Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) mang đến nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Song bên cạnh thách thức là những cơ hội, nếu tận dụng được sẽ giúp cho các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại.
Với việc đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất, những ngành có số lao động cao sẽ cân nhắc trong việc giữ lao động và đồng thời đây cũng là động lực để người lao động nâng cao tay nghề, trình độ để phù hợp với tình hình mới. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tự động của Công ty TNHH Minh Long I Ảnh: HOÀNG PHẠM
Cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất
CMCN 4 (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học và công nghệ (KHCN).
Trao đổi tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT (internet kết nối vạn vật) vào sản xuất thông minh” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) chủ trì tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, với CMCN 4, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam có được là “lợi thế người đi sau”. Chúng ta có thể được hưởng những thành tựu, tiến bộ KHCN của các quốc gia đi trước đã nghiên cứu, dễ dàng tiếp cận những thành tựu khoa học này.
Đối với các DN sản xuất, cuộc CMCN 4 cũng chứng kiến sự du nhập của các công nghệ tiên tiến, giúp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu suất sản xuất và thúc đẩy sáng tạo. Đây là cơ hội để khu vực DN lớn mạnh, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giúp Việt Nam đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An) chia sẻ, là một công ty chuyên về sản xuất gốm sứ, do đó việc thay đổi công nghệ là cần thiết và đòi hỏi cần phải có thời gian thực hiện. Nói về đổi mới công nghệ thì Minh Long đã thực hiện từ lâu, được tiến hành từng bước. Với cuộc CMCN 4 này, Minh Long sẽ có điều kiện để tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ nung một lần lửa, cải tiến hệ thống sản xuất tự động phù hợp với công nghệ mới trong sản xuất gốm sứ.
“Với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng sấy, công ty đã có nhiều cải tiến trong sản xuất lò sấy năng lượng mặt trời. Thông qua CMCN 4, công ty sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các công nghệ sấy hiện đại của các nước phát triển, giúp DN hạ giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Hiện tại, công ty cũng đã đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị cho phù hợp với công nghệ sấy mới”, bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE (TX.Dĩ An) nói.
Thách thức không nhỏ
CMCN 4 đang là xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Điều này cũng tạo áp lực, cơ hội cho chính các DN sản xuất trong nước phải nỗ lực, tăng cường đầu tư cho KHCN nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Theo ông Minh, mặc dù đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nung một lần lửa nhưng việc đưa công nghệ này vào chương trình tự động hóa thì phải mất thời gian, chi phí đầu tư. “Đây chỉ mới là bước đầu cho công cuộc đổi mới KHCN tự động hóa trong chiến lược sản xuất của công ty. Chúng tôi ước tính quá trình này nếu nâng cấp tự động hóa toàn xưởng như đã đề ra thì phải nâng cấp, đầu tư thêm thiết bị và thời gian ít nhất cũng 3 - 5 năm”, ông Minh cho hay.
Với việc CMCN 4 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cơ hội việc làm, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu… Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN cũng nhận định, cuộc CMCN lần thứ 4 mang đến sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và rô-bốt. Theo đó, cách thức sản xuất của một số ngành nghề mà Việt Nam dự định phát triển mạnh trong thời gian tới, với lợi thế lao động giá rẻ, lao động phổ thông sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng lớn. Sự phát triển của KHCN có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, vì một số lượng lao động không nhỏ của Việt Nam sẽ không thể chuyển đổi do không thích ứng kịp với tình hình mới.
Ông Minh cho biết thêm, theo quy trình công nghệ nung cũ, Minh Long I cần 400 lao động, khi đổi sang công nghệ nung một lần lửa thì chỉ cần 200 lao động và nếu áp dụng công nghệ nung một lần lửa vào chương trình tự động hóa chỉ cần 20-30 lao động. Như vậy, với việc đưa công nghệ mới vào sản xuất, số lượng lao động đã giảm. Đây cũng là bài toán khó cho DN trong việc giữ lại số lượng lao động để sản xuất, nhất là lao động đã gắn bó lâu dài với công ty.
Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4 cũng chỉ ra các giải pháp, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Cùng với đó, phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính…
KHÁNH ĐĂNG