Gọi họ là những đôi vợ chồng hay những đôi tình nhân đều được. Bởi họ đến với nhau để san sẻ, bù đắp cho nhau những thua thiệt của mình. Thân hình không lành lặn nhưng tâm hồn luôn lai láng một niềm yêu. Đó cũng là cảm nhận của tôi khi đến thăm những cặp đôi ở Trại phong Bến Sắn, huyện Tân Uyên... Ông bà Điểu Bom - Huỳnh Thị Hồng
Tình yêu chắp cánh thi ca
Khi chúng tôi đến thăm, vợ chồng nhà thơ Đơn Phương đang có nhà. Mà họ cũng ít khi đi đâu khỏi “túp lều lý tưởng” của mình trong ngôi nhà chung của trại phong này. Cái nóng hầm hập như hun nóng thêm căn nhà nhỏ, thấp lè tè và nghèo đến đơn sơ. Vậy mà ông bà đang nói chuyện gì đó với nhau và cười đùa rất vui. Hiện thực cuộc sống như là không quan trọng gì với đôi vợ chồng này.
Ông Đơn Phương kể về người vợ của mình bằng một sự âu yếm pha lẫn hàm ơn! Bởi có mấy người bình thường dám... gá nghĩa với người bệnh phong mà dân gian thường “nói quá lên là bệnh hủi!”. Vậy mà bà theo ông. Từ khi ông còn ở TP.HCM cho đến khi về trại phong ở Tân Uyên này. Có người bầu bạn sớm hôm, ông bớt cô đơn để làm thơ, để vui sống. Con suối cạn trước nhà hóa thành suối mơ mới đúng là... hồn thơ lai láng thật! Tôi bước qua cái cổng nhà ông, vào khu vườn này bỗng thấy như ở đây thời gian và không gian đều ngừng đọng.
Bây giờ, những đứa con của họ đã khôn lớn, trưởng thành và có cuộc sống riêng, ông bà vẫn sống với nhau trong cảnh nghèo khó với sự trợ cấp, đùm bọc của xã hội. “Gạo thì có người cho. Cần ít tiền mua thức ăn là được chứ có gì đâu phải lo toan!”. Họ yêu nhau và sống an nhiên như thế... Điều họ cần là luôn được ở bên nhau. Điều quan trọng hơn nữa cho Đơn Phương là có bà, ông không “đơn phương” nữa mà tiếp tục làm thơ, in thơ với những vần yêu thương như thế này đây: Trông em thoắt dáng thiên thần / Ta như suýt nữa mấy lần hồn bay / Phép chi thu ngắn đường dài / Bay lên ta bẻ trăng cài tóc em (bài Em). Và trong bài: Đường chiều thì ông viết: Bóng em trải giữa đường chiều / Vô tình để rớt ít nhiều hương thơm / Tóc se thành chổi anh gom / Gom luôn ý vị từ hồn em rơi...
Và tình yêu nương tựa tuổi già...
Chiều chiều ở Trại phong Bến Sắn ai ghé qua thăm còn thấy “đôi bạn già” Điểu Bom (người S’tiêng) và bà Huỳnh Thị Hồng. Họ cùng chung cảnh ngộ. Bệnh tật làm họ không lành lặn nên tâm hồn tìm đến nhau. Vào đây, gặp nhau và họ tự nguyện đến với nhau để có bầu có bạn. Thanh bình là cảm giác của tôi khi đến đây dù rằng cuộc sống họ cũng như nhiều gia đình bệnh nhân phong ở đây còn khó khăn, vất vả. Khi tôi hỏi chuyện và đưa máy lên chụp hình, ông cười rất tươi còn bà dường như e thẹn... Họ vui vẻ bắt chuyện với mọi người. Ông Điểu Bom cười tươi chào vị bác sĩ nhân hậu cùng đi với chúng tôi mà có lẽ, họ coi như là ân nhân của mình. Theo giới thiệu của bác sĩ Lê Văn Trước, nguyên Giám đốc Trại phong Bến Sắn (sau ngày nghỉ hưu ông tiếp tục tình nguyện làm việc ở đây) thì ông bà Điểu Bom - Huỳnh Thị Hồng “cùng là người ở trại phong và “gá nghĩa” với nhau để có bạn già ấy mà!”... Sống để yêu thương nhau và họ, những “đôi bạn” ở trại phong này đã sống như thế!
QUỲNH NHƯ