Đó là nhận định của Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khóa XIII, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I về gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ vừa thông qua và đang trình Quốc hội xem xét. Theo ông Tín, “chỉ có” 29.000 tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay là rất thiết thực đối với DN...
- Ông có thể nói gì về chương trình “giải cứu” DN với tổng quy mô hỗ trợ lên tới 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua và đang trình Quốc hội xem xét?
- Theo tôi, chúng ta không nên coi đây là gói “giải cứu” mà chỉ nên gọi là gói hỗ trợ thôi, vì năm 2009 Chính phủ đã thực hiện gói kích cầu lên đến trên 150.000 tỷ đồng để “giải cứu” DN, trong khi tình hình năm nay khó khăn hơn rất nhiều. Mặc dù “chỉ có” 29.000 tỷ đồng chứ không phải “lên tới” 29.000 tỷ đồng, nhưng đương nhiên vẫn có ích và rất thiết thực cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, bởi rất nhiều DN trong số này đang trên bờ vực phá sản, phải dừng sản xuất...
Gói hỗ trợ sẽ giúp DN có thêm động lực để duy trì, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương
- Với góc nhìn của một doanh nhân, ông có thể phân tích DN sẽ được hỗ trợ cụ thể những gì từ gói hỗ trợ này?
- Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng này bao gồm thuế VAT phải nộp trong quý II sẽ được giãn thêm 6 tháng và giảm 30% thuế TNDN của năm 2012 nếu được Quốc hội phê duyệt. Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất giảm 50% tiền thuê đất của DN thương mại, dịch vụ hoạt động trên địa bàn trong năm 2012. Các hộ kinh doanh nhà trọ sinh viên và một số đối tượng kinh doanh khác cũng sẽ được miễn thuế khoán, thuế môn bài... Như vậy, bên cạnh việc được giãn thời gian nộp VAT và giảm thuế TNDN, có nghĩa là Nhà nước cho vay không tính lãi trong một khoản thời gian ngắn, nhưng tất cả các chính sách này đều rất quý đối với cộng đồng DN hiện nay.
- 5 nhóm giải pháp cũng đã được Chính phủ đưa ra trong gói hỗ trợ này. Theo ông như vậy đã đủ “liều lượng” để cứu các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay chưa?
- Khó thể nói là đủ “liều lượng” hay chưa vì chúng ta không có đủ số liệu để tính toán. Nhưng theo tôi, nếu theo cách tính của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương thì tổng cầu sẽ chỉ tăng 0,8% nhờ thực hiện các giải pháp này. Một con số cho dù quý giá, nhưng có vẻ vẫn còn quá ít!
- Nhiều DN cho rằng, việc giãn phí, thuế, thật ra là Nhà nước mới chỉ cho DN nợ trả sau, điều đó cũng không giúp gì nhiều cho DN, ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?
- Tôi không cho là như vậy. Mọi hỗ trợ vào lúc này đều rất quý. Trên thực tế, khi tổng cầu tăng lên thì DN cũng có thêm khả năng tiêu thụ lượng hàng tồn đang rất lớn, đồng thời duy trì được sản xuất và giữ được việc làm cho người lao động.
- Khó khăn lớn nhất của DN nói chung hiện nay là lãi suất và đầu ra của sản phẩm, tuy nhiên trong các nhóm giải pháp này chưa cho thấy các chính sách đi vào giải quyết các khó khăn này. Theo ông, lãi suất cần phải giảm thế nào mới cứu được DN và bài toán đầu ra của DN và cần có thêm những chính sách kích cầu nào?
- Khi tăng cầu thì sẽ góp phần giải quyết bài toán tồn kho và giải pháp của Chính phủ đã đề cập đến việc tăng cầu này. Còn lãi suất chỉ có thể giảm khi lạm phát giảm. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm đạt dưới 10% thì khả năng lãi suất còn khoảng 12% vào cuối năm là điều có thể mong đợi. Tuy nhiên, lãi suất để bảo đảm DN hoạt động có lãi cần dưới 12%/năm. Còn nói cần thêm chính sách thì tôi cũng mong muốn Nhà nước có thêm các cơ chế để bảo lãnh cho các DN không có tài sản thế chấp nhưng có phương án kinh doanh tốt có thể vay được vốn, bởi đây cũng là một giải pháp kích cầu. Ngoài ra, nếu có một quỹ quốc gia bảo lãnh cho người lao động vay tiền mua nhà cũng là một giải pháp tốt...
- Xin cám ơn ông!
Ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử T&T (kcn Sóng Thần): Không chỉ cứ đổ tiền vào là giải quyết được khó khăn cho DN
Với gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ, trong đó chủ yếu là giãn thời gian đóng thuế VAT và giảm thuế TNDN thật ra không giúp gì nhiều cho DN. Nếu được miễn hẳn 10% thuế VAT thì sẽ tốt hơn vì DN có thể bán hàng hóa với giá thấp hơn hiện tại. Còn việc giảm 30% thuế TNDN cũng chỉ giúp cho những DN nào có lãi mà thôi, nhưng một khi đã có lãi thì DN đó không yếu đến mức cần được hỗ trợ; còn những DN không có lãi, đang phá sản hay dừng sản xuất thì không được hưởng lợi gì từ chính sách này!
Không phải cứ đổ tiền vào là có thể giải quyết được khó khăn cho DN. Vấn đề là Chính phủ làm sao kéo được lãi suất xuống, từng bước tạo được chính sách tiền tệ sạch, ổn định nhằm giúp DN phát triển.
Đàm Thanh (ghi)
THÀNH SƠN (thực hiện)