Chấn chỉnh tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường

Cập nhật: 05-10-2022 | 08:03:59

 Đứng ở cổng các trường THPT vào buổi sáng hoặc giờ tan học, không khó để nhìn thấy các em học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn chạy xe phân khối lớn đi học. Điều này không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

 Lực lượng CSGT Công an TX.Tân Uyên lập biên bản nhiều học sinh chạy xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi

 Vẫn còn nhiều học sinh vi phạm

Theo ghi nhận của P.V, hiện nay tình trạng chạy xe máy phân khối lớn ở học sinh khá phổ biến. Mặc dù nhà trường đã mời lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đến tận trường để tuyên truyền các quy định về Luật giao thông đường bộ, nhưng vẫn còn nhiều học sinh vi phạm.

Nói về tình trạng này, thầy Đặng Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ muốn học sinh không đi xe phân khối lớn cần phải có sự hợp tác và chung tay giữa nhà trường, gia đình và cả địa phương; phải coi việc bảo đảm an toàn cho học sinh là quan trọng hàng đầu vì đó là sinh mệnh con người, tương lai của đất nước. “Tại trung tâm giáo dục thường xuyên, với mỗi học viên đủ tuổi, trung tâm sẽ cấp cho học sinh thẻ gửi xe tại bãi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn chạy xe máy đến trường và gửi bên ngoài những bãi xe tự phát. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý vì các em có thể trốn học đi chơi. Để các em không đi xe máy phân khối lớn đến trường thì chính quyền địa phương cần kiểm soát kỹ các bãi xe tự phát coi có giấy phép kinh doanh hay không? Có bảo đảm phòng cháy chữa cháy hay không? Kiên quyết xử lý những bãi xe không đáp ứng đủ các yêu cầu này. Ngoài ra, cần có cam kết không giữ xe cho người chưa đủ tuổi để các em không “lách luật”. Bên ngoài nhà trường, những trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn nhưng không có giấy phép lái xe cần phải phạt nghiêm để răn đe. Về phía nhà trường sẽ tổ chức các tuyến xe buýt bán vé tháng để các em không tự chạy xe máy phân khối lớn không bảo đảm”, thầy Hưng nêu ý kiến.

Tại trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một), anh Trần Võ Nam Quốc, Bí thư Đoàn trường, cho biết nhà trường đưa tiêu chí bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong học sinh vào việc xét thi đua nên học sinh tuân thủ tốt, không chạy xe máy phân khối lớn. Một số trường hợp học sinh ở gần sẽ chạy xe đạp điện. Ngoài ra, nhà trường đã liên kết một số tuyến đường và tổ chức đưa đón học sinh đúng giờ, an toàn để các em không tự đi xe máy. Nhà trường có ký túc xá cho những học sinh có nhà xa ở lại nên hạn chế được việc học sinh tự chạy xe.

Cần xử phạt nghiêm để răn đe

Qua trao đổi với P.V, Trung tá Trần Phương Toàn, Phó Trưởng CA TX.Tân Uyên, cho biết để tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường đạt hiệu quả cao, trước đó CA thị xã đã tuyên truyền rộng rãi trên hệ thông loa phát thanh để người dân trên địa bàn nắm rõ. Ngoài ra, lực lượng CA cũng phối hợp với nhà trường để tuyên truyền đến học sinh và sau đó là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe.

Trong đợt cao điểm về ATGT cho học sinh, lực lượng CSGT TX.Tân Uyên đã lập biên bản 203 trường hợp với các lỗi không đủ tuổi điều khiển phương tiện; không có giấy phép lái xe hợp lệ; đi không đúng làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Qua đó đã ra quyết định xử phạt với số tiền 124 triệu đồng, tạm giữ 203 xe mô tô.

Anh Lê Quốc Anh, Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên), chia sẻ sau khi có nhiều học sinh vi phạm bị lực lượng CSGT xử phạt và gửi thông báo về nhà trường thì đến nay đã giảm hẳn tình trạng các em tự đi xe máy phân khối lớn. Một số học sinh chuyển sang đi xe đưa rước. Một số em đi xe đạp. Đây là một bước chuyển biến đáng mừng. Trong tháng 10 này, trường Huỳnh Văn Nghệ sẽ tổ chức hội thi ATGT và mỗi lớp đều phải đăng ký tiết mục tham gia. Đây là một hình thức giúp các em tìm hiểu kiến thức pháp luật về trật tự ATGT và chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó trưởng Phòng CSGT (PC08) CA tỉnh, cho biết để học sinh không đi xe máy phân khối lớn đến trường, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại các trường; kết hợp với nhà trường tổ chức ký cam kết chấp hành quy định này. Ngoài ra, lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát, lập biên bản vi phạm hành chính sẽ gửi thông báo các trường hợp vi phạm về nhà trường để phối hợp giáo dục xét thi đua. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, khi đến làm thủ tục xử phạt sẽ cho học sinh ký cam kết không vi phạm; phụ huynh ký cam kết không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi. Song song đó cần tăng cường các chương trình phát thanh ở cơ sở, tại nhà trường để nâng cao ý thức chấp hành ATGT trong học sinh, sinh viên.

 Từ ngày 1-9 đến 30-9, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện được 32 buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT, thu hút 28.780 học sinh, 560 giáo viên tham gia; tổ chức ký 85 bản cam kết chấp hành các quy định về ATGT cho học sinh, giáo viên; trao 330 mũ bảo hiểm cho học sinh.

Theo Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.  

 QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên