Chính quyền, công sở thân thiện: Mô hình chính quyền của dân, do dân, vì dân 

Cập nhật: 18-07-2015 | 08:17:02

 

Trong ngày làm việc hôm qua (17-7), kỳ họp lần thứ 16 HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục chất vấn đối với ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ về việc thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, hiệu quả trong việc cải cách hành chính công và nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác cải cách hành chính...

Mở rộng thí điểm mô hình Chính quyền, công sở thân thiện

Trả lời câu hỏi được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm về hiệu quả thí điểm xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, ông Mai Sơn Dũng cho rằng, việc xây dựng mô hình này thực chất là sự gắn kết hệ thống và làm nền tảng cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động chính quyền, cơ quan Nhà nước, trong đó tập trung thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), quy chế dân chủ, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử... Qua đó, xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) Nhà nước thực sự là công bộc của dân.

Ông MAI SƠN DŨNG, Giám đốc Sở Nội vụ: “Trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, văn hóa ứng xử, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng… để góp phần nâng cao chỉ số PAPI”.

Theo ông Dũng, trong thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ kết hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố triển khai thí điểm 5 đơn vị gồm: UBND xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), UBND phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một), Phòng Quản lý Đô thị TX.Thuận An, Phòng LĐ- TB&XH TX.Bến Cát và Kho bạc Nhà nước huyện Dầu Tiếng. Từ những thành công của các mô hình thí điểm, đến tháng 4-2015, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1339/UBND-VX về việc mở rộng thí điểm xây dựng “Chính quyền, công sở thân thiện”. Đến nay đã có thêm 29 đơn vị, địa phương đăng ký xây dựng thí điểm, nâng tổng số đơn vị, địa phương lên 34 đơn vị, địa phương thực hiện, trong đó có 17 UBND cấp xã, 11 phòng ban chuyên môn cấp huyện, 6 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Từ thực tiễn cho thấy, mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đã đi vào thực chất và đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cơ quan Nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Tiếp tục chất vấn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Vẹn, Tổ ĐB huyện Phú Giáo đặt vấn đề về hiệu quả của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp tỉnh đối với công tác cải cách TTHC của tỉnh trong thời gian qua và những giải pháp trong thời gian tới. Trả lời vấn đề này, ông Dũng nói: “Hiện 20 sở, ngành với 1.425 TTHC (100% TTHC trong bộ thủ tục đã được công bố) được thực hiện tại Trung tâm hành chính công. Đến nay, đã có hơn 400.000 hồ sơ đã được giải quyết, trong đó có 99% hồ sơ giải quyết đúng hẹn”. Để nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCC, kể cả CBCC cấp xã, trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện đồng bộ nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công, kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách hành chính...

Nâng cao chỉ số PAPI

ĐB Lê Thị Kim Phường, Tổ ĐB TX.Thuận An, Phó Giám đốc Bưu điện Bình Dương đặt vấn đề cần có những giải pháp gì để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đặc biệt là những giải pháp liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở và tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành, quản lý hành chính nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp?

 

ĐB LÊ THỊ KIM PHƯỜNG, Phó Giám đốc Bưu điện Bình Dương: “Đâu là giải pháp để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)?”. Ảnh: Q.CHIẾN

Trả lời vấn đề này, ông Mai Sơn Dũng cho biết, từ năm 2012 đến năm 2014, chỉ số PAPI của tỉnh xếp hạng top 10 trong cả nước (năm 2013: 9/63; năm 2014: 5/63). Tuy nhiên, 2 chỉ số thành phần là sự tham gia của người dân ở cơ sở, công khai minh bạch ở mức trung bình cao (thấp hơn các chỉ số thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công, TTHC công, cung ứng dịch vụ công).

Theo ông Dũng, để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới cần tăng cường các giải pháp như nâng cao thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng chính quyền thân thiện, văn hóa ứng xử, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Song song đó, cần củng cố chất lượng của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng để tham gia giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở cơ sở…

 Tại kỳ họp lần thứ 16 HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua 7 nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về quy định mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công; Nghị quyết về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị quyết về hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề năm học 2015-2016; Nghị quyết về tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND8 ngày 31- 7-2013 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 

 NHÓM P.V CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=941
Quay lên trên