Mỗi người sinh ra đều có số phận khác nhau. Có những người không may mắn bị khuyết tật khi vừa mới lọt lòng, gia đình, người thân và chính bản thân họ tưởng chừng là gánh nặng của xã hội. Nhưng họ đã tìm thấy ánh sáng, niềm tin vào cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng xã hội bởi những người thầy có trái tim yêu thương, chan chứa tình người.
Chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật
Đã hơn 20 năm, mỗi khi có dịp đến Tỉnh hội Người mù, chúng tôi vẫn thấy còn đó bóng dáng của cô Đặng Thị Thu Phương, giáo viên dạy chữ Brai cho trẻ em khiếm thị. Hôm chúng tôi đến thăm lớp học chữ Brai ở Hội Người mù tỉnh đúng vào giờ giải lao, một hình ảnh vô cùng cảm động là cô trò đang tâm sự với nhau như thể mẹ con. Còn các em thì cứ vây xung quanh cô để được chia sẻ, giải bày những điều muốn nói, mà đôi khi với cha mẹ các em cũng không bộc bạch. Lớp học chưa đến 10 em nhưng cô khá vất vả, bởi đây là những học sinh khiếm thị, có em còn chậm phát triển trí não, để các em tiếp thu được kiến thức cô phải nói đi nói lại nhiều lần. Không chỉ vận dụng mọi phương pháp để giải thích cho các em hiểu, cô còn đến từng bàn cầm tay hướng dẫn từng em. “Người mù bị khiếm khuyết đôi mắt, nhưng họ có thể làm được tất cả như người sáng mắt bằng bản năng. Tôi thấy các em rất giàu nghị lực, vì vậy tôi muốn góp sức mình để các em tìm được ý nghĩa của cuộc đời, đầu tiên là các em cần phải biết chữ để có thể tiếp nhận được kiến thức ngoài xã hội”, cô Phương tâm sự.
Cô Phượng hướng dẫn cho các học viên in lụa
Với những em này, do tâm lý mặc cảm bản thân bị khuyết tật, nên hầu như các em có chút cá tính. Do đó giáo viên vừa tâm lý, vừa dùng tình cảm như người mẹ để giáo dục các em. Cô Phương đã làm được điều đó, cô không chỉ dạy chữ cho các em, mà còn dạy các em làm người, các kỹ năng trong cuộc sống. Cô nói: “Tôi chấp nhận làm người mẹ thứ hai để chắp cánh ước mơ cho các em vào đời, để các em nhận thấy mình còn có ích cho xã hội”.
Ai đó đã nói, xã hội phân công mỗi người một việc. Nhưng, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy mà cô Nguyễn Thị Thanh Phượng, giáo viên dạy in lụa tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh đã giúp trẻ khuyết tật ở đây vẽ nên ước mơ đẹp cho cuộc đời. Cô Phượng có cơ sở in lụa ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) đang phát triển tốt, có thu nhập ổn định. Vậy mà khi có người quen nhờ đến dạy nghề cho học viên khuyết tật, cô đã nhận lời ngay, chấp nhận mức lương thấp và thu nhập từ công việc ở cơ sở giảm sút, do phải dành thời gian để đi dạy. “Tôi hầu như không quan tâm đến lương nữa, mà mục tiêu tôi hướng đến là làm sao để các em mau chóng thành nghề, có được công việc ổn định nuôi sống bản thân”, cô Phượng tâm sự.
Từ cái tâm của một giáo viên dạy nghề, 9 năm qua cô Phượng gắn bó với các học viên khuyết tật. Đa số các em ở đây chậm phát triển trí não, cô phải chỉ dạy các em tận tình, cặn kẽ, cầm tay chỉ việc từng em. Hôm nay dạy, ngày mai vào lớp có em không còn nhớ gì, vậy là cô phải dạy lại từ đầu. Nhìn những hoàn cảnh đáng thương ấy và cảm nhận được nghị lực vươn lên của các em, đã khiến cô từ bỏ những cám dỗ vật chất để gắn bó với những học viên đặc biệt này.
