Nhà kho là khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động kinh doanh và sản xuất khi có nhiệm vụ lưu trữ và bảo quản hàng hóa các loại; là nơi tập trung nguyên vật liệu, hàng hóa lớn, hầu hết là các chất dễ cháy và nguy hiểm về cháy nổ như vải, da giày, giấy, gỗ, các loại dung môi hữu cơ… Những vụ cháy gần đây liên quan đến các kho hàng hóa như hồi chuông cảnh báo trong công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại những khu vực này.
Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua các vụ cháy, nổ tại các kho hàng hóa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người..
Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, một số cơ sở chưa có sự quan tâm đúng mức về công tác PCCC. Công tác tự kiểm tra chưa được thực hiện chủ động thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng cũng như quy định, nội quy trong xử lý tình huống có cháy nổ cho cán bộ công nhân viên hoạt động, làm việc trong các kho chưa được chú trọng.
Phần lớn các kho hàng hóa đều làm bằng kết cấu khung sắt, vách, mái tôn, dễ bị sụp đổ khi xảy ra cháy, diện tích lớn được xây dựng khép kín để tránh mất mát, hao hụt hàng hóa bên trong, kiến trúc này vô tình đã cách ly đám cháy bên trong kho với môi trường bên ngoài, tạo điều kiện cho đám cháy mới phát sinh, phát triển tự do, khó phát hiện cho đến khi trở thành đám cháy lớn. Không những vậy, kiến trúc khép kín còn gây khó khăn cho công tác tiếp cận và cứu chữa đám cháy trong các kho.
Qua đó cho thấy vai trò của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp là hết sức quan trọng, vì vậy cần đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác PCCC tại chỗ. Kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong bảo đảm an toàn PCCC.
Theo ông Phan Huỳnh Thạch, Trưởng phòng An toàn Công ty DKSH Việt Nam, việc tuân thủ các quy định về PCCC là vấn đề quan trọng và thiết yếu để bảo đảm an toàn cho cán bộ công nhân viên cũng như tài sản, hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác PCCC, Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng cho rằng, các công ty, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất phải quan tâm, lắp đặt đầy đủ hệ thống, trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, bên cạnh đó, cũng phải thường xuyên tổ chức duy trì hoạt động lực lượng PCCC tại chỗ.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, tránh trước các hậu quả xấu có thể xảy ra trong tương lai, các doanh nghiệp, chủ cơ sở cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Cảnh sát PCCC. Trong đó phải thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để duy trì và tăng cường công tác thường trực, tuần tra phát hiện cháy, nổ. Khi có cháy, nổ phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ và nhanh chóng báo cháy theo số điện thoại 114.
NGUYỄN PHỤNG