Gần đây “tín dụng đen” không chỉ xuất hiện ở những khu đô thị sầm uất có đông công nhân lao động mà còn “vươn vòi” đến các vùng nông thôn ở huyện Phú Giáo. Trước thực trạng này, công an địa phương cùng các ngành chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm chủ động đấu tranh có hiệu quả với tội phạm cho vay nặng lãi khiến bao người phải đối diện cảnh tan cửa nát nhà.
“Giăng bẫy” người dân
Hiện nay “tín dụng đen” không chỉ xuất hiện ở các khu đô thị mà còn len lỏi đến các vùng nông thôn. Các đối tượng cho vay từ địa phương khác đến địa bàn huyện Phú Giáo để tìm hiểu nhu cầu vay tiền tiêu dùng của người dân, sau đó chúng in ấn tờ rơi cho vay tiền với lời mời gọi hấp dẫn như “Cho vay trả góp không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải quyết trong vòng 5 phút” hay “Hỗ trợ tài chính, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu”… Một số người còn tươi cười gõ cửa từng nhà dân phát danh thiếp tiếp thị, thậm chí còn chi hoa hồng cho những người giới thiệu được người khác vay tiền của họ.
Tờ rơi, danh thiếp cho vay trả góp bị Công an huyện Phú Giáo thu giữ
Một số người đang “kẹt tiền” nhưng ngại đến ngân hàng hoặc không có tài sản để thế chấp, khi đọc được những lời mời gọi “đường mật” trên những tờ rơi, danh thiếp này thì khó mà cưỡng lại. Sau đó, người có nhu cầu chỉ cần mang bản sao giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đến gặp “nhân viên” để làm thủ tục vay tiền. Để chắc rằng người vay tiền không thể “đánh bài chuồn”, người vay phải dẫn những “nhân viên” này đến “thăm” nhà, đồng thời cho số điện thoại những người thân. Sau khi đáp ứng các yêu cầu trên, người dân sẽ được vay từ 2 triệu đến hàng chục triệu đồng với hình thức trả tiền góp theo từng ngày.
Tuy nhiên, họ không biết rằng mình đã “sập bẫy” cho vay nặng lãi với mức lãi suất “cắt cổ”. Cụ thể, nếu người dân vay 10 triệu đồng thì đối tượng cho vay thu trước tiền góp 1 hoặc 2 ngày với số tiền là 500.000 đồng/ngày và thu thêm tiền phí là 10% trên tổng số tiền cho vay lần đầu tiên, 7% cho lần vay thứ 2 và 5% cho lần vay thứ 3. Như vậy, tổng số tiền mà người vay thật sự nhận được chỉ còn khoảng gần 9 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, người vay phải trả tiền góp tròng 25 ngày tiếp theo. Theo đó, mỗi ngày người vay trả 400.000 đồng tiền gốc và 100.000 đồng tiền lãi. Bằng hình thức cho vay này, người cho vay 10 triệu đồng trong thời gian 25 ngày thu lợi được 3,5 triệu đồng cho lần vay đầu tiền, với mức lãi suất 1%/ngày, tương đương với 30%/tháng, cao gấp 40 lần so với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn cho vay với hình thức “lãi đứng” như sau: Cứ cho vay 10 triệu đồng thì người vay phải trả lãi 150.000 đồng/ngày với lãi suất 1,5%/ngày, tương đương với 45%/tháng.
Một cán bộ điều tra Công an huyện Phú Giáo cho biết, với mức lãi suất “khủng” như trên thì người vay khó mà “xoay” ra tiền để trả nợ. Khi người vay chưa kịp trả tiền góp đúng hẹn hoặc mất khả năng chi trả thì những đối tượng cho vay sẵn sàng “khủng bố” điện thoại người vay tiền và người thân của họ. Thậm chí, một số đối tượng còn kéo theo băng nhóm đến nhà người vay chửi bới, đập phá tài sản.
“Cắt vòi tín dụng đen”
Đến nay, bà Lê Thị K.L. (SN 1973, ngụ xã Vĩnh Hòa) vẫn còn sợ khi nhắc đến cụm từ “cho vay trả góp”. Bà L. kể: “Lúc trước, tôi cần tiền để kinh doanh nhưng không biết vay mượn ở đâu. Thấy tờ quảng cáo cho vay trả góp trên cột điện gần nhà, tôi đã gọi vào số điện thoại của người tên Dũng để hỏi vay 10 triệu đồng. Sau đó tôi được Dũng cho vay 10 triệu đồng nhưng phải đóng trước 1 triệu đồng cho tiền trả góp 2 ngày và 800.000 đồng phí dịch vụ nên chỉ còn nhận được 8,2 triệu đồng. Tôi phải trả tiền góp 500.000 đồng/ngày, trả trong trong 23 ngày. Công việc làm ăn của tôi không được thuận lợi nên không thể trả tiền đúng hẹn. Vì vậy, tôi liên tục bị Dũng gọi điện thoại hối thúc, thậm chí nhiều lần đến nhà chửi bới, đe dọa bất kể ngày đêm khiến cuộc sống gia đình bất an”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Dũng cùng một số đối tượng khác còn kéo đến nhà bà L. đập bể kính cửa sổ để “dằn mặt”. Lúc này, Công an xã Vĩnh Hòa trên đường tuần tra đã kịp thời phát hiện vụ việc và mời các đối tượng về trụ sở để làm việc. Qua đấu tranh, các đối tượng tên Hoàng Văn Dũng (SN 1982) và Lê Văn Phương (SN 1976, cùng quê Hải Dương) khai nhận cùng đối tượng tên Cường (chưa rõ lai lịch) đến nhà bà L. để thu tiền vay trả góp. Ngoài bà L., Công an huyện Phú Giáo còn xác minh được Dũng, Phương và Cường đã cho hơn 30 người dân, trong đó có nhiều người trên địa bàn huyện vay với tổng số tiền 541 triệu đồng, thu lợi bất chính gần 155 triệu đồng.
Thời gian qua, nhờ triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Phú Giáo đã triệt xóa 8 đường dây cho vay nặng lãi với 26 đối tượng, tiến hành khởi tố 6 vụ, 7 đối tượng và hiện đang củng cố hồ sơ xử lý 5 vụ, 17 đối tượng. Theo trung tá Nguyễn Minh Thân, Phó trưởng Công an huyện Phú Giáo, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng công an, người dân cần nêu cao tinh thần phòng, chống tội phạm và kịp thời cung cấp tin báo tố giác tội phạm khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, người dân khi có nhu cầu vay tiêu dùng nên đến các tổ chức tín dụng có uy tín để vay và không nên tin vào những lời “mật ngọt” vay tiền trên các tờ rơi.
Trung tá Nguyễn Minh Thân cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Giáo có một khu công nghiệp đang hoạt động cùng với hàng chục ngàn công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp giáp ranh với địa phương. Vì vậy, dự báo trong thời gian tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản… Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên, công an huyện tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền với phương châm “đi từng ngỏ, gõ cửa từng nhà” để người dân hiểu rõ các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm cho vay nặng lãi mà biết cách phòng tránh. Cùng với đó, Công an huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an các xã làm tốt công tác quản lý địa bàn và nắm tình hình để chủ động trong công tác tấn công, trấn áp tội phạm. Trong công tác phối hợp, CA địa phương cùng với các lực lượng chức năng khác đẩy mạnh công tác tuần tra khép kín trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, Công an huyện tiếp tục làm tốt công tác trao đổi, chia sẻ thông tin với công an các địa phương giáp ranh nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra phá án.
Ngoài ra, Công an huyện còn phối hợp cùng các ngành chức năng phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong nhân dân cũng như kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, từ đó huy động được sức mạnh toàn dân vào công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm “tín dụng đen” nói riêng.
Vừa qua, TAND huyện Phú Giáo đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Lê Đình Tiệp (SN 1995) và Lê Quý Quyền (SN 1997, cùng quê Hải Dương) bị truy tố về tội “cho vay nặng lãi”. Theo cáo trạng, Tiệp đứng ra tổ chức và thuê Quyền đến địa bàn huyện Phú Giáo phát tờ rơi mời chào người dân vay tiền với hình thức trả góp. Khi người dân có nhu cầu thì liên hệ với Quyền để vay. Sau đó, Quyền trực tiếp đến nhà “khách hàng” để thu tiền góp. Hàng ngày, Quyền báo lại kết quả “kinh doanh” cho Tiệp qua điện thoại. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được có 58 bị hại trên địa bàn huyện Phú Giáo vay của Tiệp và Quyền với tổng số tiền 692 triệu đồng. Tiệp và Quyền đã thu về gần 553 triệu đồng, thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng. Với hành vi phạm tội trên, Tiệp bị HĐXX tuyên phạt 9 tháng tù giam, Quyền bị tuyên phạt 6 tháng tù giam.
Những tờ rơi như thế này với nhiều lời mời hấp dẫn đã khiến nhiều người sập bẫy “tín dụng đen”
NGUYỄN HẬU