Dù chưa phổ biến như thẻ ATM, thẻ tín dụng cũng đã được một bộ phận người dân sử dụng như một hình thức thanh toán nhiều tiện ích, nhất là những người có thu nhập cao, có thói quen đi mua sắm thường xuyên, cũng như đi du lịch và công tác nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận tiện trong giao dịch, thẻ tín dụng cũng mang lại nhiều rắc rối cho người sử dụng.
“Cà” thẻ... quá tay
Với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, Cẩm Tú, trợ lý giám đốc cho một công ty của Đài Loan ở KCN VSIP được Ngân hàng ACB mời tham gia mở thẻ tín dụng tín chấp bằng bảng lương. Với loại thẻ tín dụng này, ngân hàng sẽ ứng trước số tiền 10 triệu đồng để chi tiêu và trong vòng 45 ngày không tính phí. Với những tiện ích như nhanh chóng, an toàn và... “dễ thở” vì được tạm ứng trước một số tiền khá lớn khi chưa có lương để chi tiêu nên Cẩm Tú rất hào hứng. Tiện lợi nhất là khi đi mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn, không phải mang theo tiền bạc, vừa không an toàn vừa không hiện đại. Chưa kể là những lúc đi chơi với bạn bè mà bất ngờ không mang theo tiền hoặc không đủ tiền trong ví thì chiếc thẻ tín dụng là “vị cứu tinh”. “Cà thẻ” khi mua một chiếc túi xách hàng hiệu, “cà thẻ” khi mua một chiếc áo, “cà thẻ” khi mua một chiếc mắt kính và “cà thẻ”... kể cả khi mua một thỏi son.
Người tiêu dùng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng cần cẩn thận (ảnh chỉ mang tính minh họa) Với những người thường xuyên đi công tác nước ngoài thì việc sử dụng thẻ mang lại rất nhiều tiện ích. Theo quy định, công dân Việt Nam khi ra nước ngoài không được mang theo quá 5.000 USD/người. Chính vì vậy, việc sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền USD chi tiêu trong thời gian ở nước ngoài rất thuận tiện và hợp lý. Chưa kể các trung tâm thương mại và dịch vụ ở nước ngoài cũng thích được phục vụ khách hàng có thẻ hơn là tiền mặt. Vì vậy, nhiều người khi ra nước ngoài đã “cà thẻ” mọi lúc mọi nơi, thậm chí không kiểm soát được số tiền mình đã chi tiêu.
Cẩn thận vẫn hơn
Dù có vẻ hợp lý và nhiều tiện ích như vậy nhưng chiếc thẻ tín dụng cũng mang lại nhiều phiền toái cho người sử dụng nếu như không thật sự hiểu về nó.
Đầu tiên là khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế do ngân hàng Việt Nam phát hành, người sử dụng cần tìm hiểu kỹ biểu phí cũng như lãi suất cho vay của từng ngân hàng vì có mức chênh lệch khá cao. Phí thường niên, từ 100.000 - 300.000 đồng, có ngân hàng miễn phí thường niên năm sau nếu năm trước chi tiêu trên hạn mức quy định. Phí rút tiền mặt, từ 2 - 4%/tổng số tiền rút, tối thiểu
là 20.000 - 60.000 đồng. Phí
vượt hạn mức, từ 0,022 - 0,075%/ngày/số tiền vượt hạn mức, tối thiểu là 20.000 - 50.000 đồng. Lãi suất cho vay từ 1,8 - 2,4%/tháng và được ngân hàng điều chỉnh thường xuyên theo tình hình thị trường. Nhiều ngân hàng, để tăng số lượng người sử dụng thẻ tín dụng trong thời gian ngắn đã đưa ra rất nhiều khuyến mại nhằm thu hút chủ thẻ mới. Tuy nhiên, sau thời gian khuyến mại cũng là lúc ngân hàng tăng lãi suất và các mức phí giao dịch nên các chủ thẻ đều phải chấp nhận sự đã rồi.
Ngoài ra, theo quy định, khách hàng phải khiếu nại về sai sót của bản sao kê trong vòng 7 ngày sau ngày sao kê nhưng có khi sát ngày hết hạn khiếu nại, có khi sau 10 ngày và có tháng không nhận được do nhiều lý do. Dịch vụ nhắn tin qua điện thoại của các ngân hàng chỉ cho biết tổng số tiền phải trả trong tháng nên không thể kiểm tra các giao dịch.
Về phía người sử dụng, với hạn mức tín dụng được phép chi tiêu cao, không phải thế chấp tài sản, nên rất khó kiểm soát tài chính, dễ sa lầy vào những khoản nợ không lường được.
Sử dụng thẻ tín dụng là một xu hướng tất yếu để giảm tải các giao dịch bằng tiền mặt trên thị trường. Tuy nhiên với một thị trường thẻ còn mới mẻ như ở Việt Nam, những điều khoản ràng buộc từ phía ngân hàng và việc quá tay trong chi tiêu, người tiêu dùng dễ rơi vào “bẫy” sử dụng tiền thoải mái trước rồi phải trả nợ sau. Vì vậy, cẩn trọng vẫn là bài học đầu tiên và cần thiết cho bất cứ người tiêu dùng thông minh nào.
PHƯƠNG AN