Đã trở thành thông lệ, mỗi năm một lần, cán bộ, chiến sĩ ngành Trinh sát - Quân báo - Biệt động (TS - QB - BĐ) tỉnh Bình Dương lại gặp và kể cho nhau nghe những kỷ niệm trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh; thăm hỏi nhau và cùng chia ngọt sẻ bùi…
Cây điệp vàng, nơi trước đây Tổ TS - QB - BĐ tỉnh đặt hòm thư bí mật. Ảnh: T.THẢO
Di tích Miếu Ông
Năm nay cũng vậy, các cán bộ, chiến sĩ TS - QB - BĐ tỉnh vừa có dịp tề tựu về họp mặt tại Miếu Ông, đây cũng chính là khu Đền tưởng niệm liệt sĩ ngành TS - QB - BĐ tỉnh ở phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên. Theo lời kể của ông Trần Xuân Khanh, Trưởng ban Liên lạc TS - QB - BĐ tỉnh thì Miếu Ông là công trình tín ngưỡng được người dân xây dựng vào năm 1735 tại ấp Tân Long, xã Tân Hiệp (nay là khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) bởi lớp cư dân người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng Tân Uyên làm nơi chiêm bái, cúng kiến cầu cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa.
Bà Văn Thị Phượng nâng niu chiếc khăn tay do bà thêu trong những năm tháng bị địch bắt tù đày. Ảnh: T.THẢO
Năm 1961, Tổ TS - QB - BĐ tỉnh chính thức chọn và bố trí hòm thư, cán bộ, trang thiết bị, hầm bí mật tại Miếu Ông để hoạt động. Miếu Ông trở thành nơi để Tổ TS - QB - BĐ họp và cung cấp những thông tin quan trọng của địch phục vụ cho chiến lược tác chiến của ta, góp phần quyết định cho những thắng lợi trên chiến trường Đông Nam bộ nói chung và chiến trường tại địa phương khi ấy nói riêng. Tại đây, Tổ TS - QB - BĐ tỉnh đã tổ chức khai thác, thu nhận được nhiều thông tin quan trọng, có giá trị chiến lược, như chiến lược quân sự Lai Khê, Bàu Bàng, Phước Thành, Tam giác sắt… góp phần thay đổi cục diện của ta trên chiến trường, đập tan các cuộc hành quân của địch. Năm 2013, Ban Liên lạc TS QB - BĐ chọn Miếu Ông để xây Đền tưởng niệm liệt sĩ TS - QB - BĐ. Đồng thời, đây cũng là nơi họp mặt ngày truyền thống của lực lượng cựu TS - QB - BĐ tỉnh và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Những kỷ vật thời chiến
Mỗi năm họp mặt, tỷ lệ nghịch với những mái tóc bạc càng nhiều thêm thì số người đến dự lại thưa vắng dần. Chỉ có những tấm huân chương, niềm tự hào của mỗi cựu cán bộ, chiến sĩ ngày nào vẫn rực rỡ trên ngực áo. Thời gian trôi mau, dễ khiến người ta quên đi nhiều thứ. Nhưng có lẽ với những người đã có thời gian hoạt động cách mạng, một thời vào sinh ra tử, họ sẽ không bao giờ quên những đồng đội đã từng sát cánh cùng nhau. Họ rờ rẫm từng cái tên, từng bức hình của đồng đội xưa được khắc trên tấm bia tưởng niệm tại Đền tưởng niệm liệt sĩ TS - QB - BĐ tỉnh. Và họ lại vui mừng ôm nhau thắm thiết, những bàn tay siết chặt khi thấy đồng chí, đồng đội của mình còn khỏe mạnh về dự họp mặt.
Mở chiếc tủ đựng những kỷ vật thời chiến được trưng bày tại phòng truyền thống, bà Văn Thị Phượng, một chiến sĩ giao liên của ngành quân báo nhẹ nhàng đặt thêm một chiếc khăn tay thêu vào đó. Với một tình cảm trân trọng, bà Phượng nói: “Cho nó có đôi. Ngày trước, tôi đã tặng cho phòng truyền thống một chiếc khăn, một chiếc giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng giờ già rồi, không giữ cho riêng mình để làm gì, trao tặng chiếc khăn còn lại cho trọn đôi”. Đó chính là cặp khăn tay bà Văn Thị Phượng thêu trong những năm ở trong nhà tùcủa địch. Bà Văn Thị Phượng kể lại, bà tham gia cách mạng từ năm 1966, khi ấy bà được 17 tuổi. Bà là giao liên của ngành quân báo, với nhiệm vụ đưa thư từ Hòa Lợi về Bình Nhâm và ngược lại. Đến năm 1971, bà bị chỉ điểm, bắt ở tù. Trong lao tù, bà tiếp tục đấu tranh. Đến năm 1973, bà được trao trả ở Quảng Trị. Hai năm trong tùbà bị địch tra tấn dã man nên sau khi trao trả bà được đưa đi an dưỡng.
