm 2010-2011. Mặc dù, nhà trường đã có nhiều cố gắng trong công tác tư vấn, tuyên truyền và hướng nghiệp đến HS học nghề nhưng kết thúc mùa tuyển sinh nhà trường chỉ nhận được 85 hồ sơ đăng ký học các ngành.      

Trường dân lập lạc quan

Trong khi đó, nhiều trường dân lập, tư thục đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh. Nhờ sự linh hoạt và chú trọng nhiều hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề nên các trường này đã thu hút nhiều HS, sinh viên theo học. Cụ thể, trường TC Tài chính Kế toán Bình Dương đã nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, tạo được vị thế vững vàng; tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong tỉnh, trong khu vực để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và từng bước xây dựng cho riêng mình một “thương hiệu mạnh” và để lại những kinh nghiệm quý trong lĩnh vực đào tạo. Với 40% đội ngũ giáo viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, đây chính là nền tảng để nhà trường xây dựng chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập. Với số lượng tuyển sinh ban đầu chỉ có 103 HS nhưng qua thời gian, đến nay nhà trường đã tuyển hàng ngàn HS theo học các chuyên ngành. Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động xã hội hóa giáo dục, trong năm học 2010-2011, nhà trường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm và hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, tuyển dụng thêm nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, tận tâm với nghề nghiệp. Nhà trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 5 phòng chức năng, 12 phòng học lý thuyết và giảng đường, 2 phòng máy vi tính thực hành có đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng và các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của HS. Nhờ có quan hệ gắn kết với doanh nghiệp, HS được đưa đến thực tập ở các doanh nghiệp để làm quen, tiếp cận với doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp HS của trường được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Đây chính là một điều khẳng định về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Tại trường TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam, trong thời gian qua, nhà trường đã đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, tài chính, xuất nhập khẩu, quản trị đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, trường đã có 4 cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của 3.000 HS/ca học. Trong năm học 2010-2011, trường đã tuyển được 975 HS (bao gồm 855 HS hệ chính quy đào tạo 2 - 3 năm và 120 HS hệ chính quy đào tạo 1 năm). Để thu hút HS, trường TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam đã tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, bảo đảm tổ chức giảng dạy các môn học và các hoạt động giáo dục có chất lượng, chương trình đạt chuẩn. Tích cực đổi mới công tác khảo thí, tổ chức ngày hội việc làm. Đặc biệt, trường đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường, lớp; tăng cường trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, thực hành, thực tập và nghiên cứu của HS.

Nguyên nhân vì sao?

Để trả lời câu hỏi trên, theo thạc sĩ Kiều Giác Ngộ - Hiệu trưởng trường TC Nghề Dĩ An, trước hết đó là tâm lý phong kiến đã ăn sâu vào một số người dân mà đến nay xã hội ta chưa xóa được. Ai cũng muốn con mình làm “thầy” chứ không muốn làm “thợ”. Nhìn thấy con mình mới lớp 9 (có em còn rất nhỏ) phải cật lực bên cỗ máy to lớn ai mà chẳng xót xa. Một điều nữa, đó là chính sách của một HS học nghề chưa rõ ràng so với HS các trường trung học chuyên nghiệp. Người ta nghĩ rằng vào học nghề là bít đường tương lai, không có cơ hội học lên đại học và cao hơn. Riêng tại địa bàn Dĩ An, việc tuyển sinh lại càng khó khăn hơn so với một số địa phương bởi huyện giáp ranh với 2 thành phố lớn là TP.HCM và thành phố Biên Hòa, cơ hội lựa chọn cho HS và sinh viên là rất lớn. Các trường mới thành lập chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh với các trường đã có bề dày lịch sử... Do vậy, việc trường TC Nghề Dĩ An cũng như một số trường nghề khác khó tuyển sinh là điều tất yếu. Một nguyên nhân khác, theo Hiệu trưởng trường TC Nghề Bình Dương Nguyễn Văn Phinh thì công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn như trình độ văn hóa các em HS học nghề không đồng đều và ý thức học nghề của HS chưa được xác định rõ ràng do độ tuổi còn non trẻ, do đó công tác đào tạo và quản lý đối tượng HS phân luồng phải chặt chẽ và tế nhị hơn đối với HS đã tốt nghiệp THPT...   

Với những nguyên nhân và khó khăn như trên, một yêu cầu bức thiết đang được đặt ra hiện nay là cần sớm có các giải pháp đổi mới công tác dạy nghề.

Ông HUỲNH VĂN NHỊ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Các trường nghề đã không ngừng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị

Nhìn chung, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành nghề đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ: CĐ, TC và sơ cấp nghề, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo và đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Các cơ sở đào tạo nghề của Bình Dương đã được tập trung đầu tư xây dựng cơ bản và nâng cấp cơ sở vật chất, bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và ngân sách của tỉnh khá lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số trường TC nghề do mới chuyển lên từ các trung tâm dạy nghề, nên bước đầu có gặp một số khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh. Không riêng gì các trường TC nghề mà một số trường CĐ nghề vẫn đang gặp phải; tuyển sinh không đủ chỉ tiêu có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do các trường chưa năng động trong công tác tư vấn, hướng nghiệp HS...

 

Hiệu trưởng trường TC nghề Thủ Dầu Một LÊ VĂN NGỌC: Cho nhà trường sử dụng kinh phí để chiêu sinh

Theo QĐ 56/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương có hiệu lực thi hành từ 2-1-2011 thì mức thu học phí đối với HS TC nghề ở học kỳ II (năm học 2010-2011) là 150.000 đồng/tháng/HS ngành kinh tế và 270.000 đồng/tháng/HS đối với ngành kỹ thuật, CNTT gây khó khăn cho việc thu học phí của nhà trường trong học kỳ II này. Mặt khác với mức thu đối với HS học nghề kỹ thuật, CNTT khá cao sẽ rất khó khăn cho việc chiêu sinh của các trường công lập, không tạo điều kiện cho việc phân luồng HS THCS cũng như việc đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với các trường TC nghề công lập mới thành lập, Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà trường sử dụng kinh phí cho việc thông tin, quảng bá chiêu sinh và ngoài việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất, Nhà nước cũng cần đầu tư về biên chế đội ngũ, cán bộ, giáo viên (thư viện, thiết bị, y tế, tạp vụ, giáo viên dạy các môn chung, giám thị quản lý HS, quan hệ doanh nghiệp - giới thiệu việc làm...) để các trường hoạt động có hiệu quả.

Kỳ II: Những giải pháp đổi mới công tác đào tạo nghề

 

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=408
Quay lên trên
X