Chăm lo đời sống các đối tượng xã hội

Cập nhật: 24-09-2019 | 07:53:21

 Với ý nghĩa chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thời gian qua các cơ quan chức năng trong tỉnh đã luôn nỗ lực tổ chức các chương trình, hành động giúp họ hòa nhập cộng đồng. Điều này không những khích lệ các đối tượng xã hội mà còn là thông điệp để các đối tượng phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

 Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh trao xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: T.VY

Đa dạng các hình thức chăm lo

Những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Hiện nay mức chuẩn trợ cấp nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho các đối tượng bảo trợ xã hội có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh là 340.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội được mở rộng, mức hỗ trợ nâng lên, không chỉ được hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở mà còn tham gia vào hoạt động cộng đồng. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng xã hội từng bước được cải thiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật phải kể đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm đang nuôi dưỡng 80 cụ già và 63 trẻ em. Đối với các cụ già, mỗi khi đau yếu, các cán bộ, nhân viên đều xem như những người con trong gia đình, không nề hà làm những việc như: Hỗ trợ vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, động viên, chia sẻ, giúp họ vơi đi những đau đớn, mệt mỏi của căn bệnh tuổi già…

Ông Nguyễn Bảo Thanh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: “Cùng với việc quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất, các cán bộ, nhân viên còn chú trọng giúp đỡ các đối tượng về tinh thần, xây dựng cuộc sống an vui, hạnh phúc. Nhờ vậy mà hiện nay, 100% các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được trung tâm chăm sóc chu đáo”.

Bảo đảm hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 trung tâm, cơ sở xã hội. Các trung tâm, cơ sở này đều bảo đảm quy trình tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng theo quy định của pháp luật. Hàng năm, hầu hết các đối tượng đều được cấp quần áo, chăn màn, giày dép, thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định của UBND tỉnh. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được học văn hóa, học nghề, các trẻ khuyết tật được giáo dục chuyên biệt. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng dần được nâng cao về chất lượng, mức trợ cấp được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Thời gian qua, sở cùng với các cấp, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát và theo dõi sát sao các cơ sở bảo trợ xã hội để bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chủ động khắc phục khó khăn tồn tại, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực có chuyên môn thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tiếp nhận. Một việc làm đáng ghi nhận, ở các trung tâm đã có sổ sách ghi chép công tác quản lý, theo dõi tài chính và hồ sơ cá nhân của từng đối tượng, thực hiện nhập dữ liệu và duy trì chế độ báo cáo định kỳ”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên