Tháng 11 hàng năm, xã hội luôn dành những tình cảm tốt đẹp để tri ân thầy cô. Nhưng bấy lâu nay chúng ta chỉ tôn vinh người thầy đứng lớp, mà bỏ sót những người âm thầm lặng lẽ đứng phía sau, đó chính là các cô nuôi, hay còn gọi là nhân viên cấp dưỡng. Phóng viên Báo Bình Dương đã theo chân họ để ghi nhận nỗi vất vả, lòng yêu nghề của các cô nuôi đang làm việc ở các trường mầm non, mẫu giáo (MN, MG), trường tiểu học (TH) có tổ chức bán trú.
Yêu nghề
Để cảm nhận đầy đủ công việc của người cấp dưỡng, chúng tôi đã có mặt tại trường MN Võ Thị Sáu (TX.Dĩ An) vào một buổi sáng sớm. Mới 5 giờ sáng mà một không khí làm việc khẩn trương đã diễn ra. “Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Với những người làm các công việc khác, giờ này họ có thể còn đang say ngủ hoặc thư thả tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, còn chúng tôi, do đặc thù công việc nên phải đến trường thật sớm”, cô Lê Thị Hồng, tổ trưởng cấp dưỡng cho biết. Để phục vụ cho gần 800 cháu, 17 cấp dưỡng ở đây phải làm việc thoăn thoắt. Công việc đầu tiên các cô nhận, kiểm tra số lượng, chất lượng, độ tươi ngon của thực phẩm từ nhà cung cấp, sau đó mỗi người một việc, từ sơ chế, đến chế biến thức ăn. Do đã có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, công việc diễn ra thật nhịp nhàng, làm đến đâu, các cô dọn đến đó trông thật sạch sẽ. Không bao lâu sau, thức ăn đã thơm lừng cả nhà bếp. Vừa nêm nếm lại thức ăn, cô Lê Thị Hồng nói: “Mỗi ngày trường phục vụ trẻ 3 bữa ăn, chuẩn bị xong bữa ăn sáng vào lúc 7 giờ, sau đó các cô nuôi lại bắt tay vào lo bữa trưa, kế đến là bữa xế. Công việc cứ quay liên tục nhưng ai ai cũng làm thật nhiệt tình, như thể chăm sóc những đứa con thân yêu của mình trong gia đình”.
Học sinh trường Tiểu học Dĩ An C (TX.Dĩ An) có được bữa ăn ngon, nhờ bàn tay chăm sóc của các cô cấp dưỡng
Một ngày làm việc của nhân viên cấp dưỡng hơn 10 tiếng, cả ngày gắn bó với bếp núc, nhưng với các cô đó là niềm vui. Đến các trường chúng tôi không hề nghe ai than vãn về sự vất vả của nghề. Cô Trần Thị Phượng, tổ trưởng cấp dưỡng trường MN Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Phương châm của chúng tôi là làm xong việc chứ không tính giờ. Có trách nhiệm với công việc, nhiều cô buổi trưa đã nghỉ lại tại trường, họ trở về nhà sau 16 giờ chiều, khi công việc đã hoàn tất”.
Hiện nay, nhiều trường TH trong tỉnh có tổ chức bán trú cho học sinh (HS), các cô tuy chỉ phục vụ 1 bữa ăn, nhưng công việc cũng không kém vất vả. Chúng tôi cũng đã có mặt tại trường TH Đông Hòa B (TX.Dĩ An) và quan sát công việc của các cô cấp dưỡng nơi đây. Cô Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi ngày, các cô cấp dưỡng làm việc từ 5 giờ 30 sáng. Phục vụ 1 bữa ăn, nhưng 1 đầu bếp và 9 cô cấp dưỡng làm việc quần quật cả ngày. Đâu chỉ nấu ăn xong là hết nhiệm vụ, đến giờ các cháu ăn, các cô còn hướng dẫn các cháu kỹ năng tự phục vụ, nhắc nhở các cháu lấy đủ thức ăn. Buổi chiều, sau khi hoàn tất công việc ở bếp, các cô quay sang giặt gối cho các cháu. Công việc cứ như vậy quần quật suốt ngày”.
Xã hội phân công mỗi người một việc. Bất cứ ai cũng vậy, khi đã chọn nghề để đeo đuổi thì họ sống trọn với nghề, dù có gian nan cực nhọc. Không chỉ vất vả vì thức khuya dậy sớm, công việc của các cô cấp dưỡng đòi hỏi cần có sức khỏe để đảm đương được công việc. Để phục vụ cho 800 - 1.000 HS như trường MN Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một), trường TH Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An), bếp phải sử dụng những chiếc nồi trên 80 lít nước. Chỉ riêng phần múc, xúc, phân chia thức ăn cũng đủ làm các cô mệt nhừ.