Xúc động hơn nữa là hình ảnh người lính già cứ mân mê những cái máy móc cũ kỹ mà những gia đình trung lưu ngày xưa hay sử dụng như hệ thống vô tuyến điện sóng ngắn loại máy PRC25, hội thoại HT 10… ở phòng truyền khiến mọi người chú ý. Như hiểu được ý của chúng tôi và mọi người xung quanh, người lính già năm xưa, bắt đầu câu chuyện của mình… Ông tên Ca Văn Ron, nguyên là chiến sĩ trinh sát kỹ thuật (TSKT) thuộc Quân báo Phân khu 5.
Quay ngược thời gian trở lại ký ức những ngày mới thành lập bộ đội TSKT, ông Ca Văn Ron cho biết TSKT là một bộ phận đặc biệt của cơ quan quân báo trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Nam bộ, là tiền thân của Phòng Quân báo (Quân khu 7) hiện nay. Ngoài việc cung cấp thông tin về tình hình địch, ý đồ hành quân của địch ở mặt đất, bộ đội TSKT còn góp phần đặc biệt trong việc xác định tọa độ oanh kích của đối phương, kể cả ném bom rải thảm bằng B52, những thông tin mà trinh sát bộ binh hay những đơn vị khác không thể làm được. Đơn vị TSKT đã góp phần giúp cho các phân khu, Bộ Chỉ huy chiến dịch hoạch định những đấu pháp hiệu quả trên chiến trường. Từ những thông tin chính xác, kịp thời đã giúp cho bộ đội tránh được những thương vong.
Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đợt hai, phía Mỹ - ngụy có sự tham gia trực tiếp của B52 rải thảm ở khu vực vành đai Sài Gòn - nơi có các hướng tập kết của bộ đội ta, qua những thông tin từ sóng điện từ, TSKT tiền phương tại mặt trận đã kịp thời phục vụ cho phân khu, Bộ Chỉ huy Miền nắm chắc thời gian hành quân, vị trí đổ quân, lực lượng tham chiến và tọa độ oanh kích của địch cho Bộ Chỉ huy tiền phương hoạch định chiến thuật. Nhờ đó, lần đầu tiên ta diệt gọn hai tiểu đoàn địch và đánh diệt hiệu quả nhất tính đến thời điểm đó. Góp công lớn vào chiến thắng này chính là đội TSKT tiền phương đã nắm chắc địch trong mọi tình huống, từ khi chiến dịch nổ ra đến khi kết thúc.
Ông Ca Văn Ron nói vui: “Thời ấy, người ta thường gọi những TSKT chúng tôi là những người ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời. Bằng phương tiện hết sức thô sơ, dưới những ánh đèn dầu le lói giữa rừng già chiến khu, hay ở mặt trận Bộ Chỉ huy tiền phương trong chiến dịch, đều có sự tham gia nắm tình hình địch của người lính TSKT. Chính từ những ánh đèn khuya leo lắt giữa rừng trong mọi hoàn cảnh, họ đã giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch có những thông tin quý giá. Đây cũng là một lợi thế trong tác chiến, đặc biệt là chiến tranh đối trọng với lực lượng cơ động và tác chiến hiện đại. Những chiến sĩ TSKT đã cung cấp cho phân khu, Bộ Chỉ huy Miền những tin tức mà có thể phải đánh đổi bằng hàng ngàn sinh mạng, nếu không nắm chắc địch tình trong mỗi trận hành quân, ném bom của đối phương khi phát hiện vùng mục tiêu oanh kích.
Ông Trần Xuân Khanh, Trưởng ban Liên lạc TS - QB - BĐ tỉnh cho biết, trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Ban TS - QB - BĐ đã tổ chức nhiều phương thức, vận dụng nhiều biện pháp để nắm địch phùhợp với tình hình địch và trên chiến trường. Ngay từ đầu, đơn vị đã tổ chức cài cắm nhiều TS - QB - BĐ thọc sâu ở các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng yếu của Lái Thiêu, Châu Thành (nay thuộc TP.Thủ Dầu Một). Trong đó, đơn vị tập trung tổ chức, xây dựng và phát triển nhiều mạng lưới TS - QB - BĐ rộng khắp trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân để điều tra nắm mọi tin tức hoạt động của địch. Ngoài việc chỉ đạo TS - QB - BĐ nắm chắc tình hình địch, lãnh đạo Ban TS - QB - BĐ còn chú trọng công tác tổ chức, bồi dưỡng huấn luyện lực lượng BĐ để đánh một số mục tiêu nằm sâu trong lòng địch, hoàn toàn do địch kiểm soát bằng những chiến thuật tác chiến đặc trưng riêng của mình, sử dụng lực lượng ít, vũ khí thô sơ, tự tạo nhưng thắng lợi lớn, có tác dụng hỗ trợ cho quần chúng nhân dân đấu tranh gây hoang mang cho địch…
Những người có mặt trong đơn vị TS - QB - BĐ xưa kia, cùng viết nên thành tích anh hùng, nay phần lớn đã rời quân ngũ, song tình cảm đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa luôn mật thiết nối kết từng cá nhân mỗi khi có dịp gặp lại và cùng nhau ôn lại những chiến công một thời tuổi trẻ. Họ là những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và chấp nhận hy sinh để góp phần đưa Nam - Bắc sum họp một nhà, xây dựng nên truyền thống tự hào của lực lượng vũ trang Bình Dương.
THU THẢO