Dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở khu vực miền Bắc và miền Trung gây tâm lý hoang mang cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo về chủng virus H5N1 mới xuất hiện, có độc lực cao hơn trước đây. Bình Dương hiện chưa phát hiện gia cầm nhiễm bệnh nhưng với đặc trưng là cửa ngõ để đi vào địa bàn tiêu thụ lớn nhất miền Đông Nam bộ là TP.HCM nên công tác ngăn ngừa, tuyên truyền phòng tránh là hết sức cần thiết. Số lượng gia cầm trong tỉnh được bảo đảm an toàn từ khi chưa bùng phát dịch, tuy nhiên cần đề phòng nguồn lây nhiễm từ bên ngoài tới địa bàn
Cảnh giác với nguồn dịch từ bên ngoài
Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc thông thương từ miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên về miền Đông Nam bộ. Hiện khu vực này chưa phát hiện dịch nhưng là địa bàn có nhiều nguồn gia cầm vận chuyển qua lại, là địa bàn tiêu thụ lượng gia cầm lớn nhất cả nước.
Đầu năm 2012, địa bàn Bình Dương cũng đã ghi nhận một ca dương tính với cúm H5N1 ở người. Trường hợp này di chuyển và sử dụng gia cầm từ địa phương đang tái phát một số ổ dịch cúm gia cầm tới, sau khi có biểu hiện sốt cao, khó thở đã được đưa tới bệnh viện và tiến hành xét nghiệm cho thấy dương tính với cúm A/H5N1. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó có 2 người tử vong. Hiện nay, trên địa bàn cả nước, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 7 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Thanh Hóa. Trong đó, số lượng gia cầm chết và tiêu hủy lên đến hơn 180.000 con (số liệu tính đến ngày 11-9). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thông thường dịch bệnh thường bùng phát vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhưng năm nay loại virus này xuất hiện từ tháng 7 và đến tháng 8 lây lan nhanh, chủng virus thay đổi nên cần nhanh chóng nghiên cứu loại vắc-xin khác để thay thế.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện tổng đàn gia cầm của Bình Dương là khoảng 3,5 triệu con. Trong đó có hơn 1 triệu con được nuôi nhỏ lẻ và khoảng 2 triệu con được nuôi với quy mô tập trung. Vì trong một thời gian dài Bình Dương không xuất hiện dịch cúm gia cầm nên người dân bắt đầu tỏ ra lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Điều đáng lo ngại nữa là khả năng nhiễm bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với điều kiện chuồng trại và vệ sinh thú y không bảo đảm gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của cơ quan thú y.
Trước nguy cơ bùng phát đợt dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2218/UBND-KTN ngày 6-8-2012, về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Thú y cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và phối hợp với quản lý thị trường ngăn chặn hiệu quả việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; lãnh đạo các địa phương có trách nhiệm theo dõi, phát hiện và huy động lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng dập dịch khi phát hiện có ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại địa phương.
Đủ vắc-xin ngừa dịch
Trao đổi với ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục Thú y tỉnh được biết, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương luôn được tiến hành kể cả khi chưa có dịch bùng phát. Ngoài công tác tiêm phòng dịch bệnh đợt một, chi cục đã củng cố lực lượng và tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch. Các xe vận chuyển gia cầm qua các chốt kiểm dịch đều được kiểm tra về nguồn gốc của gia cầm cũng như thực hiện tiêu độc khử trùng trước khi cho tiếp tục vận chuyển. Với hơn 2 triệu gia cầm chăn nuôi tập trung thì đã tiến hành tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Bình Dương hiện có khoảng 1 triệu liều vắc-xin dự trữ để tiêm phòng
Theo ông Khang: “Đàn thủy cầm của Bình Dương không nhiều. Để có thể nuôi thủy cầm, người dân phải báo cáo với cơ quan thú y về nguồn gốc cũng như phải được sự cho phép của chính quyền địa phương. Thủy cầm tại Bình Dương chủ yếu là nuôi nhốt cho nên vấn đề quản lý được bảo đảm, chính vì vậy nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất thấp”. Hiện nay để có thể bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, Bình Dương đã dự trữ gần 1 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng, không lo ngại về vấn đề thiếu vắc-xin. Trong những năm qua, công tác tiêm phòng trên đàn gia cầm của Bình Dương luôn đạt hiệu quả cao với hiệu quả kháng thể đạt trên 70% và trên 97% tổng đàn gia cầm được tiêm. Ngay sau khi kết thúc các đợt tiêm phòng chính, lực lượng thú y còn tiếp tục thực hiện tiêm vét để bảo đảm công tác này được thực hiện đầy đủ trên đàn gia cầm. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tiêm phòng cho Chi cục Thú y cũng đang được tăng dần lên.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác kiểm soát, ông Khang cho biết, thông thường những xe tải vận chuyển gia cầm lưu thông vào địa bàn thường với số lượng lớn (gần 3.000 con/xe) nên các xe này thường có giấy kiểm dịch về lò, tuy nhiên, họ không tập kết gia cầm về lò mổ mà xé lẻ bán cho thương lái nên khó khăn trong công tác quản lý. Cần sự kết hợp từ tuyến xã, huyện về việc thành lập các điểm kinh doanh, buôn bán gia cầm tập trung để công tác kiểm dịch được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền phòng tránh cho người dân chưa được triển khai đồng bộ. Việc làm băng rôn tuyên truyền còn chậm...
Đứng trước nguy cơ bùng phát của đợt dịch mới, ông Khang khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm. Nên mua sản phẩm ở những nơi tin cậy như siêu thị hoặc chợ đã có mộc dấu của thú y. Nếu các nguồn vận chuyển gia cầm từ nơi khác tới chưa rõ nguồn gốc thì các chốt kiểm dịch cần hướng dẫn để các phương tiện này qua chốt gần nhất làm thủ tục đóng dấu phúc kiểm như trạm kiểm dịch Vĩnh Phú hoặc Tân Uyên...
Chuẩn bị tiến hành tiêm phòng vắc-xin đợt 2
Theo kế hoạch, từ ngày 15-9 đến 15-10, Chi cục Thú y Bình Dương sẽ tiến hành triển khai tiêm phòng đợt 2 trên đàn gia cầm. Để bảo đảm cho đợt tiêm phòng này đạt hiệu quả cao, công tác chuẩn bị đã được cơ quan thú y tỉnh thực hiện nghiêm túc như tập huấn cho các lực lượng tham gia tiêm phòng, kiểm tra dụng cụ, trang thiết bị... Các tổ thanh tra tiêm phòng phải được lực lượng y tế khám sức khỏe trước khi thực hiện. Và lưu ý, gia cầm sau khi tiêm phòng 14 ngày mới được sử dụng, còn trứng không bị ảnh hưởng từ vắc-xin nên có thể dùng bình thường.
Cao Sơn - Lê Thanh