Phải lòng với... “Kim cô nương”

Cập nhật: 07-12-2018 | 11:32:14

Say đắm với dưa lưới vì tình yêu sẽ cho quả ngọt. Trong những năm qua, xu hướng trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao đã và đang được một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... phát triển khá mạnh. Câu chuyện của những người trồng dưa lưới ở Bình Dương có thể ví như những câu chuyện tình với đầy đủ sắc thái vui buồn, lo âu và chờ đợi...

Khi tình yêu đến

Tôi còn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt đầy ý tứ của ông Mai Hữu Tín, một người khá nổi tiếng trong giới đầu tư tài chính ở Việt Nam, khi trao tặng tôi trái dưa lưới màu vàng, sản phẩm đầu tay từ Khu nông nghiệp Công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) - một dự án mà ông tham gia đầu tư. Ông bảo: “Kim cô nương đấy! Người trồng phải lòng và người ăn cũng sẽ phải lòng...”. Khi đó, loại dưa lưới vàng mà ông Tín giới thiệu là “Kim cô nương”, với tôi vẫn còn xa lạ và tại Bình Dương, cũng mới chỉ có Khu nông nghiệp Công nghệ cao An Thái bắt tay vào trồng.


Ông Nguyễn Văn Cường
(trái), ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo giới thiệu với phóng viên về mô hình trồng dưa lưới Ảnh: THÀNH SƠN

Thật ra, “Kim cô nương” là một cụm từ mỹ miều mà người ta đặt cho loại dưa màu vàng. Còn dưa lưới (tên khoa học là Cucumis melo) có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ. Qua thời gian, với kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ trồng trong nhà màng hiện đại, nay dưa lưới đã trở thành một loại trái cây to và ngọt, mỗi quả nặng từ 1,5kg - 3kg với 2 màu vàng và xanh. Ăn dưa lưới có thể giúp chống lại mệt mỏi và stress hiệu quả. Do có lớp vỏ dày bảo vệ nên trái luôn mọng nước, dưa lưới còn có tính năng thanh lọc, lợi niệu, chất xơ, giúp nhuận trường. Do đó, dù mới xuất hiện tại Việt Nam không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt với yêu cầu kỹ thuật canh tác cao, được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, dưa lưới rất bảo đảm an toàn khi sử dụng. Vậy nên, “không chỉ người trồng phải lòng mà người ăn cũng phải lòng”, như lời ông Mai Hữu Tín nói, quả chẳng sai chút nào.

Quả ngọt mùa đầu

Thực tế đã chứng minh, bây giờ ở Bình Dương, không chỉ có Khu nông nghiệp Công nghệ cao An Thái trồng dưa lưới nữa, mà đã xuất hiện khá nhiều mô hình tương tự của những người nông dân thời 4.0, biết áp dụng khoa học công nghệ, dám nghĩ, dám làm. Vượt qua đoạn đường đất đỏ, tôi cùng một đồng nghiệp đến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Cường, ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo. Điều làm cho chúng tôi khá bất ngờ là ngay tại cổng trang trại của ông có tấm biển ghi Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Kim Long. Bất ngờ là vì trong mường tượng của chúng tôi, có lẽ việc trồng dưa lưới của ông dù áp dụng công nghệ cao, chắc cũng chỉ mang tính đơn lẻ. Nhưng không! Tiếp chuyện chúng tôi ông Cường cho biết, việc thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp Kim Long là trên tinh thần tự nguyện của các hộ dân trồng dưa lưới tại địa bàn xã nhằm hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất. Nhờ đó, việc trồng dưa lưới của các xã viên tại đây ngày càng phát triển hơn.

Ông Cường vốn quê ở Vĩnh Phúc, năm 1996 ông đến xã An Bình để lập nghiệp với hành trang là kinh nghiệm trồng rau xanh của một người miền Bắc. Giai đoạn đầu, ông xây dựng mô hình trồng rau lấy lá nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao do canh tác theo kiểu truyền thống. Sau 3 năm, ông chuyển qua trồng tiêu, nuôi rắn ri voi nhưng cũng không hiệu quả do dịch bệnh nhiều. Qua tìm hiểu, ông biết đến mô hình trồng dưa lưới, thấy đây là mô hình lạ và hay. Do đó cuối năm 2016, ông quyết tâm trồng loại cây này. Lúc bắt đầu thực hiện mô hình trồng dưa lưới, cái khó nhất mà ông Cường phải đối mặt chính là vốn, vì với điều kiện lúc bấy giờ, việc bỏ ra vài trăm triệu đồng cho một sào đất là cả một vấn đề, khác xa với cách trồng rau xanh lúc trước. Thêm nữa, việc làm nhà kính, tưới tiêu theo mô hình hiện đại cũng khiến ông không ít bỡ ngỡ. Ông quyết tâm vay mượn được số tiền gần 500 triệu đồng, xây 2 nhà màng với diện tích gần 2.000m2, rồi hăm hởi bước vào một tình yêu mới với “Kim cô nương”. Nói ông dành tình yêu cho “Kim cô nương” không ngoa, bởi vụ đầu canh tác, ngoài việc tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, còn phải bảo đảm nhà màng luôn được kín đáo, chăm sóc mỗi ngày không để côn trùng vào vì giai đoạn đầu, dưa lưới rất dễ nhiễm bệnh.

