Cần những giải pháp chấn chỉnh

Cập nhật: 28-06-2011 | 00:00:00

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mới có tác động trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội, giúp người lao động (NLĐ) có một phần thu nhập nhằm ổn định cuộc sống trong thời gian mất việc làm và giúp NLĐ nhanh chóng trở lại thị trường lao động qua các chế độ hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, bảo hiểm y tế. Qua hơn một năm thực hiện, chính sách BHTN đã được sự đồng tình của NLĐ và các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai chính sách BHTN Bình Dương vẫn còn một số vướng mắc, phát sinh ra luồng thất nghiệp giả tạo để hưởng trợ cấp BHTN.

Nghỉ việc ảo

Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, NLĐ đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì được hưởng BHTN. Với mục đích hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm sớm ổn định cuộc sống nên BHTN không chỉ hỗ trợ tiền mặt khi thất nghiệp mà còn tạo điều kiện để NLĐ học nghề, được tư vấn và giới thiệu việc làm, hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Hiện nay, việc tiếp nhận đăng ký và thực hiện hồ sơ mất việc đã không còn xa lạ với NLĐ. Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số nơi tiếp nhận BHTN, từ đầu năm đến nay số lượng người đến đăng ký thất nghiệp ở Bình Dương tăng vọt, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến những địa điểm tiếp nhận BHTN để liên hệ giải quyết các chế độ liên quan đến BHTN. Trưởng phòng BHTN Trung tâm Giới thiệu việc làm Ngô Nguyễn Thái Hằng cho biết: “Trong thời gian từ đầu năm 2011 đến nay số lượng lao động đến Trung tâm Giới thiệu việc làm thực hiện các thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng (số người đăng ký thất nghiệp 38.351, số lượng lao động chuyển hưởng 11.797). Số lượng lao động thực hiện các thủ tục tăng do các nguyên nhân sau: NLĐ có nhu cầu chuyển đổi công việc đang làm sang vị trí công việc khác. Mức thu nhập của công việc hiện tại quá thấp, tìm công việc có mức thu nhập cao hơn. NLĐ chuyển nơi khác làm việc, về quê, lý do cá nhân phải tạm thời nghỉ việc. Thay đổi chủ doanh nghiệp, DN tạm thời ngừng sản xuất cụ thể như Công ty Giày An Thịnh, Công ty Uniquel với số lượng gần 2.000 lao động. Làm việc mới 12 tháng mà sao nghỉ việc? Trả lời câu hỏi của một nhân viên, chị N., nói muốn về quê làm việc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đây chỉ là cái cớ để chị N., làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN 3 tháng rồi sau đó tiếp tục xin việc ở nơi khác. Một lao động khác đang làm hồ sơ hưởng BHTN nói ngắn gọn: “Làm việc được 12 tháng rồi xin nghỉ để hưởng BHTN được 3 tháng, khi nghỉ đến tháng thứ 3 rồi tiếp tục đi xin việc làm”. Theo quy định NLĐ đóng bảo hiểm đủ từ 12 tháng trở lên được hưởng BHTN khi nghỉ việc, đây là quyền lợi mà dại gì không nghỉ việc để hưởng” - một công nhân khác cho biết.

Bình Dương hiện có 3 địa điểm tiếp nhận đăng ký nộp hồ sơ hưởng BHTN, gồm: Phòng BHTN tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (giải quyết cho TX.Thuận An, TX.Dĩ An và TX.TDM). Chi nhánh huyện Bến Cát, địa chỉ: Phòng LĐ-TB&XH huyện Bến Cát (giải quyết cho 2 huyện Dầu Tiếng và Bến Cát). Chi nhánh huyện Tân Uyên, địa chỉ: Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Uyên (giải quyết cho 2 huyện Tân Uyên và Phú Giáo).

 

Một nghịch lý

Sau một thời gian triển khai thực hiện chính sách BHTN, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách này. Tuy nhiên, số lượng người đến đăng ký BHTN khá đông đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao hiện nay doanh nghiệp ở Bình Dương đang thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đưa ra nhiều chính sách để thu hút và “giữ chân” NLĐ. Ấy vậy mà hiện nay đang xảy ra nghịch lý đó là số lượng lớn công nhân đến đăng ký để hưởng BHTN? Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại một vài điểm tiếp nhận BHTN, một số lao động (chủ yếu lao động phổ thông), đã chủ động xin nghỉ việc để hưởng BHTN. Những lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp, thời gian làm việc tại các công ty nhiều nhất từ 1 - 4 năm, mức lương cơ bản còn thấp, nên số tiền hưởng trợ cấp BHTN cũng thấp. Tình trạng lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHTN, “không khác gì một phong trào”. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có trường hợp NLĐ đang làm việc, có việc làm trong các DN nhưng tự ý xin nghỉ việc sau khi đóng đủ 12 tháng BHTN để được hưởng 3 tháng BHTN hoặc NLĐ vi phạm nội quy của DN bị nghỉ việc (trộm cắp tài sản, nghỉ việc trên 5 ngày liên tục không lý do, đánh người tại DN...), theo quy định hiện hành là vẫn được hưởng BHTN. Vì vậy, cần xác định trường hợp nào khi NLĐ không có việc làm là đối tượng thất nghiệp được hưởng trợ cấp BHTN.

  Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHTNCó trường hợp công ty giải quyết cho NLĐ nghỉ rút sổ BHXH để làm thủ tục hưởng BHTN, rồi sau đó lao động được công ty ký hợp đồng trở lại, đây cũng là luồng thất nghiệp giả tạo. Đổ xô đăng ký BHTN rồi nghỉ việc đã khiến cho nhiều DN ở Bình Dương mất lao động, gặp khó khăn trong sản xuất. Việc chi trả trợ cấp BHTN đang có kẽ hở để NLĐ tận dụng triệt để. Nhìn vào những con số để thấy được một nghịch lý đó là, tính đến tháng 3-2011, toàn tỉnh có 4.687 đơn vị DN, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHTN, trong đó có 3.528 đơn vị với 561.227 lao động đã tham gia BHTN, đạt 96,31% trên tổng số lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và không xác định thời hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Trung tâm Giới thiệu việc làm đã tiếp nhận hồ sơ và lập các thủ tục, đề nghị Sở LĐ-TB&XH phê duyệt và ra quyết định cho 16.871 NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 67 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần và 5 quyết định hỗ trợ học nghề), với tổng số tiền trợ cấp đã chi trả là 52,8 tỷ đồng. Ở Bình Dương trung bình hàng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn (khoảng trên 50 ngàn lao động). Trong khi đó, riêng năm 2010, có 49.582 người đến Trung tâm Giới thiệu việc làm đăng ký thất nghiệp (bình quân hàng ngày có khoảng trên 200 NLĐ đến đăng ký) trong đó 32.041 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, 28.692 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả 87 tỷ 854 triệu đồng; 5 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu hỗ trợ học nghề; 12.845 người có nhu cầu chuyển về các tỉnh hưởng  trợ cấp thất nghiệp. Điều này cho thấy, làn sóng thất nghiệp ảo trên địa bàn Bình Dương khá lớn. Hiện tượng này đã khiến các DN luôn trong tình trạng bất ổn về lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Giám đốc BHXH Bình Dương BÙI HỮU PHONG: Phát sinh luồng thất nghiệp giả tạo

Bình Dương đã tạo “cơ chế thoáng” để giải quyết nhanh quyền lợi cho người thất nghiệp, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp một số khó khăn. Các quy định về thời gian đăng ký thất nghiệp chưa hợp lý. Quy định về thời gian hưởng BHTN hiện cũng không còn phù hợp vì NLĐ dễ lợi dụng để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng một thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là cào bằng. Quy định này dễ xảy ra trường hợp, NLĐ sau một năm làm việc, tìm cách nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, theo quy định các đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHTN phải có từ 10 NLĐ trở lên chưa thể hiện được sự công bằng đối với đơn vị có 9 NLĐ và những NLĐ làm việc trong các DN nhỏ.

Một ý kiến nên thực hiện để góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp ảo: khi thất nghiệp, NLĐ được quyền đăng ký và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 tháng tính từ ngày nghỉ việc, khi họ thấy cần thiết, nếu về quê (ngoài tỉnh Bình Dương) thì đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương nhận giấy giới thiệu để hưởng BHTN tại quê nhà (giấy giới thiệu có thời hạn 12 tháng). Chia nhỏ mức trợ cấp như đóng 1 năm thì hưởng 1 tháng, 1 năm rưỡi hưởng 1 tháng rưỡi, 2 năm hưởng 2 tháng... Điều đó phù hợp với nguyên tắc đóng BHTN nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít. 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội NGUYỄN PHÙNG TRUNG: Xác định đối tượng được hưởng BHTN

Qua một hơn một năm thực hiện, chính sách BHTN Bình Dương vẫn còn một số vướng mắc khó khăn: Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN hàng năm rất lớn (trên 50.000 người) nhưng trong năm qua số người đến trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký thất nghiệp hơn 49.000 người. Việc này cho thấy hiện nay xuất hiện làn sóng thất nghiệp ảo trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân: Phần lớn NLĐ không thật sự bị thất nghiệp mà do NLĐ tự ý xin nghỉ việc khi có đủ 12 tháng đóng BHTN để được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, làm cho DN không ổn định về lao động ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Vì vậy, NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN không đúng thời hạn  quy định. Qua đây, nên chăng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2008/NĐ-CP: Bổ sung Điều 7: Quyền của NLĐ về BHTN: NLĐ được ủy quyền cho người khác đến Trung tâm Giới thiệu việc làm đăng ký và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây: Thai sản, ốm đau, tai nạn. Xác định đối tượng được hưởng chính sách BHTN: Hiện nay có trường hợp NLĐ đang làm việc, có việc làm trong các DN nhưng tự ý xin nghỉ việc sau khi đóng đủ 12 tháng BHTN để được hưởng 3 tháng BHTN hoặc NLĐ vi phạm nội quy của DN bị nghỉ việc (trộm cắp tài sản, nghỉ việc trên 5 ngày liên tục không lý do, đánh người tại DN...) theo quy định hiện hành là vẫn được hưởng BHTN. Vì vậy, cần xác định trường hợp nào khi NLĐ không có việc làm là đối tượng thất nghiệp được hưởng trợ cấp BHTN. Điều chỉnh thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp khi NLĐ mất việc.

 

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên