Bài 1: Hiểm họa từ việc giải quyết mâu thuẫn bằng “hàng nóng”
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí quân dụng (VKQD) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) mà còn đặt ra vấn đề tội phạm hình sự ngày càng manh động, sẵn sàng dùng mọi phương thức để gây án…
Khẩu súng bắn đạn cao su là tang vật trong vụ án giết người trên địa bàn xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo vào tối ngày 24-3 được cơ quan chức năng thu giữ phục vụ công tác điều tra
Giải quyết mâu thuẫn bằng “hàng nóng”
Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng sử dụng VKQD để giải quyết mâu thuẫn do nguyên nhân xã hội dẫn đến án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng gia tăng. Khi xảy ra các vụ việc trên, cơ quan công an (CA) đã vào cuộc điều tra và kịp thời bắt giữ đối tượng gây án, ổn định tình hình ANTT.
Điển hình vào tối ngày 24-3, CA huyện Phú Giáo nhận được tin báo tại xã Phước Hòa xảy ra vụ việc dùng súng giải quyết mâu thuẫn khiến anh Trần Quốc Th. (sinh năm 1985, ngụ xã Phước Hòa) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nhận được thông tin, CA huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị chức năng khác xuống hiện trường xác minh và truy bắt đối tượng gây án.
Qua xác minh được biết vào tối cùng ngày, bị hại Th. đến một quán ở ấp 1A, xã Phước Hòa để nhậu với bạn. Lúc về, Th. gặp Trần Bá Duẩn (sinh năm 1985, ngụ huyện Phú Giáo) đang nhậu trong quán nên ngồi lại nói chuyện. Vì có mâu thuẫn với với tài xế chạy xe tải thuê cho Duẩn cách đây 5 năm nên Th. đề nghị Duẩn chở tài xế này ra nói chuyện. Duẩn nói tài xế này đã nghỉ việc, sau đó ra xe ô tô đi về. Lúc này, Th. chạy theo gây gỗ rồi dùng cục đá nhặt được ven đường đánh vào mặt Duẫn. Bực tức, Duẩn lên xe lấy khẩu súng được đặt mua trên mạng từ trước bắn liên tiếp vào Th. khiến nạn nhân ngục ngã xuống đường. Ngay sau đó, Duẩn rời khỏi hiện trường, còn Th. được người dân đưa đi cấp cứu. Qua công tác vận động, Duẩn đã đến CA huyện Phú Giáo đầu thú, giao nộp khẩu súng gây án và khai nhận vụ việc
Cũng xuất phát từ mâu thuẫn mà Phạm Văn Cường (sinh năm 1995, ngụ TP.Thuận An) đã dùng súng bắn vào đầu vợ mình. Theo đó, Cường và chị Linh sinh sống như vợ chồng (nhưng không đăng ký kết hôn) và có 1 con chung. Hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, Cường hay đánh đập chị Linh vì những việc vụn vặt trong đời sống sinh hoạt gia đình.
Trong năm 2021, CA các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 41 vụ với 49 đối tượng chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Kết quả, đã khởi tố 7 vụ với 11 bị can; truy tố 6 vụ với 6 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ với 25 đối tượng, phạt tiền 169 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã thu giữ 27 khẩu súng các loại, gần 500 viên đạn cùng nhiều linh kiện, vũ khí thô sơ khác. |
Đến năm 2019, hai người chia tay, chị Linh nuôi dưỡng con trai. Tuy nhiên, Cường vẫn thường xuyên dọa đánh và sẽ dùng xăng đốt nhà gia đình chị Linh. Trưa ngày 2-2, chị Linh chở con đến nhà Cường tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An để chúc tết và ở lại chơi. Tại đây, Cường và chị Linh lại nảy sinh mâu thuẫn về việc nuôi con. Cường liên tục đánh chị Linh, đồng thời lấy một vật màu đen giống súng bắn 1 phát vào đầu chị Linh gây thương tích. Sau khi gây án, Cường nhanh chóng bỏ đi khỏi hiện trường, còn chị Linh được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Qua vận động, Cường đã đến CA TP.Thuận An đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trong lúc bỏ trốn, Cường đã vứt 2 khẩu súng bắn đạn cao su kèm đạn và 1 quả lựu đạn quân dụng xuống sông Sài Gòn, đoạn qua phường Lái Thiêu.
Trước đó vào cuối năm 2021, CA TX.Tân Uyên cũng đã nhanh chóng truy xét, vận động đối tượng Trần Gia Kiệt (16 tuổi, ngụ Đồng Nai) ra đầu thú khi sử dụng VKQD bắn người gây thương tích trên địa bàn phường Thái Hòa vì cho rằng có người dám “cà khịa” với bạn gái mình.
Rao bán VKQD tràn lan trên mạng xã hội
Từ các vụ việc trên có thể thấy rằng việc mua bán, tàng trữ, sử dụng VKQD, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hại cho chính bản thân và người khác. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo tình trạng trên nhưng một số người vẫn lén lút mua bán, tàng trữ VKQD, công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội. Theo đó, các đối tượng đã lập nhiều thông tin, hội nhóm trên mạng để đăng tải các bài viết kèm hình ảnh giới thiệu các loại VKQD, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... cùng với số điện thoại để khách liên hệ. Sau khi khách hàng đồng ý mua, đối tượng không gặp mặt trực tiếp mà chỉ trao đổi mua, bán qua số điện thoại là sim rác hoặc các tài khoản Zalo, Facebook ảo. Việc thanh toán tiền được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc thanh toán qua hình thức nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên giao hàng.
Thủ đoạn giao hàng cũng rất tinh vi, các đối tượng có thể gửi hàng thông qua người quen, xe khách liên tỉnh hoặc dịch vụ vận chuyển công nghệ, không ghi địa chỉ người gửi hoặc khai báo không đúng loại hàng hóa cần gửi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, hàng cấm sẽ được vận chuyển qua các công ty chuyển phát nhanh, xe ôm công nghệ, xe khách, tàu hỏa... Đối với VKQD hay vũ khí tự chế, các đối tượng có thể tháo rời từng bộ phận rồi gửi đến địa chỉ người mua theo những cách trên.
Trước thủ đoạn trên, cơ quan CA đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi mua bán VKQD, công cụ hỗ trợ trái phép. Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh đã triệt xóa một vụ mua bán VKQD, bắt giữ 4 đối tượng. Các đối tượng bị bắt giữ gồm Võ Minh Thông (sinh năm 1998); Lê Văn Đồng (sinh năm 1997); Nguyễn Hoàng Lâm (sinh năm 1989) và Lê Duy Kha (sinh năm 1995) cùng quê Cà Mau. Trước đó qua công tác theo dõi, lực lượng cảnh sát hình sự mật phục, khống chế 4 đối tượng đang di chuyển bằng xe máy tại địa bàn xã Phú An, TX.Bến Cát. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Võ Minh Thông cất giấu một khẩu súng kiểu dáng K59 và một hộp tiếp đạn cùng 5 viên đạn. Qua làm việc, các đối tượng đều thừa nhận biết trước việc Võ Minh Thông mang khẩu súng trên đi bán với giá 20 triệu đồng thì bị bắt giữ. Tiếp tục khám xét nơi ở của các đối tượng ở xã Phú An, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm một hộp tiếp đạn và 7 viên đạn quân dụng. (Còn tiếp)
Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Phước Long - Giám đốc Công ty Luật Chánh Nghĩa - Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia tỉnh Bình Dương, cho rằng tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng tác động tiêu cực đến xã hội như khiến tình trạng bạo lực gia tăng, gây mất trật tự an ninh xã hội; các tội phạm liên quan đến tính mạng con người ngày càng gia tăng, tạo điều kiệu các văn hóa phẩm bạo lực du nhập và trở nên phổ biến trong thanh thiếu niên, từ đó tác động tiêu cực đến văn hóa, gây tốn kém ngân sách, khó khăn trong công tác quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Tình trạng trên còn gây ra nhiều hệ lụy như phụ huynh không yên tâm khi con em ra khỏi nhà; nhà trường thêm khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục học sinh; các doanh nghiệp có lượng lao động tập trung lớn lo lắng về trình trạng bạo lực có thể xảy ra và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…”, luật sư Long nhận định. |
N.HẬU - T.PHƯƠNG