Nắm bắt tâm lý muốn lấy lại số tiền đã mất của nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng, các đối tượng giả danh luật sư… với mục đích tiếp tục đưa họ “vào tròng” một lần nữa.
Quảng cáo trên mạng xã hội giả mạo tổ chức hành nghề luật sư với mục đích dẫn dụ những người từng bị lừa đảo “sập bẫy” thêm lần nữa
Thủ đoạn tinh vi
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo như: Hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa, chuyển nhầm số tài khoản, tiền “treo” trong các ứng dụng sàn thương mại điện tử... với chi phí thấp nhằm thu hút những người từng bị lừa đảo liên hệ. Các quảng cáo này không cung cấp số điện thoại mà chỉ liên lạc bằng hình thức nhắn tin qua Facebook, Zalo, Telegram...
Để tạo niềm tin, các đối tượng sẽ tự xưng là luật sư và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa nhằm mục đích thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email... nhằm thu thập dữ liệu cá nhân và thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Trong năm 2022 và 2023, Công an tỉnh đã tiếp nhận 215 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 329 tỷ đồng. Qua công tác điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 67 vụ, 9 đối tượng. |
Các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó với rất nhiều lý do khác nhau như: Cần xác minh thông tin ngân hàng hoặc tiền vốn để thu hồi tiền bị lừa đảo... Thấy số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong số tiền đã mất, nhiều người đã chuyển tiền mà không hề suy nghĩ dẫn đến “sập bẫy” lừa đảo một lần nữa.
Phương thức lừa đảo này thường nhắm vào những người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng. Một đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức này là họ thường ít khi tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế đi lại và tâm lý e ngại không dám công khai việc mình bị lừa do sợ người thân biết.
Người dân cần cảnh giác
Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng 8 phương thức, thủ đoạn như: Giả danh các cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, viễn thông; tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ; đầu tư tiền ảo; chuyển tiền nhầm; tặng quà… khiến nhiều nạn nhân mất trắng tài sản trích góp.
Đáng chú ý, một số nạn nhân nhận thức được bản thân bị lừa đảo bằng các thủ đoạn trên nhưng không nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo sự việc mà tham gia vào những hội nhóm trên MXH với mong muốn lấy lại số tiền bị chiếm đoạt. Cụ thể như trường hợp nhân viên ngân hàng khi phát hiện bị lừa 50 triệu đồng đã tham gia vào nhóm “những người cùng bị lừa đảo” để nhờ “chuyên gia” lấy lại tiền nhưng không ngờ tiếp tục bị lừa thêm 700 triệu đồng.
Đối tượng lừa đảo giả mạo luật sư Mai Tiến Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) để thực hiện hành vi lừa đảo
Việc kẻ gian lợi dụng danh nghĩa luật sư để lừa đảo khiến những người hành nghề luật sư bức xúc vì ảnh hưởng uy tín của họ. Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng Luật BigBoss law (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương), cho biết thời gian qua, những người hành nghề luật sư rất bức xúc tình trạng lợi dụng danh nghĩa luật sư để lừa đảo bằng hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý lấy lại tiền bị lừa đảo. “Ngay cả bản thân tôi cũng là nạn nhân, khi bị kẻ gian làm giả thẻ luật sư, sử dụng hình ảnh cá nhân và tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo”, luật sư Mai Tiến Luật chia sẻ.
Theo luật sư Mai Tiến Luật, để tránh bị “sập bẫy” lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý, người dân cần tìm tới trang thông tin chính thống của tổ chức hành nghề luật sư hoặc tra cứu danh bạ luật sư trên cổng thông tin đoàn luật sư các địa phương. Khi có số điện thoại của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, người dân cần liên hệ xác thực thông tin để được cung cấp thông tin đầy đủ. Đặc biệt khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến việc ký hợp đồng trợ giúp pháp lý, chuyển tiền thì phải thực hiện trực tiếp với luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư. “Khi gặp khách hàng là nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, luật sư chỉ tham vấn, tư vấn giải pháp và cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc, cùng trình tự tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng. Cũng không có luật sư nào cung cấp dịch vụ bằng các hình thức nhắn tin, gọi điện, chuyển khoản qua tài khoản cá nhân”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thêm.
Lập website, fanpage giả mạo trang của Cục An ninh mạng để lừa đảo Gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện các trang có tên “Cục An ninh mạng” hoặc “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân xử lý, lấy lại tiền bị lừa đảo. Bản chất là đối tượng lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền của các nạn nhân để khiến họ tiếp tục bị lừa chiếm đoạt tài sản tiếp. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và qua bất cứ hình thức nào. Bởi lẽ, việc lộ lọt thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa đảo tài chính, cần cẩn trọng trước các website hoặc hội nhóm MXH liên tục chạy quảng cáo, mời chào hỗ trợ lấy lại tiền đã mất. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của cơ quan công an tại phần “Liên kết website” trên cổng thông tin điện tử có địa chỉ mps.gov.vn, bocongan.gov.vn của Bộ Công an. |
NGUYỄN HẬU