Chiến công thầm lặng

Cập nhật: 20-03-2019 | 08:15:41

(Trích hồi ký “Một thời tuổi thơ không yên bình”)

 Sáng nay (20-3) Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương - Bình Phước và Câu lạc bộ cán bộ Đoàn Sông Bé - Bình Dương - Bình Phước tổ chức họp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2019) và liên hoan gặp gỡ cán bộ Đoàn Sông Bé - Bình Dương - Bình Phước qua các thời kỳ. Nhân dịp này, tác giả Danh Lam (Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) gửi đến Tòa soạn Báo Bình Dương đoạn trích nói về một kỷ niệm khó quên khi làm công tác Đoàn trong cuốn hồi ký “Một thời tuổi thơ không yên bình” của ông. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 ... Sau lễ kết nạp Đoàn xong là tới thủ tục công bố thành lập chi đoàn, chỉ định bí thư chi đoàn (lúc này Đoàn có tên là Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt nam), tất cả các thủ tục chỉ công bố bằng miệng, thậm chí việc chứng kiến, xác nhận của cấp ủy địa phương cũng qua mấy câu nói của anh Út Cao là xong, tuyệt nhiên không có một mảnh giấy nào cả. Vì là tổ chức đặc biệt, mật nên được mang mật danh là K5. Tổ chức đặc biệt này đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh đoàn và thường trực cấp ủy thị xã lúc đó. Hoạt động của tổ chức này khá đa dạng nhưng ai làm việc gì chỉ người ấy biết và chỉ báo cáo trực tiếp với người giao việc, đó là các việc về an ninh, các trận đánh của nhóm biệt động chúng tôi, còn các hoạt động về phong trào học sinh, sinh viên đều do tôi (Bí thư Chi đoàn K5) báo cáo. Các báo cáo này có lúc về căn cứ báo cáo trực tiếp bằng miệng với anh Tư Hoàng, đôi khi báo cáo và nhận chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Bí thư Thị ủy, thi thoảng cũng có báo cáo bằng giấy nhưng viết bằng mực hóa học, gửi qua hòm thư mật. Chính vì việc ai làm người đó biết và chỉ báo cáo trực tiếp với người giao việc nên khi người giao việc hy sinh thì chiến công của người thực hiện sẽ bị mai một, bị lãng quên theo thời gian, đó là trường hợp của Tư Quân.

Tư Quân là một thanh niên ở xóm Lò Lu, Tương Bình Hiệp khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, tham gia làm du kích mật của xã và có tham gia một trận đánh của nhóm biệt động chúng tôi. Trận ấy đã tiêu diệt một tên cán bộ tình báo, an ninh của Tiểu khu 32 Bình Dương. Tên này hoạt động vùng Tân An, Tương Bình Hiệp và đã gây khá nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng ở trong vùng, nên cách mạng yêu cầu phải trừ khử mối hiểm họa này. Kế hoạch đã vạch ra cho nhóm biệt động nhưng hai tháng trôi qua mà chưa làm gì được vì tên này quá ranh ma. Hắn đi lại, ăn, ngủ không theo quy luật nào cả. Hắn có một vợ bé nhà ở xóm cầu Rạch Nai. Ban chiều, thấy hắn ghé vào nhà, khuya nhóm biệt động tới định xông vào thì mới hay hắn đã về Tiểu khu 32 trước đó vài tiếng đồng hồ rồi! Một buổi chiều kia có một bữa tiệc nhậu của một nhà người hàng xóm gần nhà vợ bé tên này, Tư Quân được chỉ định tham gia vào cuộc nhậu này. Trong lúc đang say sưa bù khú với nhau thì Tư Quân lẻn ra sân hốt một nắm cát bỏ vào bình xăng chiếc xe gắn máy của hắn. Cuộc nhậu đang vào lúc cao trào, ai trong người cũng chứa gần nửa lít rượu đế thì hắn cáo lui, khập khoạng bước ra sân khởi động máy chiếc xe nhưng đạp hoài mà máy không nổ. Hắn đành dắt bộ qua nhà cô vợ bé và đêm nay chắc là phải ngủ lại ở đấy thôi. Thế là khuya hôm đó tổ biệt động (trong đó có Tư Quân) bí mật kéo tới bao vây ngôi nhà. Tư Quân gọi cửa. Nghe tiếng người quen cùng nhậu ban chiều nên hắn mở cửa nhưng vẫn cảnh giác, trên tay lăm lăm khẩu Colt 45 bước ra. Trong bóng đêm mờ mờ, hắn nhìn thấy không chỉ có Tư Quân mà còn có vài người khác nữa, lập tức hắn nhảy một cái rẹt ra phía bờ rạch, không chần chừ một giây nào nữa, loạt AK nổ giòn kết liễu tên ác ôn.

Chiến công này đã được ghi vào công trạng tuyên dương xã Tương Bình Hiệp là xã anh hùng. Thế nhưng không ai biết đến Tư Quân là ai cả! Tôi thì biết rất rõ nhưng không phải người chỉ huy trực tiếp giao việc nên không xác nhận được việc này. Sau giải phóng, Tư Quân không tiếp tục công tác mà về làm ăn, cưới vợ sinh con như bao người bình thường ở cái xứ Tương Bình Hiệp này. Đứa con trai đầu lòng của Tư Quân được đặt tên là Trần Chiến Công để ghi nhớ và tự vinh danh cho chiến công của mình mà không ai biết đến vậy!

Đấy là một trong những trường hợp oái oăm trong thời chiến tranh có thành tích vẻ vang nhưng không được vinh danh, vì đó là “chiến công thầm lặng” và nguyên tắc bí mật, người giao việc đã hy sinh, người biết việc như tôi lúc đó cùng tham gia nhưng nhiệm vụ chính của tôi lại là công tác khác, công tác trong phong trào học sinh, sinh viên nội ô thị xã nên đành chịu oái oăm thôi...!

 DANH LAM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=339
Quay lên trên