Chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ mới: Góp phần tích cực trong việc bảo đảm nhân lực ngành y tế

Cập nhật: 27-09-2019 | 08:15:37

Ngày 31-7-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/ NQ-HĐND quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh. Theo đó, chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực ngành y tế đã tăng lên đáng kể. Để hiểu hơn về chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực ngành y tế, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế.

 Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương (thứ 4 bên trái), Giám đốc Trung tâm y tế TX. Thuận An thăm hỏi cán bộ y tế đang thực hiện công tác điều trị tại trung tâm

- Thưa ông, thời gian qua việc thu hút, giữ chân cán bộ y tế (CBYT), đặc biệt là CBYT có trình độ cao công tác trong các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể của vấn đề này như thế nào?

- Bình Dương là tỉnh công nghiệp, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp về nhà ở, việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, tai nạn thương tích... Đặc biệt là khó khăn trong công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) tăng cao. Với vị trí địa lý nằm cạnh TP.Hồ ChíMinh, nơi có nhiều trung tâm chuyên khoa y tế đầu ngành, thuận lợi cho việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế để phục vụ cho số đông là người lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khó khăn trong việc thu hút bác sĩ (BS) làm việc tại tỉnh. Nhiều thí sinh trong khu vực, kể cả thí sinh có hộ khẩu tại Bình Dương dự thi, trúng tuyển, tốt nghiệp y khoa có xu hướng làm việc tại các cơ sở KCB ở TP.Hồ ChíMinh.

Tuy còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương và môi trường làm việc, nhưng các cơ sở KCB công lập vẫn là môi trường tốt để các y, BS có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn y tế.

- Thực tế, thu nhập của CBYT trong các đơn vị y tế công lập so với đơn vị ngoài công lập có sự chênh lệch khá cao. Do thu nhập chưa tương xứng, một số CBYT có trình độ cao trong các đơn vị y tế công lập đã xin nghỉ việc để ra ngoài làm. Theo ông, vấn đề này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị y tế công lập như thế nào?

- Trong thời gian qua có một số y, BS ở các cơ sở KCB công lập chuyển ra cơ sở y tế ngoài công lập làm việc với mức lương cao hơn, tạo nên sự cạnh tranh phát triển giữa y tế trong và ngoài công lập, nâng cao chất lượng KCB, hướng đến sự hài lòng cho người dân.

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học cao, hơn 100.000 dân mỗi năm, dẫn đến nhu cầu KCB cũng tăng cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập với 2.097 giường bệnh; 48 phòng khám đa khoa cùng hàng ngàn cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở khám bệnh tư nhân, cơ sở hành nghề dược và y học cổ truyền. Bước đầu, sự phát triển của y tế ngoài công lập đã khẳng định những đóng góp hữu ích đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế công lập, đáp ứng 50% nhu cầu tiếp cận các dịch vụy tế, KCB cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu hụt nhân lực tại cơ sởy tế công lập, để bảo đảm nhu cầu KCB các nhân viên y tế phải chịu áp lực công việc nhiều hơn, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu y tế, tiến độcải thiện chất lượng KCB...

- Để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc ở các đơn vị công lập do thu nhập, ngành y tế đã có những biện pháp gì, thưa ông?

- Để bảo đảm ổn định và phát triển nhân lực cho y tế công lập, trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai một số giải pháp, như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của BS, nâng cao ý thức làm việc hướng đến phục vụ người dân, người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục cử thí sinh tham gia chương trình đào tạo BS theo địa chỉ sử dụng và đào tạo liên thông từ y sĩ lên BS. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật từcác bệnh viện Trung ương cho địa phương (thông qua Đề án 1816, Đềán bệnh viện vệtinh). Đồng thời, tăng cường cử BS đi đào tạo sau đại học cho tất cả các chuyên khoa đểnâng cao chất lượng KCB tại các bệnh viện. Xúc tiến việc thực hiện mạnh mẽ cơ chế tự chủ chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tạo cơ chế tăng thêm thu nhập cho đội ngũ BS và nhân viên y tế. Thí điểm mô hình xã hội hóa y tế và dịch vụ theo yêu cầu trong bệnh viện để tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Đặc biệt, mới đây nhất là việc tham mưu ban hành chính sách thu hút và đãi ngộ nhân lực thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 31-7- 2019 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

- Cụ thể, chế độ hỗ trợ, thu hút BS theo nghị quyết mới ban hành của HĐND tỉnh như thế nào, thưa ông?

- Đối với BS thu hút về các cơ sở điều trị đa khoa, chuyên khoa công lập, trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về y tế (Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình), Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có sử dụng BS được hưởng một lần ngay khi được tuyển dụng viên chức: Tiến sĩ, BS chuyên khoa cấp II, BS nội trú 600 triệu đồng; thạc sĩ, BS chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; BS đa khoa, BS răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng; tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá 400 triệu đồng.

Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hàng tháng từ 2 - 3,5 lần mức lương cơ sở vàcác hỗ trợ khác. Đối với BS là viên chức đang công tác được hưởng chế độ thâm niên nghề và hỗ trợ một lần với mức tối đa là 150 triệu đồng.

Với chính sách thu hút hấp dẫn, ngành y tế tin rằng sẽ tuyển đủ nhân lực y tế nói chung và BS nói riêng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân. Khi có đủ nhân lực, các cơ sở KCB có thể tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng thông qua Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và chất lượng KCB tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1611
Quay lên trên