Người mê sưu tầm hiện vật chiến tranh

Cập nhật: 17-12-2018 | 08:49:16

Khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Lộc ở ấp 10, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã thấy ông cùng những người bạn già của mình ngồi uống trà sáng. Một không khí thật bình yên, ấm áp ở nơi miền quê này. Ông Nguyễn Thành Nhơn, bạn của ông Lộc cười, nói rằng, xưa ở đây là vùng trắng, chiến tranh ác liệt vô cùng. Người dân chúng tôi mong muốn một ngày an bình thật khó. Thế mới thấy cuộc sống bình yên quý giá biết bao...


Ông Lộc giới thiệu về bộ sưu tập

Bộ sưu tập độc đáo

Chúng tôi tình cờ quen biết ông Nguyễn Văn Lộc trong một lần ông được vinh danh vì đã tặng nhiều hiện vật chiến tranh cho Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt. Khi nghe nói ông còn hơn 2.000 hiện vật với bộ sưu tập thật thú vị nữa thì chúng tôi quyết định tìm hiểu về ông cũng như niềm đam mê này của người đã đi qua cuộc chiến như ông.

Ngay gian nhà mát dùng để tiếp khách, uống trà, chúng tôi đã thấy những hiện vật thời chiến mà ông Lộc trưng bày ở đó: Đạn, vỏ bom B52, võng dù, nó, gậy sắt... tất cả như là những vật trang trí cho căn nhà này thêm phần độc đáo hơn. Ngay trước sân, một quả bom B52 được dựng lên (cao quá đầu người) khiến không ít người tò mò. Ông Lộc cười cho biết: “Hồi ở trong rừng, tôi đã biết tất cả những thứ này có lúc sẽ là những món đồ rất quý nên tôi quyết tâm giữ lại khi tình cờ gặp hay mua được. Hơn 2.000 món trong bộ sưu tập của tôi là từ các nguồn tôi tự đi thu gom cũng có mà mua lại của người khác cũng có. Ước tính hơn 90% trong bộ sưu tập là thời chiến tranh chống Mỹ trước 1975. Khoảng 10% còn lại là vật dụng thời Pháp thuộc và trước đó nữa. Mấy năm gần đây, một số món tôi tặng cho Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt, Bảo tàng tỉnh, huyện Dầu Tiếng... còn lại tôi lưu giữ ở nhà mình. Tôi cũng muốn nhiều người biết đến hơn bộ sưu tập này. Thỉnh thoảng, có người hỏi mua được giá, tôi bán một vài món để có tiền... mua món khác và lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, bán mỗi món lại tiếc lắm vì tôi quý từng hiện vật mà mình đã sưu tập được”.


Chiếc dù của lính không quân Mỹ mà ông Lộc mua lại của một người đến từ Tây Ninh

Ông Lộc sinh năm 1945, ở Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu - quê hương của chị Võ Thị Sáu. Sau năm 1975, ông về Thanh Tuyền, Dầu Tiếng lập thân, lập nghiệp và ở luôn từ đó đến nay. Những năm sau chiến tranh quá vất vả nên vợ chồng ông đã từng mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Thú đam mê sưu tầm đồ độc, lạ, đẹp cũng từ những ngày thu mua ve chai này. Thế nên sau mỗi chuyến thu gom phế liệu, ông Lộc lại giữ một số món hầu như còn mới nguyên, có ghi đủ lai lịch của nó như nơi sản xuất, ngày sản xuất. Ông Lộc chỉ vào những vật gia dụng từ thời Pháp thuộc như bàn ủi con gà, những chiếc máy nghe nhạc bằng đĩa than, những mâm đồng... mà hồi đó gia đình thượng lưu, quý tộc mới sắm nổi. Trên chiếc bàn ủi con gà và nhiều vật dụng khác còn ghi rõ những năm sản xuất từ thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, sản xuất tại Pháp. Dòng lai lịch của những món đồ này cũng nói lên được giá trị của chúng mà ông đã cất công tìm kiếm, lưu giữ.


Ông Lộc bên vỏ bom B52 trước sân nhà

Ông Lộc nói về từng món đồ một cách say sưa. Như ông nói về cánh dù (còn nguyên vẹn) của một lính không quân Mỹ nhảy dù mà người khác đã bán cho ông mới vài năm trước đây. Khi thích thì bằng mọi giá ông phải mua cho được rồi xếp thẳng thớm cất vào tủ. Ông cũng giữ những đôi bốt, bình đựng nước, những băng đạn và lau chùi thường xuyên để không bị rỉ sét. Chỉ vào một tấm nhôm dày màu trắng, ông Lộc cho hay nó là một phần của quả bom Nepan hay còn gọi là bom xăng. Ông Lộc cho biết; bom Nepan dài tầm 1,5m rộng thì bằng cái thùng phuy. Chúng được thả từ máy bay xuống và khi phát nổ là một quả bom lửa khổng lồ bao trùm, khiến cho nạn nhân bị bỏng. Có thể hình dung thêm bức ảnh em bé Napan để hiểu về quả bom này không? Tôi hỏi và ông Lộc nói đúng là vỏ của loại bom đó. Còn quả B52 nặng khoảng 500 cân Anh này thì ông cho biết mức độ sát thương khủng khiếp, là nỗi ám ảnh của quân và dân ta trong cuộc chiến chống Mỹ.

Chúng tôi, những người may mắn không nếm trải sự khốc liệt của chiến tranh, lớn lên trong hòa bình, thông qua bộ sưu tập này và lời kể của ông đã biết thêm bao nhiêu điều, hiểu hơn về một thời đau thương mà hào hùng trong lịch sử dân tộc...

Mỗi món đồ, một câu chuyện

Ông Nguyễn Văn Lộc nói rằng, những món đồ đều có giá trị về văn hóa, lịch sử, ghi dấu ấn của con người, của thời đại trong đó. Với người không biết thì đó có thể nó là vật vô tri vô giác, không có giá trị. Nhưng nó cũng có thể là vật vô giá đối với những người biết được lai lịch của nó, biết quý trọng hiện vật lưu dấu lịch sử như thế.

Nói về niềm đam mê sưu tầm đồ độc đáo này, ông Lộc cho biết thêm rằng, ông quý đồ bởi vì đồ càng ngày càng hiếm, không còn ai sản xuất nữa. Tiền thì càng ngày càng nhiều nhưng có khi nhiều tiền cũng không mua được những món đồ mà chúng ta yêu thích. Đó cũng là “nguyên lý, nguyên tắc” về đồ cổ mà những người trong nghề này mới có chung quan điểm như thế. Giữa một khoản tiền lớn và những món đồ độc và lạ, ông vẫn chọn đồ là vì thế. Mỗi một hiện vật ông hình dung nó gắn bó với từng số phận con người cụ thể. Ông hình dung từng câu chuyện mà những người thế hệ ông đã đi qua nên càng quý chúng hơn...

Đã ngoài 73 tuổi, vào tuổi thất thập cổ lai hy, với cuộc sống từng trải gian lao, vất vả, ông Lộc biết quý giá những điều mà nhiều người trân trọng nên ông đã lưu giữ lại như những kỷ niệm đẹp. Ông nói nay ông không còn những sân si, suy nghĩ nhiều về cuộc đời làm gì nữa. Ông hài lòng với cuộc sống bình an ở vùng quê này, với mấy mẫu cao su cùng vợ con. Điều khiến ông vui sướng là vợ con ủng hộ niềm đam mê của ông. Trong câu chuyện, ông Lộc cũng chân tình cho biết, thật ra, trước đây thấy ông cứ gom hết món này đến món kia về để đầy nhà, tiền thì cứ đội nón ra đi, vợ con cũng rất nóng ruột. Tuy nhiên, sau khi bán được một vài món với giá khá tốt để trang trải cho cuộc sống và nhất là khi ông tặng những thứ có giá trị về lịch sử, văn hóa cho Bảo tàng tỉnh thì vợ và con đã thấy được việc làm ý nghĩa này. Họ càng ủng hộ ông hơn. “Thực ra, cuộc sống không cần nhiều tiền lắm đâu nếu chúng ta không bị bệnh tật hiểm nghèo hay một sự cố nào đó của cuộc đời này ập đến. Bởi biết sống đơn giản, vui vẻ, hạnh phúc là được. Thế nên quá nhiều tiền cũng không để làm gì. Thay vào đó, chúng ta có được một niềm đam mê làm điều gì đó có ý nghĩa thì thấy cuộc sống của mình vui vẻ, hạnh phúc và thú vị hơn nhiều”, ông Lộc chia sẻ.

Ông cũng kể rằng, giá trị món hàng nằm ở sự hiểu biết của bên mua và bên bán, của bên nhận và bên cho, của người lưu giữ như ông và người đi sưu tầm cho các bảo tàng, nhà lưu niệm. Thế nên có những lúc ông rất vui khi gặp được những cán bộ bảo tàng, những cán bộ di tích có tâm và hiểu biết kỹ càng về hiện vật đi tìm từng món một để trưng bày cho hậu thế thưởng thức. Ông nói với những người như thế, có thể ông tặng không chứ không cần mua bán gì. “Cái giá của sự hiểu biết, của sự trân trọng lịch sử, văn hóa, của tình người nó cao quý hơn, luôn luôn nằm trên mọi vật chất” - Ông lại dạy cho chúng tôi một bài học nữa trong câu chuyện thú vị cùng ông, qua cái duyên được gặp gỡ người có bộ sưu tập độc đáo này.

Người sưu tầm đồ cổ, đồ độc, lạ có chung một niềm đam mê là họ biết đồ đạc cũng như con người sẽ qua một thời. Người ta không còn sản xuất nữa bởi những cải tiến, phát minh mới cho phù hợp nhu cầu thời đại. Tiền thì có thể làm ra nhưng những món đồ thấm đẫm kỷ niệm thì không có. Giá trị của món đồ nằm ở đó, nó ghi lại nền văn hóa, dấu ấn lịch sử, tình cảm của con người, tức là chứa đựng cả một câu chuyện trong đó, thế thôi!

 

TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1283
Quay lên trên