Căng tín dụng phi sản xuất

Cập nhật: 29-05-2011 | 00:00:00

Nhiều ngân hàng không thể đưa tỉ trọng cho vay phi sản xuất về đúng quy định bởi không thể thu hồi vốn từ cho vay bất động sản.

Tổng dư nợ cho vay tăng không đáng kể vì hạn mức tăng trưởng tín dụng bị khống chế dưới 20%/tổng dư nợ cho vay, khó thu hồi nợ… là những yếu tố khiến các ngân hàng căng thẳng trong việc giảm dư nợ cho vay phi sản xuất.

Khó thu hồi nợ bất động sản

Theo quy định của NHNN, ngày 30/6 là hạn chót các ngân hàng giảm tỉ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất (chủ yếu là cho vay bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán) xuống còn 22%/tổng dư nợ cho vay.

  Nhiều ngân hàng đang phải tăng cường thu hồi vốn vay tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản.

Trước đó, tại thời điểm quy định này được ban hành (đầu tháng 3-2011), trong số 42 ngân hàng, có 18 ngân hàng có tỉ trọng cho vay phi sản xuất trên 25% và 24 ngân hàng có tỉ trọng trên 26%.

Từ đó đến nay, các ngân hàng đồng loạt hạn chế cho vay phi sản xuất, tích cực thu hồi vốn từ khách hàng đã vay tiền đầu tư bất động sản, chứng khoán, mua sắm ô tô, vật dụng gia đình, du học…

Cán bộ tín dụng của nhiều ngân hàng cho biết việc thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, chứng khoán… không khó vì đây là các khoản vay ngắn hạn, tài sản thế chấp là các loại hàng hóa mà ngân hàng có thể nhanh chóng phát mãi để thu hồi vốn. Ví dụ, nếu người vay tiền để đầu tư chứng khoán không trả được nợ, ngân hàng sẽ thu hồi vốn từ việc giải chấp số cổ phiếu mà bên vay đã thế chấp...

Còn việc thu hồi nợ bất động sản xem ra “bất khả thi” bởi trong cơ cấu cho vay phi sản xuất, cho vay bất động sản chiếm 80% và đều là các khoản vay có thời hạn 3-5 năm, thậm chí 10 năm và tập trung vào các dự án nhà ở cao cấp nên ngân hàng không thể một sớm một chiều thu hồi vốn. Trong khi đó, thị trường nhà đất thưa thớt người mua. Chủ dự án bất động sản, nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ gần như không bán được hàng thì lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng.

Loay hoay ứng phó

Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng cần tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh để tổng dư nợ cho vay tăng lên sẽ giảm được tỉ trọng cho vay phi sản xuất. Thế nhưng, do các ngân hàng đua tăng lãi suất đầu vào lên 17%- 19% nên lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh leo lên 20%-22%/năm, đồng thời điều kiện vay thắt chặt nên không mấy doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vì thế, tổng dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng tăng thêm không đáng kể, không thể giảm nhanh tỉ trọng cho vay phi sản xuất.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM cho biết đến ngày 30-6, ngân hàng của ông chỉ có thể giảm tỉ lệ cho vay phi sản xuất xuống 25%, tức giảm được 1% so với đầu tháng 3-2011. Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết không thể đưa tỉ trọng cho vay phi sản xuất về đúng quy định.

Trước tình hình trên, một số ngân hàng đã đối phó bằng cách phối hợp với doanh nghiệp bất động sản tiếp tục cho vay sản xuất kinh doanh, trả nợ cũ để hợp thức hóa việc thu hồi nợ bất động sản giảm nhằm giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất. Trong khi đó, không ít chi nhánh của các ngân hàng ở các tỉnh lẻ mạnh tay huy động vốn với lãi suất 20%/năm, rồi biến tướng số vốn huy động được thành số tiền thu hồi từ cho vay phi sản xuất...

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại đề xuất NHNN giữ nguyên thời hạn chót giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất nhưng nâng tỉ trọng lên 24%, rồi đến ngày 30/9 còn 22% và đến hết năm 2011 là 16% để các ngân hàng có thêm thời gian đốc thúc khách hàng trả nợ.

Tuy nhiên, một quan chức của NHNN cho biết đầu tuần tới, NHNN sẽ làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại về các vấn đề liên quan đến tín dụng. Theo đó, nhiều khả năng NHNN sẽ cụ thể hóa thời hạn, tỉ trọng cho vay phi sản xuất đối với từng ngân hàng.

Theo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên