Ngày 27-1, Đoàn Đám phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Bộ Công thương cho biết lễ ký kết chính thức Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ diễn ra vào ngày 4-2-2016, tại Auckland, New Zealand.
Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP đã thống nhất. Như vậy, sau nhiều năm đàm phán, TPP sẽ chính thức được ký kết với 12 thành viên tham gia, trong đó Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều từ hiệp định thương mại này.
Dệt may được đánh giá hưởng lợi nhiều từ TPP
Trước đó, từ ngày 30-9 đến ngày 4-10 tại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận cuối cùng. Những vấn đề như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước… được thông qua sau hơn 5 năm đàm phán.
TPP được coi là hiệp định hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước…
Theo Bộ Công Thương, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia. TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước tham gia, tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai.
Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ…
Theo NLĐ