Nếu đã có khái niệm “các quốc gia mới nổi” thì “châu lục mới nổi” chính là cách để gọi một châu Phi đang chuyển mình. Từ mục tiêu trở thành thị trường “outsourcing” (gia công bên ngoài), châu Phi đã nhanh chóng kết hợp công nghệ thông tin của thời đại để hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế của khu vực này.
Đẩy mạnh “outsourcing”
Một trong những sự chuyển mình đáng chú ý của châu Phi là tạo hướng rẽ để thu hút nhiều nhà sản xuất, đầu tư nước ngoài nhằm biến nơi này thành một thị trường “outsourcing” mới, lĩnh vực được Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia có nền kinh tế mới nổi - khai thác tốt. Hiện nay, châu Phi vẫn là khu vực có tăng trưởng GDP thấp so với khu vực khác, chỉ khoảng hơn 4%. Tỷ lệ thất nghiệp của châu Phi cũng thuộc loại cao nhất. Vì vậy, dịch chuyển gia công ra bên ngoài đang được nhìn nhận là hoạt động kích thích sự phát triển đội ngũ lao động và tạo thêm việc làm cho người dân châu Phi với lợi thế tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha.
Nhân viên làm việc tại KenCall.
Kenya là một trong những quốc gia châu Phi tích cực tìm kiếm sự chuyển mình ở lĩnh vực này. Từ năm 2006, các quan chức Kenya đã bắt đầu chiến dịch tiếp thị hình ảnh đất nước phía Đông châu Phi này cho các công ty đa quốc gia như là một điểm đến cho gia công bên ngoài. Kenya với 2/3 trong số 32 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ, đang tạo điều kiện tốt cho các công ty nước ngoài tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ tại đây, và là một trong những mục tiêu kích thích sự phát triển nền kinh tế còn yếu kém này.
Bộ Công nghệ thông tin Kenya cũng đã phát động chiến dịch tạo ra hàng chục ngàn việc làm mỗi năm bằng việc thiết lập các trung tâm gia công bên ngoài tại 3 trường đại học và tại nhiều công ty công nghệ thông tin lớn trong nước. Theo đó, chương trình này sẽ cung cấp nguồn lao động cho các công ty chuyên làm gia công về công nghệ thông tin và hỗ trợ công nghệ, quản trị và huấn luyện doanh nghiệp trong khóa học kéo dài 3 tháng liên tục trong năm.
Ấn tượng nhất đối với thị trường outsourcing của Kenya nói riêng và của châu Phi nói chung là trung tâm chuyên trách liên hệ với khách hàng KenCall. Đây được đánh giá là trung tâm hoạt động dưới hình thức outsourcing thành công nhất ở Kenya khi đảm đương được dịch vụ chất lượng cung cấp cho nhiều khách hàng lớn trên toàn cầu.
Nhu cầu phát triển thành một thị trường outsourcing lý tưởng đã tạo động lực hòa nhập với thế giới công nghệ của người dân châu Phi, từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tích cực đến các mặt khác của kinh tế - xã hội châu Phi.
Công nghệ kết nối châu Phi
Stefan Magdalinski, Giám đốc Công ty Thiết kế điện thoại di động Mocality, là một trong những người góp phần tạo nên cầu nối quan trọng để châu Phi đến gần hơn với những khách hàng tiềm năng của mình. Trong khi dịch vụ outsourcing của các ngành dịch vụ mà châu Phi đang hướng đến đòi hỏi một hệ thống mạng thật sự ổn định thì chính Stefan Magdalinski đã đưa ra một kế hoạch khá thức thời. Ông đã đưa ra bản đồ mô tả hệ thống 14 đường dây cáp quang dưới biển, nối dịch vụ internet của châu Phi với các nhà cung cấp dịch vụ tại châu Âu và châu Á vào giữa năm 2012.