“Vụ đầu trúng quả”. Ông Cường nói một cách phấn khích và cho biết, khi đó thương lái liên hệ, đặt thu gom hết toàn bộ sản phẩm. 2.000m2 đất canh tác, ông thu được 7 tấn dưa với giá thành trên 20.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí và hao mòn nhà màng, ông còn được 100 triệu đồng. Có đà thuận lợi từ vụ dưa đầu tiên, ông tiếp tục vay nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và dần mở rộng mô hình. Đến nay, diện tích trồng dưa lưới của ông đã có khoảng 7.000m2. Theo ông Cường, tuy đã tăng diện tích và tăng năng suất nhưng sản lượng dưa vẫn không đủ cung ứng cho thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, thị trường miền Bắc rất hút hàng. Với 7.000m2 trồng dưa lưới, mỗi năm ông Cường có doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

Thấy ông thành công, nhiều hộ nông dân xung quanh cũng bắt đầu trồng dưa lưới. Tuy nhiên, lúc này ông và các hộ dân lại gặp một khó khăn mới, đó là đầu ra sản phẩm và bị thương lái ép giá. Vậy nên, HTX Sản xuất nông nghiệp Kim Long ra đời, có đủ pháp nhân để bao tiêu sản phẩm. Từ khi có HTX, mô hình sản xuất dưa lưới của các xã viên đã thuận lợi hơn, điều quan trọng là giá cả luôn được giữ vững ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Kim Long hiện nay đã trở thành HTX liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường chứ không làm dịch vụ như các mô hình HTX khác. “Việc hình thành HTX đã tạo ra tiền đề quan trọng để sản phẩm dưa lưới của các hộ dân vào được các cửa hàng bán lẻ và hệ thống siêu thị”, ông Cường nói và cho biết, hiện nay tất cả các xã viên trong HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hướng đến mô hình GlobalGAP, để rồi cùng nhau xây dựng nên một thương hiệu dưa lưới riêng.

Không chỉ có đam mê

Cũng đam mê trồng dưa lưới như ông Cường, ông Nguyễn Văn Hoàng, một nông dân ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát đã tìm đến vùng đất Tam Lập, huyện Phú Giáo để mở trang trại. Tuy có vườn cao su đang cho khai thác nhưng do giá mủ xuống thấp nên ông quyết tâm thử sức với cây dưa lưới. Hiện nay, ông đang có 2 nhà màng trồng dưa lưới với diện tích gần 2.000m2. Mỗi nhà màng ông trồng 1.300 cây, theo tính toán năng suất khoảng 1,2 tấn. Một năm, ông canh tác 3 vụ và với giá thành trên thị trường khoảng 40.000 đồng/kg, trồng dưa lưới hiệu quả hơn rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Tuy vậy, theo ông Hoàng, việc trồng dưa lưới cũng không đơn giản, không phải cứ đam mê là sẽ thành công. Kỹ thuật trồng dưa lưới dù đã được hướng dẫn chi tiết nhưng khi bắt tay vào sản xuất, tùy theo từng địa hình, nguồn đất, nguồn nước, khí hậu mà mỗi người tự phải đúc rút ra kinh nghiệm riêng. Chẳng hạn với ông, lúc đầu ông gieo hạt vào trong giò rồi mới đem bỏ vào bầu trong nhà lưới nhưng nay lại gieo trực tiếp hạt xuống bầu. Cách làm này đã làm cho cây dưa lên nhanh và khỏe hơn. Nói là vậy, nhưng kinh nghiệm thì thường được rút ra từ những bài học đắt giá. Hôm chúng tôi ghé thăm mô hình, được ông dẫn vào nhà màng bị hư hỏng với các bầu cây èo uột, xơ xác. Ông nói bằng một giọng trầm buồn: “Đáng lẽ là lứa dưa này sắp mang về vài trăm triệu đồng nhưng nay coi như mất trắng, chỉ có thể lựa vài trái ép lấy nước uống”.

Ông Hoàng cho biết, nguyên nhân bị hỏng vụ dưa là do mưa giông gây tốc bạt che, khiến cho côn trùng vào phá hoại, trong khi đó việc trồng dưa lưới hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu. Do mỗi cây chỉ cho 1 trái, một cây chỉ sinh trưởng đúng một mùa mà lại trồng chung trong một nhà, vì vậy khi đã bị bệnh thì hỏng hết. Không những vậy, việc cải tạo lại nhà bạt này cũng rất khó khăn, tốn nhiều công sức. Làm nông nghiệp thì người nông dân xác định là luôn gặp phải những khó khăn. Tuy việc trồng dưa hiện đã gần như hoàn toàn được tự động hóa với hệ thống tưới nước, phân bón định vị nhưng bên cạnh những yếu tố kỹ thuật, cũng đòi hỏi người nông dân phải siêng năng, chịu khó bám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây. Chỉ sang khu nhà màng thứ 2 với những bầu dưa lưới đang sinh trưởng tốt, ông Hoàng nói với vẻ mặt đầy hy vọng: “Thế nên, ngày tôi ở với dưa, ăn cũng nghĩ tới dưa và ngủ cũng mơ thấy dưa...”.

THÀNH SƠN - CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2275
Quay lên trên