Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu ý kiến. Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 20-6, thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Điện lực, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phá bỏ sự độc quyền về kinh doanh điện lực để tạo sự bình đẳng giữa bên mua và bên bán, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện. Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuân theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy, giá bán điện cần quy định theo quy luật của cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước; đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tán thành quan điểm xây dựng quy định về giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị nên giảm bớt các loại mức giá trong cơ cấu giá điện hiện nay, đồng thời, minh bạch, công khai hơn nữa trong việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm: “Cần có giải pháp chống độc quyền ngành điện, nếu còn độc quyền thì sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán”. Đại biểu An cũng kiến nghị, trong cơ sở tính giá thành, ngành điện phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, làm rõ trách nhiệm của các bên đối với việc tiêu hao trong quá trình truyền tải điện.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, giá điện phải có sự “gặp nhau” giữa người mua và người bán. Nhà nước cần nghiên cứu tách bạch giá điện giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích. Cần tăng cường nội địa hóa thiết bị điện ở Việt Nam để làm hạ giá thành sản phẩm.
Đồng ý với việc cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của cả khách hàng sử dụng điện lẫn người cung cấp điện vì trên thực tế, có tình trạng người sử dụng điện chậm nộp tiền thì bị cắt điện, nhưng thiết bị điện hỏng thì không được ai đền bù. Cần có chế tài xử phạt đối với bên cung cấp điện nếu không hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Cũng liên quan đến chủ đề này, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, để đảm bảo quyền bình đẳng giữa người mua và người bán điện, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về điều kiện ngừng cung cấp điện, điều khoản thanh toán; đặc biệt tiến tới hình thức chịu trách nhiệm về vật chất đối với bên bán điện nếu không đảm bảo ổn định trong cung cấp điện làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và gây thiệt hại cho sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng bộ quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các nguồn năng lượng
Thảo luận về quy hoạch phát triển điện lực, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, các quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp… ở nhiều địa phương chưa được lồng ghép, đồng bộ với nội dung quy hoạch phát triển điện lực ảnh hưởng đến tính thống nhất và liên kết của quy hoạch phát triển điện.
Các đại biểu đề nghị quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không chỉ phù hợp mà còn phải là bộ phận không tách rời với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; phải gắn chặt chẽ với quy hoạch của các nguồn năng lượng sơ cấp như dầu, khí, và đặc biệt là xu hướng gia tăng cơ cấu nguồn nhiệt điện than, quy hoạch đất đai, giao thông, thủy lợi, chống lũ, quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông...
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) kiến nghị, trong quy hoạch ngành điện, cần chú ý phát triển các nguồn năng lượng thay thế sức nước, than, chú ý đẩy mạnh việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo; tận dụng lợi thế của đất nước với nhiều sức gió và năng lượng mặt trời góp phần bảo vệ môi trường, hạ giá thành sản phẩm. đại biểu Nguyệt cũng đồng tình với việc triển khai điện hạt nhân nhưng cần hết sức thận trọng trong việc đảm bảo an toàn.
Kiến nghị cần tránh sự manh mún, lãng phí trong quy hoạch phát triển điện lực, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần có khoản kinh phí hỗ trợ phát triển ngành điện đối với các vùng đặc thù, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn.
Trong quy hoạch cũng cần phân cấp rõ ràng trong việc cấp phép thực hiện các công trình nhà máy điện theo quy mô, công suất để tránh xây dựng tràn lan các dự án loại này. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng dự án năng lượng Luật năng lượng mới và Luật năng lượng tái tạo để có khung pháp lý điều chỉnh các loại hình sử dụng, khai thác điện bằng năng lượng tái tạo theo mô hình của các nước phát triển. Cho rằng, đây là dự luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Theo TTXVN