Với hệ thống này, tốc độ truy cập internet của châu Phi sẽ tăng gấp 3 lần so với tốc độ hiện nay. Khi được đưa vào sử dụng, hệ thống cáp quang dưới biển không chỉ giúp nâng cao tốc độ truy cập của người dân, mà còn giúp giảm chi phí truy cập internet. Ngoài ra, nó còn giúp giảm chi phí truy cập internet qua điện thoại di động.
Ngoài mục đích trên, một mục đích quan trọng mà doanh nhân này muốn đạt được chính là thiết lập cơ sở dữ liệu kinh doanh trực tuyến lớn nhất tại châu Phi, một hình thức outsourcing ứng dụng công nghệ thông tin. Ông đã tận dụng đồng thời hai công cụ của thời đại, đó chính là sự tiện ích của điện thoại di động và sự bùng nổ nhu cầu băng thông rộng. Điều này được hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến lớn đối với mặt bằng chung người dân châu Phi vẫn còn tụt hậu khá xa so với những châu lục khác về khả năng và mức độ tiếp cận các công nghệ truyền thông của thời đại.
Theo thống kê của Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU), số người dùng internet tại châu Phi chiếm chỉ chưa đầy 10% dân số (ở châu Âu là 65%). Châu Phi được đánh giá là thị trường phát triển điện thoại di động nhanh nhất thế giới, với số thuê bao điện thoại di động hiện đã lên tới 333 triệu thuê bao (tăng gần gấp 4 lần so với cách đây 5 năm).
Thị trường viễn thông tiềm năng
Các tập đoàn viễn thông quốc tế ngày càng quan tâm đến thị trường châu Phi tiềm năng chưa được khai thác, do đó sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài và khu vực để giành các cơ hội kinh doanh trên thị trường béo bở này trở nên quyết liệt hơn. Trong những năm gần đây, công ty điện thoại hàng đầu Nam Phi Vodacom và công ty điện thoại cố định lớn nhất nước này là Telkom cùng với các công ty viễn thông quốc tế khác đang trở thành những yếu tố quan trọng kích thích thị trường châu Phi phát triển.
Gần đây, Telkom và Vodacom đã mua lại một số công ty cung cấp các dịch vụ liên kết nối hệ thống viễn thông châu Phi. Trong khi đó, Công ty viễn thông France Telecom (Pháp) đang mở rộng ra ngoài thị trường của họ ở vùng Tây Phi nói tiếng Pháp bằng cách đưa thương hiệu điện thoại di động Orange vào Uganda, thuộc khu vực châu Phi nói tiếng Anh.
Theo Giám đốc Bộ phận Phát triển quốc tế của Orange, Anne Bouverot, đây là một cơ hội tốt đối với France Telecom, vì số người sử dụng điện thoại di động ở hiện chỉ chiếm 17% dân số. Với một số dân khá lớn và nền kinh tế tăng trưởng mạnh, Uganda đã trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng hứa hẹn. Tuy nhiên, France Telecom (đang có thị trường ở 16 nước thuộc Nam sa mạc Sahara, châu Phi) sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn viễn thông châu Phi như MTN, Celtel, Uganda Telecom. Đầu tư vào Uganda là bằng chứng cụ thể đầu tiên trong tham vọng mở rộng vào châu Phi của France Telecom.
Tháng 8 vừa qua, Tổ chức Phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) đã ký hiệp định với Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi nâng cao quan hệ đối tác và hợp tác giữa UNIDO với châu lục này. UNIDO muốn hỗ trợ các nước châu Phi phát triển công nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy cuộc chiến giảm đói nghèo, nhằm đưa các nền kinh tế châu Phi hòa nhập tiến trình cạnh tranh hiệu quả hơn trong thời kỳ toàn cầu hóa. Những dự án của UNIDO ở châu Phi hướng đến là phát triển công nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn sử dụng các nguồn năng lượng gió, nhiệt mặt trời, khí gas sinh học, thủy điện, quang điện của châu Phi.
Theo SGGP