Làm việc bằng cả cái tâm
Có đi và thấy mới cảm nhận được nỗi vất vả của nhân viên cấp dưỡng, những người luôn âm thầm đứng phía sau, nhưng có vai trò không nhỏ, giúp trường thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các cháu. Tuy làm việc quần quật trên 10 tiếng mỗi ngày, nhưng có nhiều cô gắn bó lâu năm với nghề. Điển hình như cô Nguyễn Thị Mộng Hương, trường MN Tuổi Ngọc, công tác 16 năm; cô Lê Thị Hồng, trường MN Võ Thị Sáu công tác 20 năm...
Mỗi người một việc, các cô trường Mầm non Huỳnh Thị Hiếu (TP.Thủ Dầu Một) chế biến thức ăn trưa cho trẻ
Cùng làm nghề nấu ăn, nhưng nhiệm vụ của người nấu đãi tiệc và nấu ăn cho HS có sự khác nhau rõ rệt. Ngay trong quá trình sơ chế cũng khác, bởi thức ăn của trẻ nhỏ thường xắt nhỏ, riêng trẻ MN xắt nhuyễn hơn, nên đòi hỏi sự tỉ mỉ của các cô. Còn thực đơn các cháu, ngoài thực hiện đủ dinh dưỡng còn phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Theo quan sát của chúng tôi ở các bếp ăn trường học, dù nấu ăn với số lượng lớn, nhưng các cô vẫn tuân thủ thực hiện bếp ăn một chiều, công tác vệ sinh được bảo đảm, không thấy ruồi nhặng xuất hiện ở trong khuôn viên bếp. Các cô đã làm việc bằng tất cả lòng yêu nghề, trách nhiệm với con trẻ và bằng cả trái tim của một người mẹ. Ở những trường MN có trẻ lứa tuổi nhà trẻ, các cô cấp dưỡng càng cực hơn, vì phải nấu ăn 2 chế độ, thức ăn nhuyễn dành cho lứa tuổi nhóm trẻ từ 18 - 36 tháng và thức ăn bình thường cho trẻ lứa tuổi MG. Và để thức ăn được phong phú, các cô lên thực đơn trước 1 tuần, trong tuần các món không lặp lại. Theo cô Nguyễn Thị Minh Thanh, Hiệu trưởng trường MN Huỳnh Thị Hiếu (TP.Thủ Dầu Một): “Khẩu phần ăn của cháu bảo đảm cân đối đúng calo, đầy đủ các chất dinh dưỡng và món ăn đa dạng để giúp trẻ ăn ngon”. Cô Trần Thị Phượng, cùng các cô khác ở trường MN Tuổi Ngọc cũng chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng từng có con nhỏ nên không chỉ nấu ăn ngon, các cô còn sáng tạo ra những món ăn mới, mỗi tháng 1 - 2 món. Món ăn phong phú, nhìn các cháu ăn hết khẩu phần ăn, chúng tôi hạnh phúc vô cùng”. Cô Phạm Thị Hồng Hà tiếp lời: “Vui nhất là khi có phụ huynh tìm đến nhờ hướng dẫn nấu món ăn cháu thích, bởi cháu chỉ đòi ăn món như cô nấu ở trường”.
Như bao phụ nữ khác, ngoài trọng trách với xã hội, các cô còn chăm lo cho tổ ấm của mình. Với đặc thù công việc đi sớm về trễ như vậy, nhưng các cô nuôi vẫn vén khéo thu xếp ổn thỏa việc trường, việc nhà. Cô Phạm Thị Hồng Hà, trường MN Tuổi Ngọc, có chồng bị tai biến đã 3 năm, vậy mà cô đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành được nhiệm vụ. Dù thời gian dành cho trường nhiều hơn ở nhà, nhưng với tấm gương của các cô, cùng với sự dạy dỗ đúng mực, con em của nhiều cô cấp dưỡng là những con ngoan, trò giỏi. Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy, trường MN Huỳnh Thị Hiếu (TP.Thủ Dầu Một) có 2 con học đại học, hiện một cháu đã đi làm. Cô Hồng Hà dù chăm chồng bệnh nặng, nhưng đã nuôi dạy các con trở thành người có ích, hiện 1 cháu đã là kỹ sư, 1 cháu đang học năm nhất đại học. Hay như cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, trường TH Đông Hòa B (TX.Dĩ An) có con đang học ngành giáo dục TH của trường Đại học Thủ Dầu Một...
“Trẻ lứa tuổi MN, MG có nhu cầu phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, do đó nhiệm vụ của nhân viên cấp dưỡng trong nhà trường rất quan trọng. Với xu hướng nuôi con theo khoa học, việc nấu ăn ở trường MN, MG nghiêng về dinh dưỡng nhiều, cân đối theo tỷ lệ, sau khi nấu xong thức ăn phải còn chất dinh dưỡng, đặc biệt là bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngành ghi nhận những đóng góp của các cô trong thời gian qua, giúp các trường MN, MG hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cháu. Để các cô làm tốt nhiệm vụ được phân công, hàng năm ngành giáo dục - đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này. Ngoài ra, các cô còn thường xuyên dự giờ lẫn nhau và cùng góp ý để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của cô nuôi trong nhà trường”.
(Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở Giáo dục - Đào tạo)
A.SÁNG