An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề quan tâm của người dân, liên quan mật thiết đến sức khỏe. Thế nhưng, việc kiểm soát ATVSTP tại các chợ vẫn còn lỏng lẻo.
Công tác quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn vào chợ. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Thủ Dầu Một
Thực phẩm bẩn “rộng đường”
Vòng quanh các chợ từ đầu mối đến chợ lẻ, chợ tạm trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá đa dạng, từ rau, củ quả, thịt tươi sống, đồ khô… đã chế biến hay chưa chế biến đều được đóng gói sẵn rất tiện dụng. Tuy nhiên, việc quản lý ATVSTP tại các chợ gần như bị bỏ ngỏ. Do vậy, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ quả nhiễm hóa chất vẫn đầy ở các chợ lẫn với thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, tình trạng mất ATVSTP không chỉ diễn ra ở khâu kinh doanh (KD) mà còn ở các cơ sở sản xuất. Việc sử dụng hóa chất vượt quá liều lượng cho phép, kể cả hóa chất cấm vẫn diễn ra phổ biến.
Đơn cử, gần đây Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã lấy mẫu giám sát gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm sản phẩm tương ớt Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Kim Thành, địa chỉ: ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Qua phối hợp truy xuất, đơn vị này đã bị xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng vì có hành vi sản xuất sản phẩm có chỉ tiêu ATVSTP không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tương tự, mới đây ngành chức năng cũng đã lập biên bản tạm giữ 300 kg gói mứt ô mai các loại của Cơ sở cung cấp Bánh kẹo Bà Xoan, địa chỉ ô 19, lô B4, khu dân cư Thuận Giao, khu phố Bình Thuận 2, TP.Thuận An. Trường hợp này đang chờ xử lý theo quy định pháp luật.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện, thu giữ hàng hóa. Như vậy, có thể thấy rất nhiều mặt hàng đang được bày bán tại các chợ cũng không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn mác, hạn sử dụng. Đó là chưa kể một số cá nhân buôn bán theo kiểu tự phát, không đăng ký kinh doanh nên thực phẩm bẩn luôn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Kiểm tra, xử lý vẫn đang gặp khó
Bình Dương hiện có 106 chợ. Đó là chưa kể đến chợ cóc, tự phát mọc lên nhan nhản ở các địa phương. Lãnh đạo siêu thị Big C cho rằng hiện nay công việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả tại các điểm bán, chợ đầu mối gần như chưa sát thực tế. Sản phẩm bẩn đang lập lờ với sản phẩm an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc càng trở nên khó khăn.
Mặt khác, các cơ quan liên quan chưa thật sự phát huy hết vai trò trong công tác quản lý chất lượng ATVSTP tại các điểm KD ăn uống, chợ. Hơn nữa, sự quá tải trong công tác kiểm tra giám sát dẫn đến việc thực phẩm bẩn vẫn rộng đường có mặt tại mâm cơm của nhiều gia đình.
Về thực tế này, ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết hiện tại việc phân công quản lý nhà nước về ATVSTP giữa các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương cũng như chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã và đang được giải quyết, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất KD thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn đang gặp không ít khó khăn. Hàng hóa vi phạm liên quan chất lượng phải yêu cầu giám định mẫu thời gian chờ kết quả quá lâu, hàng hóa vi phạm (nếu có) đã được bán hết nên chỉ xử phạt tiền. Số mẫu cần gửi giám định không nhiều do kinh phí có hạn. Với những người buôn bán nhỏ, lô hàng có số lượng ít, nếu phát hiện vi phạm lực lượng QLTT chỉ vận động người KD tự tiêu hủy hàng hóa tại chỗ mà không thể xử phạt vì test nhanh không phải là cơ sở pháp lý.
Theo ông Trần Văn Tùng, để giải quyết những tồn tại cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương để tăng cường quản lý, kiểm soát, truyền thông để người sản xuất, chế biến, KD có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng. Người tiêu dùng cũng cần có nhận thức tốt hơn trong việc chọn lựa, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
TRÚC HUỲNH