Theo Quyết định 2036/ QÐ-BTTTT của Bộ Thông tin -Truyền thông (TT-TT), từ 11-2-2017 chính thức triển khai chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trên cả nước. Việc chuyển đổi được chia thành 3 giai đoạn, Bình Dương nằm trong số 46 tỉnh, thành phố cuối cùng thực hiện chuyển đổi từ ngày 17-6- 2017. Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Độ (ảnh), Giám đốc Trung tâm Kinh doanh (TTKD) VNPT - Bình Dương.
- Ngày 11-2-2017, 13 tỉnh, thành đầu tiên đã khởi động chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Riêng thời gian chuyển đổi tại địa bàn tỉnh Bình Dương như thế nào, thưa ông?
- Theo Quyết định số 2036/ QĐ-BTTTT của Bộ TT-TT ngày 21-11, các tỉnh, thành trên cả nước sẽ chuyển đổi mã vùng viễn thông. Việc chuyển đổi mã vùng được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: bắt đầu từ 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố; giai đoạn 2: bắt đầu từ 15-4-2017 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố; giai đoạn 3: từ 17-6-2017 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố cuối cùng. Riêng 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên mã vùng.
Theo kế hoạch đã được Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT - VinaPhone ban hành, thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại Bình Dương thực hiện vào lúc 00 giờ 00 phút ngày 17-6-2017, với mã vùng cũ từ 650 sang mã vùng mới 274. Thời gian quay số song song bắt đầu lúc 00 giờ 00 phút ngày 17-6-2017 và kết thúc vào 23 giờ 59 phút ngày 16- 7-2017.
- Vậy, đâu là lý do của việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trong thời điểm này? Về kế hoạch thực hiện chuyển đổi tại địa bàn tỉnh Bình Dương ra sao, thưa ông?
- Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) có nhiều lý do để quy hoạch lại kho số viễn thông, tối ưu sử dụng nguồn tài nguyên kho số. Đặc biệt, việc chuyển đổi còn đáp ứng và tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng trong quá trình liên hệ giữa các tỉnh, thành phố với nhau sau các đợt tách tỉnh trong 10 năm qua từ 2006 đến nay. Do trong quá trình chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán. Ví dụ, trước đây tỉnh Sông Bé có mã vùng là 65, khi tách thành hai tỉnh thì Bình Dương có mã vùng là 650 và Bình Phước là 651.
Hiện trạng mã vùng và mã mạng cố định cũ tính đến nay và không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tỉnh Bình Dương nằm ở giai đoạn thứ 3 của kế hoạch chuyển đổi. Hiện tại, TTKD VNPT - Bình Dương và VNPT Bình Dương chuẩn bị theo kế hoạch chung rất nghiêm ngặt của Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty VNPT-VinaPhone.
Các công tác chuẩn bị bao gồm: Triển khai các công tác truyền thông đến khách hàng qua các phương tiện thông tin đại chúng (thư ngõ, paner, tờ rơi, giấy báo cước…) và các báo, đài phát thanh địa phương. Chúng tôi cũng triển khai phương án khai báo kỹ thuật và lập trình hệ thống tính cước mạng cố định phục vụ đổi mã mạng cố định; triển khai quay số song song trong giai đoạn đầu.
- Thưa ông, khi Quyết định 2036/QĐ-BTTTT được ban hành có ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là doanh nghiệp?
- Ðến nay, Bình Dương có khoảng 90.000 thuê bao điện thoại cố định, bao gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao điện thoại cố định, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ thay đổi mã vùng cũ (650) về mã vùng mới (274). Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong tỉnh) không có gì thay đổi. Một số thuê bao cố định sẽ có ảnh hưởng nhưng không lớn lắm, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp từ việc thay đổi lại mẫu bao bì, hộp thư, bảng hiệu.
Ngay khi có quyết định chuyển đổi mã vùng, chúng tôi đã thông báo kế hoạch cụ thể để các đơn vị chủ động chuyển đổi trong in bao bì và thông tin đến khách hàng của doanh nghiệp. Mặt khác, lộ trình chuyển đổi cũng mở ra quy định nhằm giảm thiểu tối đa sự tác động ảnh hưởng tới xã hội, người dân và doanh nghiệp. Ðó là trong 1 tháng, các số máy điện thoại vẫn được đấu dùng song song mã vùng mới hoặc cũ, sau ngày 16-7-2017 mới hoàn toàn chuyển sang mã vùng mới. Khi quay số song song, hệ thống liên lạc sẽ duy trì âm thông báo cho biết mã vùng đã bị thay đổi và đề nghị người dân gọi theo mã vùng mới theo hướng dẫn.
- Các doanh nghiệp viễn thông đã chuẩn bị như thế nào cho việc chuyển đổi này, thưa ông?
- Là nhà cung cấp dịch vụ chiếm trên 90% thị phần thuê bao điện thoại cố định trên toàn quốc, VNPT đang triển khai nhiều phương án kỹ thuật trên nhiều hệ thống tổng đài cố định, di động, hệ thống tính cước nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác đổi mã đối với thuê bao cố định, thuê bao Gphone. Dưới sự chủ trì của Bộ TT-TT, VNPT và các nhà cung cấp điện thoại cố định khác đang tích cực phối hợp trong quá trình chuyển đổi nhằm bảo đảm quyền lợi khách hàng. Để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ việc chuyển đổi sẽ được bố trí thực hiện vào ban đêm và diễn ra trong thời gian rất ngắn. Trong 30 ngày đầu khách hàng có thể sử dụng song song số cũ và số mới. Trong 30 ngày tiếp theo, khi bấm vào số cũ khách hàng sẽ được thông báo mã vùng mới để thực hiện bấm số lại.
- Xin cảm ơn ông!
THIÊN LÝ(thực hiện)