Đời sống của một số gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) còn gặp khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng cảm, những NN vượt lên số phận, có cuộc sống khá giả đã chung tay giúp những NN còn khó khăn. Tuy nhiên, để phần nào xoa dịu nỗi đau mà các NN đang phải gánh chịu, họ rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa của cộng đồng.
Lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thăm, tặng quà nạn nhân da cam Nguyễn Văn Chài, phường Tân Bình, TX.Dĩ An Ảnh: THIÊN LÝ
Cùng giúp nhau
Sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Kiên Cường (SN 1949) sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng để xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ. Suốt 7 năm (1966-1973), tham gia nhiều trận đánh, đi qua khắp các mặt trận của tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông bị nhiễm CĐDC mà không hề hay biết. Năm 1979, khi sinh người con trai đầu lòng bị khối u cột sống, teo cơ 2 chân, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học. Bản thân ông do nhiễm chất độc hóa học nên tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 73%. Trước số phận nghiệt ngã, ông quyết tâm chăm sóc con và làm kinh tế. Hiện nay, con trai đầu của ông đã có thể đi lại trên đôi chân teo nhỏ và làm nghề sửa xe. Ông tích cóp và xây dựng 50 phòng trọ tại khu phố Bình Đức 1, phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Không chỉ chăm lo cho gia đình mình, ông Cường còn thường xuyên tặng gạo, đường cho Bếp ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa TX.Thuận An. Đối với những NN nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn TX.Thuận An, ông thường xuyên tặng gạo, tiền, thăm hỏi những gia đình có con, cháu nhiễm nặng có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng chung nỗi đau có con bị nhiễm chất độc hóa học, ông Ngô Xuân Tự, quê Nam Định (SN 1952) đã không nản chí mà quyết tâm làm ăn để có cuộc sống ổn định, giúp đỡ những NN khác. Ông kể, năm 1970, ông vào Nam kháng chiến tại C1, Tân Uyên. Cũng tại chiến trường Tân Uyên, ông bị trúng 2 viên đạn, trở thành TB 4/4 và bị nhiễm chất độc hóa học. Sau khi giải ngũ, ông ở lại Bình Dương lập nghiệp. Chất độc hóa học làm cho con gái đầu của ông mất đi thiên chức làm mẹ, ông cũng bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Giờ đây, gia đình ông có công ty chuyên cung cấp đá, cát, san lấp mặt bằng tại phường Bình An, TX.Dĩ An. Ông cũng là thương binh làm kinh tế giỏi. Năm 2012, với nỗ lực, uy tín của mình ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình An (TX.Dĩ An). Lúc này, ông vận động anh em hội viên đóng góp chăm lo cho những thương binh, bệnh binh, gia đình NN nhiễm CĐDC trên địa bàn phường. Hiện nay, hội hỗ trợ hàng tháng cho 2 gia đình ông Ngô Quang Thanh, Nguyễn Thanh Minh có con bị bại liệt, teo tay chân do nhiễm chất độc hóa học, mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, dịp 27-7, 10-8 hàng năm, ông còn vận động cả trăm phần quà tặng gia đình chính sách, người có công, NN nhiễm chất độc hóa học trong, ngoài phường Bình An.
Ông Tự bộc bạch: “NN da cam là những người rất đáng thương, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Khi tận mắt chứng kiến những nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần của những NN da cam, thân nhân gia đình NN, đồng cảm với họ nên tôi đã vận động mọi người chung tay giúp đỡ”.
Cần sự giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn
Từ những sự đồng cảm, ông Cường, ông Tự chỉ là 2 trong số rất nhiều NN da cam giúp NN da cam. Họ đã đánh “tiếng chuông” kêu gọi toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những NN mang trên mình chất độc da cam. Cũng mong muốn xoa dịu nỗi đau da cam, Hội NNCĐDC/ dioxin đã thường xuyên vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ NN… Ông Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/ dioxn tỉnh cho biết, Bình Dương hiện có hơn 5.000 NN, trong đó có 1 gia đình có đến 7 đứa con bị nhiễm CĐDC, 9 gia đình có 4 con bị nhiễm, 14 gia đình có 3 con bị nhiễm và 1.195 gia đình có 2 con bị nhiễm. Tới thời điểm này, chỉ có hơn 900 NN được hưởng chế độ chính sách. Vì nhiều nguyên nhân, còn hàng ngàn người bị phơi nhiễm CĐDC đến nay chưa được hưởng chế độ đang từng ngày vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh nghèo khó, kỳ thị... Do đó, các cấp hội luôn đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả CĐDC đối với con người và môi trường sống, nhất là những di chứng để lại trên cơ thể con người qua nhiều thế hệ; vận động mọi người chung tay giúp đỡ các NN.
Thông qua sự ủng hộ của cộng đồng, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các đối tượng chính sách và đối tượng không thuộc diện chính sách. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), ngày Vì NNCĐDC (10-8), các cấp hội đều phối hợp tổ chức tặng quà, thăm hỏi các đối tượng. Cùng với đó là vận động đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở; hỗ trợ chăm sóc, điều trị cải thiện sức khỏe cho NN… Cụ thể, trong 5 năm (2010-2014), hội đã vận động quyên góp được 2 tỷ đồng, trực tiếp giúp đỡ NN xây, sửa 8 căn nhà; khám bệnh, cấp phát thuốc cho trên 300 NN; thăm, tặng quà 12 đợt với số tiền 1,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tổ chức đi thăm, tặng quà và hỗ trợ hội viên và NN CĐDC trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 188 triệu đồng. Các huyện, thị, thành hội cũng hỗ trợ NN ở địa phương với số tiền trên 100 triệu đồng; hoàn thành sửa chữa 2 căn nhà cho NN với số tiền 80 triệu đồng… Với tinh thần “Đoàn kết, tâm huyết, nghĩa tình và trách nhiệm”, các cấp hội còn tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống kỳ thị đối với những người dị tật, mắc các bệnh liên quan tới CĐDC.
Đáng chú ý, tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 6/9 huyện, thị, thành phố đã có tổ chức hội. Vai trò, vị thế của hội từng bước được nâng lên, là cầu nối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các chế độ, chính sách cho NN. Ông Thái cho biết thêm, những cán bộ phụ trách huyện, thị, thành hội đều kiêm nhiệm, hoặc đã nghỉ hưu mong muốn góp phần xây dựng hội, chăm lo cho các NN. Hầu hết họ làm vì cái tâm chứ không có chế độ, văn phòng hoạt động. Bởi vậy, hy vọng lãnh đạo tỉnh xem xét để những người nhiệt tình, năng nổ với công tác hội có thêm điều kiện làm việc tốt hơn, có cơ sở để vận động chăm lo cho các NN.
THIÊN LÝ