Ai sinh ra cũng muốn mình được phát triển bình thường như bao người, nhưng do số phận họ đã bị khiếm khuyết cơ thể, đó là những bất hạnh, thiệt thòi đối với họ. Để các em trở thành những con người có ích, thì các thầy cô chính là người đã nâng cánh ước mơ cho các em vào đời. Chúng tôi cũng đã có dịp đến thăm trường chuyên biệt Bình An ở khu dân cư Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một). Hiện tại trường có trên 100 em. Cô Nguyễn Thị Hoài Minh là một trong những thầy cô gắn bó với trường từ khi thành lập vào năm 2012 cho đến nay. Nhìn cô dạy, cách cô đối xử với các em ở đây, chúng tôi càng tin rằng, thầy cô luôn dồn tất cả tình yêu thương để dạy cho đối tượng là học sinh thiểu năng trí tuệ. Cô chia sẻ, các em vào lớp, có em đã lớn nhưng chưa biết nói, các cô dạy cho bé tập nói, kỹ năng giao tiếp, nề nếp. Ở giai đoạn thầy cô dạy chữ cho các em cũng khá vất vả, tập cho các bé nói qua kỹ năng bắt chước, qua thực tế tranh ảnh. Với những em này dạy thông qua các trò chơi, chơi mà học. Với những bé ở các lớp lớn hơn, như lớp của thầy Đậu Trọng Tình, ngoài dạy chữ, thầy còn dạy các em giao tiếp, kỹ năng sống. Thầy tâm sự: “Với những em này phải vừa dạy, vừa dỗ. Dạy qua lời nói các em nhớ không lâu, tôi phải kết hợp tranh ảnh để các em thực hiện theo lời và hình ảnh”.
Hạnh phúc của người thầy
Bất cứ người thầy nào cũng vậy, khi thấy học trò trưởng thành, chính là những lúc thầy cô hạnh phúc nhất. Chúng tôi không thể nào quên khi nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc, vui sướng của cô Phượng, giáo viên dạy in lụa khi kể về những học trò đã trưởng thành của mình. Học viên Huỳnh Thanh Tú khoe với chúng tôi: “Qua 2 năm học nghề, khoảng 4 tháng nay em đã là thợ chính, có được thu nhập. Số tiền kiếm được em để dành làm vốn lo cho mái ấm nhỏ của mình sau này”. “Những em chậm phát triển, nên lớp có 3/8 em ra trường có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, có em ở lại làm việc, điều đó cũng làm tôi cảm thấy mãn nguyện với nghề mình đã chọn”, cô Phượng cho biết. Có em bị trầm cảm, sau thời gian học nghề, được cô vừa dạy nghề, vừa chia sẻ tình cảm từ thầy cô, được tiếp xúc với bạn bè, các em đã tiến bộ rất nhiều. Cô nói, những khi nghe phụ huynh khen con em thay đổi, suốt ngày đó cô vui khôn tả. Cô càng vui hơn khi những ngày nghỉ hè các em cứ liên tục nhắn tin, điện thoại hỏi bao giờ đi học, vì nhớ cô quá! Chính những tình cảm đong đầy của các em đã tiếp thêm sức mạnh để cô vẫn miệt mài dạy nghề cho các học viên khuyết tật. Cô nói: “Những gì các em tiếp thu, các em nhận được lớn hơn cả thu nhập của tôi, đó chính là giá trị của cuộc sống mà tôi đã cảm nhận được”.
Cô Phương dạy cho học sinh viết chữ
Cô Hoài Minh, ở trường chuyên biệt Bình An chia sẻ: “Tôi đã có gia đình nên đem tình thương của người mẹ chăm sóc, dạy dỗ các bé. Dạy các em từ những ngày đầu chập chững vào trường, ngày các em biết viết, biết làm toán và ra học hòa nhập với cộng đồng và nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của các bậc cha mẹ khi thấy con trưởng thành, đó cũng là thời khắc tôi vô cùng hạnh phúc”.
Với trẻ khuyết tật, thầy cô dạy bằng cả tấm lòng của người mẹ, người cha. Âm thầm lặng lẽ, các thầy cô cứ miệt mài dạy chữ, dạy các em làm người. Không cần sự tôn vinh, những người thầy ấy vẫn lạc quan và thêm yêu nghề mình đã chọn.
Trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Cục Bảo trợ xã hội tổ chức tập huấn hướng dẫn phương pháp hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cho 5 cơ sở trợ giúp trên địa bàn tỉnh. Sở cũng phối hợp Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát rà soát, thông báo cho người khuyết tật tham gia ứng tuyển vào Công ty OmRon. Qua đó, có 6 người khuyết tật đủ điều kiện vào làm việc tại công ty.
A.SÁNG