Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Tấn Khoa ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An cho biết, cái smartphone hiệu Galaxy của anh vừa trả góp xong tháng thứ 6 thì “chập mạch” nghe tiếng mà không thấy màn hình. Đã 3 lần anh gọi đến cửa hàng trả góp mà vẫn không thấy hồi âm, đến nay cũng không thấy cửa hàng cho người đến lấy tiền góp. “Chắc tôi bị lừa rồi”, anh Khoa nói.
Người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng trả góp tại các cửa hàng uy tín (Ảnh minh họa). Ảnh: Q.NHIÊN
Cẩn trọng vẫn hơn
Hàng ngày, đội ngũ tiếp thị bán hàng trả góp cho các công ty, cửa hàng kinh doanh thường đi phát tờ rơi tại các khu dân cư, ngã tư, giao lộ, thậm chí xuống tận các ấp, vùng nông thôn tiếp cận khách hàng. Đa số công ty, cửa hàng kinh doanh dịch vụ này đều ghi địa chỉ ở TP.Hồ Chí Minh. Khách mua trả góp hiếm khi được đặt chân vào trụ sở công ty mà chỉ đặt niềm tin vào hình ảnh in trên tờ rơi, poster để lựa chọn sản phẩm.
Chị Trần Bích Nhi ngụ ở khu vực ga Sóng Thần (TX.Dĩ An) cho biết, chị cùng mấy người bạn công nhân chung phòng hùn mua trả góp cái ti vi màn hình phẳng trị giá hơn 5 triệu đồng; tiền góp hàng tháng là 220.000 đồng. Góp đến tháng 12 vừa qua là hết thời gian bảo hành thì ti vi đột nhiên trở chứng. “Xem quảng cáo có hiệu tô đỏ mà trên ti vi thì xanh lè. Hình ảnh nhòe nhoẹt, xem chừng 30 phút là nhức mắt. Đem ra cửa hàng bán góp ở quận 12 thì họ nói đã hết hạn bảo hành; còn khi đem ra tiệm sửa, anh thợ điện tử đòi tiền công 3 triệu đồng. Chưa “đắng lòng” bằng khi anh thợ điện tử phán câu: Chị mua phải hàng chợ Nhật Tảo lên đời rồi, xài 1 năm là dùng kỹ lắm rồi đó…”, chị Nhi ngao ngán nói.
Chị Hà ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, bình quân mỗi ngày nhà chị nhận từ 2 - 3 tờ rơi mời gọi mua trả góp đủ các loại mặt hàng từ ti vi, bếp gas, tủ lạnh, bàn ghế gỗ…, thậm chí trả góp gạo, mắm, muối… Chị Hà cho biết, bán trả góp về mặt nào đó rất có lợi cho người tiêu dùng thu nhập thấp khi có thêm điều kiện mua sắm trang thiết bị vật dụng cho gia đình. Tuy nhiên, trước tình trạng hàng thật giả lẫn lộn như thế này thì phần thua thiệt vẫn thuộc về người tiêu dùng, bởi không phải ai cũng đủ khả năng để thẩm định chính xác giá trị mặt hàng bán trả góp.
Người mua khó lòng khởi kiện?
Ông Trần Thanh Hải, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất bàn ghế gỗ tại TX.Thuận An chia sẻ, với mặt hàng gỗ, người có chuyên môn cao, có kinh nghiệm nhiều vẫn còn mua “hớ hàng”. Nhiều cửa hàng bán đồ gỗ trả góp đã lợi dụng đều này để trục lợi. Ví dụ bộ bàn ghế có giá gốc chỉ 5 triệu đồng sẽ được nâng lên thành 7,5 triệu đồng hay 10 triệu đồng. Dù cửa hàng không tính lãi suất nhưng thực tế số tiền lời đã được “kê lên” ngay trong giá bán. Có cửa hàng còn quy định trả trước 20 - 30% cho các mặt hàng gỗ nội thất. Chỉ cần 20 - 30% số tiền đưa trước là cửa hàng bán góp thu hồi ngay 50% vốn.
Đó là về giá cả, còn chất lượng ở một số mặt hàng như ti vi, tủ lạnh, smartphone, laptop… thì khó lòng kiểm chứng được là hàng chính hãng, hàng nhái, hàng Trung Quốc hay hàng Nhật Tảo lên đời. Khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng rất khó khởi kiện, bởi khi mua hàng trả góp ít khi nào cửa hàng ký hợp đồng, mọi giao dịch được giao cho nhân viên thu tiền góp hàng tháng. Bằng chứng duy nhất chỉ là mảnh giấy đánh dấu trả tiền góp hàng tháng chỉ có chữ ký của người mua.
Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương cho rằng, để quyền lợi không bị xâm hại khi tham gia các giao dịch mua bán trả góp, người tiêu dùng nên lưu trữ các giấy tờ, hợp đồng mua bán góp, phiếu bảo hành để bảo đảm cơ sở pháp lý khởi kiện. Người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ mặt hàng, hợp đồng ràng buộc lẫn nhau và nhất là phải chọn cửa hàng, doanh nghiệp uy tín có mặt tại Bình Dương là cách tốt nhất bảo đảm quyền lợi cho mình, tránh các sự cố xảy ra.
PHÙNG HIẾU