TX.Tân Uyên đã có những bước chuyển mình ấn tượng; từ một địa phương thuần nông, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Làng hoa Tân Ba (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) nhờ vậy mà cũng có sự chuyển biến rõ nét...
Cú hích công nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn phường Thái Hòa có 109 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Bên cạnh đó toàn phường có hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, đã biến nơi đây trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhộn nhịp và sầm uất nhất TX.Tân Uyên. Bóng dáng của vùng nông thôn cũ Thái Hòa đã phai mờ, thay vào đó là bộ mặt đô thị trẻ đang dần hình thành.
Theo ông Nguyễn Trung Thật, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, công tác chỉnh trang đô thị đang được địa phương đẩy mạnh để hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho đô thị tương lai. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, nhiều công trình đô thị đã được phường thực hiện, có thể kể đến như công trình trang bị đèn chiếu sáng các tuyến đường bê tông xi măng tại các khu phố Tân Ba, Tân Mỹ, An Thành, Phước Hải, Phước Thái, Vĩnh Phước...
Ông Nguyệt bên mảnh ruộng của gia đình chuẩn bị vào mùa hoa tết sắp tới Ảnh: XUÂN VĨ
Phường cũng đã thi công hoàn thành láng nhựa tuyến đường tại khu phố Tân Ba; đồng thời tiếp tục giải tỏa mặt bằng thi công các tuyến đường tại các khu phố Vĩnh Phước, Phước Hải, An Thành; thực hiện kế hoạch nạo vét, khai thông dòng chảy, cơi đắp bờ Suối Nước, Suối Cầu. Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đang được địa phương tiến hành… Có thể nói, sự “thay da đổi thịt” của Thái Hòa mọi người dễ dàng nhận thấy qua từng công trình trên địa bàn. Theo lãnh đạo phường, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng cơ sở để phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị trên địa bàn.
Trong thời gian tới, kinh tế của phường Thái Hòa sẽ dựa chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ; còn diện tích đất nông nghiệp, đất canh tác đang giảm dần theo thời gian. Sự thay đổi này không làm xáo trộn cuộc sống và thu nhập của các hộ nông dân trong phường, mà ngược lại những hộ này sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng thu nhập trên mảnh đất canh tác của mình.
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của phường Thái Hòa còn 720 ha, trong đó lúa 170 ha, rau màu 550 ha; diện tích gieo trồng thủy sản 68 ha. Hiện nay, Tân Ba là địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi cá, trồng hoa tết...
Thay đổi để phát triển
Con đường ĐT743 nối phường Thái Hòa với TP.Thủ Dầu Một và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đi qua khu phố Tân Ba. Tân Ba nằm ven sông Đồng Nai nên rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Chúng tôi gặp chị Huỳnh Thị Thủy (khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa) khi chị đang cắt cỏ bên vệ đường phục vụ bữa ăn cho đàn bò gia đình chị đang nuôi. Chị chia sẻ, trước đây nhà chị chuyên trồng lúa; quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lúa thu hoạch không đủ vợ chồng chị nuôi 5 đứa con. Nhờ Thái Hòa phát triển công nghiệp, các công ty, cơ sở sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều nên chị không bám ruộng nữa, vợ chồng chị đi làm trong công ty cũng đủ lo cho 5 đứa con ăn học đàng hoàng. Giờ con chị đã trưởng thành có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp gần nhà. Giờ đây chị đã quá tuổi lao động; nhớ đất, nhớ ruộng nên chị nuôi bò để “không lâm vào cảnh rảnh chân, rảnh tay” vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Men theo con đường sỏi đá, chúng tôi vào làng nuôi cá lóc trứ danh Tân Ba. Vẻ mặt có chút đượm buồn, anh T.V.L. cho biết năm nay làng cá thất thu do dịch bệnh và rớt giá... nhưng không vì thế làm cho các hộ nuôi cá ở đây nản chí. Rồi anh L. nói vui: Thắng bại là chuyện thường tình của nông gia. Biết đâu dịp Tết Nguyên đán sắp tới giá cá lóc lại tăng lên, mình thu cả vốn lẫn lời. Anh vừa nói vừa cười sảng khoái: “Một năm nuôi cá bằng ba năm nuôi heo“, câu nói cửa miệng của những người nông dân nuôi cá ở Tân Ba cho chúng tôi cảm giác lạc quan, hy vọng vào nghề nuôi cá trong tương lai.
Lãnh đạo phường Thái Hòa cho biết, trước tình hình giá cá lóc liên tục giảm giá, hiện nay một số hộ trong phường đang chuyển sang trồng sen, nuôi các loại cá khác ít bị dịch bệnh và có giá trị kinh tế hơn. Địa phương cũng đang xây dựng nhiều phương án để bà con nông dân Tân Ba có thêm cơ hội khác tăng nguồn thu.
Chờ mùa hoa nở
Chúng tôi gặp lão nông Dương Văn Nguyệt khi ông đang đi thu gom rơm cho bò ăn từ mảnh ruộng vừa mới thu hoạch lúa xong. Năm nay ông Nguyệt trồng hơn 10 sào lúa, “trúng“ được hơn 1,3 tấn lúa. Được mùa lúa vẫn không khiến ông hài lòng. Hiện ông đang chuẩn bị vụ mùa hoa tết sắp tới. Ở khu vực này có hơn 20 xã viên của Hợp tác xã Tân Ba, mỗi hộ có từ 20 - 30 sào ruộng. Đất ít nên nông dân nơi đây phải tăng cường canh tác, mỗi năm họ trồng 3 vụ hoa màu (chủ yếu là đậu bắp, cà tím), lúa và vụ trồng hoa tết.
Làng hoa Tân Ba vốn nổi tiếng khắp Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Vào những ngày cuối tháng chạp, các bạn trẻ thường hay rủ nhau về đây để tham quan, chụp hình lưu niệm; thương lái năm nào cũng tấp nập tới bán mua, giao dịch... Ông Nguyệt trầm ngâm cho biết, thời đỉnh cao của làng hoa Tân Ba, mỗi hộ trồng hoa có thể kiếm cả trăm triệu đồng chỉ trong mùa hoa tết. Hiện nay, nông dân Tân Ba vẫn chưa vội xuống giống hoa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo ông Nguyệt, đây là thời điểm cho đất “nghỉ ngơi“ và người nông dân cũng cần “lấy lại sức“, tầm cuối tháng 11 dương lịch các hộ trồng hoa lại tất bật xuống giống, chuẩn bị cho “trận đánh“ lớn nhất trong năm. Tân Ba nổi tiếng với hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mồng gà. Năm nào cũng vậy, lưng lửng tháng chạp là thương lái đến tận vườn thu mua, không khí mua bán hết sức nhộn nhịp, rôm rả.
Phường Thái Hòa hiện có hơn 12 ha trồng hoa, tập trung chủ yếu tại khu phố Tân Ba, để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới. Diện tích này không tăng so với những năm trước. Với diện tích và số lượng cây hoa giống được trồng ở địa phương như hiện nay, người trồng hoa ở Tân Ba có nguồn cung dồi dào cho thị trường tết sắp tới.
Những năm qua, để hỗ trợ những người trồng hoa tết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân phường Thái Hòa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng tránh sâu bệnh trên hoa. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng tổ chức vườn ươm giống để cung cấp các giống hoa phục vụ ngày tết cho bà con nông dân nơi đây.
Theo ông Nguyệt, mùa hoa Tết Mậu Tuất năm 2018, các hộ trồng hoa ở Tân Ba trúng mùa nên đón tết sung túc. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, rất có thể bà con nông dân trồng hoa ở đây lại có thêm vụ mùa bội thu. Ông Nguyệt tạm biệt chúng tôi, thong thả dẫn đàn bò về chuồng, rồi không quên dặn dò: “Nhà báo nhớ trở lại Tân Ba vào mùa hoa nở rộ”!
Chia tay ông Nguyệt, chúng tôi quay ngược đường ĐT743 về TP.Thủ Dầu Một. Trời đã quá chiều, đường ĐT743 trở nên chật người và xe qua lại. Chúng tôi rất dễ nhận thấy màu áo công nhân lẫn trong dòng người, xe đông nghẹt trên đường. Trong sự hối hả của nhịp sống công nghiệp, đâu đó vẫn còn những nông dân với cuộc sống âm thầm, chậm rãi. Họ đang rất tin tưởng vào chủ trương của lãnh đạo tỉnh là sẽ không có ai bị bỏ rơi trong công cuộc phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhà.
Phường Thái Hòa hiện có gần 40.000 dân, trong đó có 25.000 người từ các địa phương khác đến sinh sống. Từ một địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Thái Hòa đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của phường dự kiến tăng gần 28%/năm, trong đó giá trị công nghiệp, thương mại - dịch vụ dự kiến tăng gần 30% so với năm trước. Điều đáng mừng, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp của phường chỉ còn chưa tới 10% trong cơ cấu kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị đạt 5,3% so với năm trước. Nông nghiệp của phường đang đi theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo phúc tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh giai đoạn 2018-2020, phường Thái Hòa phát sinh thêm 11 hộ nghèo. Đến nay phường có 27 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,88%.
XUÂN VĨ