Theo hãng tin CNN, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 29-10-2013, tướng Keith Alexander - Giám đốc NSA - tuyên bố cơ quan không nghe lén người dân châu Âu mà thật ra chính các cơ quan tình báo đồng minh thu thập siêu dữ liệu về các cuộc điện thoại rồi sau đó chia sẻ với chính quyền Mỹ nhằm giúp bảo vệ (binh lính của họ) ở các vùng chiến sự. Điều đó cho thấy cộng đồng tình báo châu Âu dính líu sâu vào chiến dịch do thám toàn cầu của NSA.
Tiết lộ này tiếp tục tạo thêm cơn bão khác trong khi giới lãnh đạo châu Âu còn đang bối rối trước thông tin về việc chính quyền Mỹ gián điệp hàng chục lãnh đạo trên thế giới bao gồm cả các đồng minh thân cận nhất ở châu Âu.
Trong thời gian gần đây, báo chí châu Âu liên tục đưa tin về việc NSA thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại của công dân Pháp, Tây Ban Nha và Italia. Theo tờ Le Monde của Pháp, các tài liệu Edward Snowden tiết lộ cho thấy hơn 70 triệu cuộc gọi điện thoại của người dân nước này thực hiện giữa tháng 12-2012 đến tháng 1-2013 đã bị NSA thu thập.
Giám đốc NSA Keith Alexander (thứ 2 từ trái sang) tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 29-10-2013
Tờ El Mundo của Tây Ban Nha cũng đưa tin NSA thu thập dữ liệu hơn 60 triệu cuộc gọi của người dân nước này trong khoảng cùng thời gian. Trong khi đó, giới chức chính quyền Mỹ tuyên bố dữ liệu cung cấp cho NSA nằm trong khuôn khổ những thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia đồng minh ở châu Âu.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, tướng Keith Alexander khẳng định dữ liệu cuộc gọi điện thoại mà NSA có được là do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thu thập từ bên ngoài biên giới các quốc gia châu Âu và sau đó chia sẻ với cơ quan tình báo nhằm mục đích "bảo vệ các quốc gia chúng ta và hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự".
Trước đây, Mỹ luôn im lặng về vai trò của các đối tác châu Âu trong nỗ lực hợp tác tình báo nhằm bảo vệ mối quan hệ với đồng minh. Chính quyền Pháp từ chối bình luận về vấn đề này. Trong khi giới chức chính quyền Tây Ban Nha cho biết, sự hợp tác tình báo của nước này với NSA chỉ giới hạn trong các chiến dịch ở Mali, Afghanistan và một số chiến dịch quốc tế chống các nhóm thánh chiến Hồi giáo.
Hình ảnh thể hiện chiến dịch gián điệp của tình báo Pháp
Mặc dù vậy, những tiết lộ về sự hợp tác của tình báo châu Âu với NSA cũng gây sự phẫn nộ của người dân đối với giới lãnh đạo châu Âu từng chỉ trích các chương trình nghe lén của tình báo Mỹ.
Tờ Le Monde cho biết, các cơ quan tình báo Pháp hợp tác "rất chặt chẽ" với NSA và đối tác Anh - Cơ quan Tình báo tín hiệu GCHQ. Tờ báo cũng tiết lộ sau những cuộc bàn luận vào tháng 11-2006, mối quan hệ giữa NSA và Cơ quan Tình báo Pháp DGSE đã bước vào "quy mô mới".
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp gây sức ép buộc tướng Keith Alexander và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper giải trình về vụ nghe lén những cuộc điện đàm của các nguyên thủ thế giới, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel (được cho là bị nghe lén từ năm 2002).
James Clapper cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ gián điệp các mục tiêu ưu tiên do tổng thống đặt ra và họ không cần thiết phải cung cấp thông tin chi tiết cho các quan chức cao cấp về các chiến dịch gián điệp cũng như Nhà Trắng chỉ được xem kết quả báo cáo cuối cùng.
Hôm 29-10-2013, giới chức Mỹ cũng đề cập đến vụ Cơ quan Tình báo Đức BND thu thập dữ liệu 300 số diện thoại của công dân Mỹ được tiết lộ vào năm 2008 gây nghi ngờ chính quyền Đức nghe lén tại Mỹ.
Theo CAND