Kỳ 2: Phát huy vai trò nòng cốt
Vai trò nòng cốt của đảng viên ở Chi bộ Xí nghiệp Xử lý chất thải luôn được phát huy. Điều dễ nhận thấy nhất là thành quả từ công việc của họ. Nhiều “cây sáng kiến” chính là những đảng viên luôn “đầu tàu” gương mẫu vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng, vì môi trường bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương giới thiệu với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu tham quan về quy trình xử lý chất thải nguy hại, thu hồi nhiệt và sản xuất vật liệu xây dựng từ rác. Ảnh: P.V
Trò chuyện cùng “cây sáng kiến”
... Không thể leo cây tới buồng lại bỏ tụt xuống, chi bộ cùng lãnh đạo xí nghiệp phải bàn bạc nhiều lần nêu quyết tâm bằng mọi giá phải sản xuất được phân compost theo kiểu của Việt Nam. Cái khó nhất là công nghệ, ở Việt Nam tới nay chưa có máy nghiền đa nguyên liệu, chỉ có máy nghiền đơn một loại nguyên liệu: đá, sỏi, gỗ, nhựa, phân bón từ chất hữu cơ, nhưng mùn thô từ chất thải lại là nguyên liệu đa chất.
Trao đổi với “cây sáng kiến”, kỹ sư cơ khí Nguyễn Trung Khiêm, tác giả đề tài về giải pháp của xí nghiệp, tôi được biết, để thu thập thông tin xí nghiệp đã đem mùn thô đi nghiền thử nghiệm ở một số nhà máy sản suất phân bón trong nước, song không đạt kết quả do các máy nghiền nhỏ công suất chỉ 2 tấn/ngày, không nghiền được vật liệu có độ ẩm (w>15%) vì lưới (sàng) dễ bị bịt kín; dao nghiền bằng thép mạ đồng, nhưng trong mùn thô còn kim loại máy nghiền dễ gãy dao; mùn thô còn nhiều ni-lông và nhựa rất dai cùng các nguyên liệu khác không lọt ra được theo lỗ lưới; buồng nghiền đầy nhựa, ni-lông, đá, kim loại khiến dây đai bị trượt; thành vách máy bị va đập với nguyên liệu theo phương pháp tiếp tuyến nên bị mòn, thủng… Nhằm tập hợp nhiều trí tuệ, xí nghiệp mời một số đơn vị có kinh nghiệm chế tạo máy nghiền giúp sức và tham vấn các chuyên gia, song đều không tìm được giải pháp hữu hiệu tách nhựa, nylon, kim loại phi từ tính ra khỏi mùn thô.
“Thế rồi sao?”, tôi dùng câu nhắc trong tuồng cải lương giục Khiêm đi vào vấn đề. “Còn sao nữa. Sau thời gian dài nghiên cứu, thảo luận chúng tôi đã tự thiết kế và sản xuất thành công máy nghiền mùn thô công suất 5 tấn/giờ, khắc phục được tất cả các nhược điểm của máy nghiền đơn chất. Quan trọng nhất là dao nghiền, chúng tôi phải thử nghiệm nhiều lần tất cả các loại thép để sản xuất dao, cuối cùng tìm ra được thép SKD11 nhiệt luyện có độ cứng thích hợp”. “Vậy, sáng tạo là gì?”. “Trong hàng trăm chi tiết phải thiết kế, chế tạo có hàng chục thứ sáng tạo, cải tiến mới, sao kể hết được, nói một cách tổng quát là máy được thiết kế theo nguyên lý nghiền búa (dao), cấu trúc đơn giản, tiêu thụ năng lượng ít, năng suất cao, tháo lắp, bảo dưỡng, sửa chữa dễ dàng, chưa có trên thị trường Việt Nam”.
Tôi đề nghị Khiêm bật mí cụ thể hơn. Khiêm giải bày: “Dao quay là bộ phận làm việc chủ yếu của máy, chúng tôi lắp đặt thêm hệ thống dao cố định vào thành buồng nghiền máy, giúp máy tăng năng suất nghiền lên gấp đôi, hệ thống dao cố định còn có tác dụng cản trở nguyên liệu va đập vào thành máy giữ cho thành máy bền hơn. Giải pháp khó nhất là tách nhựa, ni-lông, kim loại phi từ tính thì “may mắn” chúng tôi dựa theo nguyên lý lực ly tâm, lắp thêm phễu tách, khi máy quay các vật cứng, nhựa, kim loại phi từ tính sẽ theo phễu tách văng ra ngoài. Hay hệ thống mở nắp máy, do nắp máy nặng 200kg nên phải lắp 2 xi-lanh thủy lực để nâng lên hạ xuống dễ dàng…”. Theo kỹ sư Khiêm, hiện tại Việt Nam, mới chỉ có Bình Dương sản xuất được loại máy nghiền đa năng này với công suất 5 tấn/giờ, năng lượng điện tiêu thụ 90 kw/giờ, kích thước mùn sau nghiền <3mm, tách được nhựa, ni-lông, tất cả các kim loại, độ bền của dao cao, chỉ cần một công nhân vận hành dễ dàng…
Khánh thành giai đoạn II Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (Xí nghiệp Xử lý rác thải, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương). Ảnh: P.V
“Không có việc gì khó”
Trở lại văn phòng xí nghiệp, trao đổi thêm với Ngô Chí Thắng tôi được biết, xí nghiệp có được cơ ngơi và trưởng thành như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu gian khó của toàn thể cán bộ, công nhân viên, song công đầu được ghi nhận là những cán bộ đảng viên. Ngay từ những ngày đầu khai phá xây dựng, họ đã là nòng cốt đi đầu trong mọi công việc và cho đến hôm nay họ vẫn là những “đầu tàu” trong lãnh đạo, quản lý, sáng tạo.
