Đảng có Bác, đất nước có cả mùa xuân

Cập nhật: 30-01-2020 | 08:52:35

Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã rời Sài Gòn - Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh) ra đi với ý chí lớn lao và quyết tâm cháy bỏng giải phóng dân tộc, đưa nhân dân thoát cảnh lầm than, nô lệ. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn

Bôn ba tìm đường tranh đấu

Từ tuổi niên thiếu, được chứng kiến những thất bại của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám... Nguyễn Tất Thành đã có những suy nghĩ riêng của mình. Tuy anh rất khâm phục tinh thần yêu nước của các cụ nhưng đã nhận ra những hạn chế dẫn đến thất bại. Trong tài liệu Bác viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1949) đã nhắc đến: “…Vì vậy một mình tự chọn lấy con đường nên theo: chỉ có dân tộc ta mới cứu được nước ta. Muốn đánh Pháp thì phải biết được gốc rễ của Pháp và phải học cách tổ chức của những dân tộc mạnh hơn Pháp”.

Trong vòng 10 năm, từ 1911 đến 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó Người đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III”.

Chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ năm 1921 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô...

Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam còn phản ánh các điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương đã chín muồi với vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cộng sản. Sự ra đời của một Đảng cách mạng chân chính là hết sức cần thiết. Nguyễn Ái Quốc đã sớm đặt vấn đề “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”. Và Người đã giải thích: “Trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam, gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo ra những tiền đề và điều kiện để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tháng 2-1930, là một Đảng chính trị, đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, tại Cao Bằng, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. 90 mùa xuân đất nước có Đảng và 79 mùa xuân từ khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo đạo phong trào cách mạng Việt Nam, mỗi mùa xuân về, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hòa chung niềm vui đất nước đổi mới lại càng khắc ghi sâu sắc công lao to lớn của Bác trên con đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước để đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ lầm than, được hưởng những mùa xuân trọn vẹn của dân tộc.q

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam, gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo ra những tiền đề và điều kiện để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tháng 2-1930, là một Đảng chính trị, đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

CAO SƠN (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
mùa xuân

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=652
Quay lên trên