Ngô Chí Thắng hồi tưởng: “Khi mới thành lập, nơi đây còn là bãi đất hoang và vườn cao su, xí nghiệp được giao 100 ha chủ yếu để làm bãi chứa rác, cán bộ đảng viên nòng cốt phần lớn còn trẻ, sinh viên mới ra trường, công nhân cũng khó tuyển vì không ai muốn làm nghề này. Nhưng sức trẻ lại làm nên chuyện, họ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đam mê công việc. Trước tiên không để bãi rác là nơi mọi người phải xa lánh, xử lý rác không thể là việc “thấp hèn” và họ đã làm đúng lời Bác dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.
Tôi lại phải cắt lời Ngô Chí Thắng:
- Bạn chốt gọn một số sáng kiến then chốt được không?
- Như chú biết đấy, chỗ đốt rác của anh Lập phụ trách có sáng chế ghi đảo rác và đưa rác vào lò đốt năng suất gấp nhiều lần làm bằng tay, công nhân thoát khỏi nóng bức bụi bặm; khu chôn lấp rác chỗ chị Thùy Trang có sáng kiến khoan giếng thu khí, ống thu được khoan lỗ để vừa thu được nhiều khí phát điện vừa chống được cháy nổ. Còn sáng kiến chế tạo được máy nghiền đa năng do anh Khiêm làm chủ đề tài thì quả là chiến công, nhờ nó mà phân bón hữu cơ sinh học “Con Voi Bình Dương” có mặt trên thị trường, cùng với các sáng kiến sản xuất gạch, vật liệu xây dựng… góp phần rất lớn thực hiện khẩu hiệu “Vì sức khỏe cộng đồng - Vì môi trường bền vững” cho xã hội và cho chính xí nghiệp của mình; đặc biệt giúp xí nghiệp kinh doanh thành công.
“Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2017 thế nào?”. Tôi hỏi tiếp. Ngô Chí Thắng trả lời tóm gọn: “Tổng số rác tiếp nhận và xử lý 783.723 tấn, nước rỉ rác được xử lý 3.619m3, doanh thu đạt 482 tỷ đồng, tăng 20% so năm 2016, trong đó doanh thu từ rác 410 tỷ đồng, bán phân hữu cơ sinh học 14 tỷ đồng, gạch các loại 12 tỷ đồng, vật liệu, bê tông xây dựng 27 tỷ đồng, dịch vụ khác 19 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động mỗi tháng 9,8 triệu đồng”.
Có một điều khác lạ làm tôi thắc mắc, khi gặp anh em tìm hiểu, họ đều giới thiệu danh hiệu “tôi là đảng viên” trước khi giới thiệu chức vụ và công việc. Nói về điều này, Thắng giải thích: “À! Việc này do sáng kiến của chi bộ quy định. Khi tiếp xúc với khách cần giới thiệu như vậy để vinh danh và đề cao trách nhiệm của đảng viên trước công việc”. Sự giải thích của Thắng khiến tôi phải trầm trồ. Thật là một sáng kiến hay, mang tính giáo dục cao.
“Cuối cùng xin hỏi Phó Bí thư chi bộ: Chi bộ Đảng đã làm thế nào để lãnh đạo được một tập thể lớn với rất nhiều công việc và thành công?”. Dừng một chút để suy nghĩ, Ngô Chí Thắng trả lời như tâm sự: “Thực ra sự thành công của xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng mới chỉ là bước đầu, còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, bởi còn rất nhiều công việc phải làm. Song như trên đã nói, chi bộ tuy ít đảng viên nhưng lợi thế phần lớn là đảng viên trẻ, có học thức lại say mê sáng tạo khoa học, luôn đi đầu trong mọi công việc, có tác dụng cuốn hút được cán bộ khoa học, kỹ sư trẻ ngoài Đảng cùng tham gia sáng tạo trong mọi công việc. Chi bộ luôn tự hào về những đảng viên của mình, chính họ là những “đầu tàu” luôn kéo “đoàn tàu” lao về phía trước...”.
NGUYỄN TRỌNG ĐẠT